Thursday, April 28, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 7


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 7

09.2.2021 - Bạn thân ơi, liên tục mấy hôm nay bạn nghe mình kể những thăng trầm trong cuộc đời mình, bạn có ngao ngán lắm không? Chắc là thế giới của bạn không bao giờ có những cảnh ngộ như vậy? Mình chúc mừng bạn được sống trong một cảnh giới yên bình.

 Mình cũng nói để bạn mừng cho mình, khi cha con mình về tới Nữ Tu Viện Nha Trang, cha con mình được bố trí ở một phòng khá rộng rãi. Ngày ba bữa, cha con mình được một Phật tử làm công quả mang đồ ăn đến tận phòng. Hai cháu Giáng Vân và Giáng Châu được theo chị nó lên phòng y tế Tu Viện để chữa trị đều đặn mỗi ngày. Cứ đến tối, khoảng 7 giờ mỗi đêm, cháu Giáng Hương thường lên Sảnh Phật để đọc kinh niệm Phật cùng Ni Sư và các Ni Cô. Riêng mình thì ít khi gặp các Ni Cô và Ni Sư, chỉ có những trường hợp cần thiết để hỏi han về đời sống của cha con mình trong quá trình chạy loạn thì Ni Sư mới gặp thôi. Mình cảm thấy những ngày sống ở Nữ Tu Viện Nha Trang thật êm đềm an yên lạ thường.

 Cha con mình sống ở Nữ Tu Viện đâu được trên 10 ngày, hai cháu Giáng Vân và Giáng Châu đã được chữa trị khỏi bịnh, khỏe hẳn. Cha con mình chính thức chia tay Ni Sư và các Ni Cô ngày 10 tháng 4 năm 1975. Trong lúc chia tay, mình có nhận của Ni Sư Thích Nữ Huệ Hiền một số tiền nhỏ kèm theo lời như sau:

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kính ông,

Chút mọn kính gởi ông để mua quà cho các cháu.

Ngưỡng nguyện Hồng Ân Chư Phật từ bi gia hộ gia đình ông sớm đoàn tụ.

Kính

Thích Nữ Huệ Hiền

+ Bút tích mình vẫn còn lưu giữ.

 

 Buổi chia tay cũng khá buồn, nhưng có một chút gì đó ấm lòng hạnh phúc đối với cha con mình. Thật là khó quên! Cha con mình được một Ni Cô trong Tu Viện đi theo dìu dắt hỗ trợ suốt một quãng đường khá dài từ Nha Trang về đến Đà Nẵng, phải vượt qua biết bao nhiêu tỉnh thành và đèo dốc. Như bạn biết đó, lúc bấy giờ phương tiện giao thông dân sự đâu có, qua lại trên quốc lộ chỉ toàn xe bộ đội; cho nên phái đoàn của mình phải đi bộ, đi ghe, quá giang xe bộ đội, lung tung, đủ loại phương tiện mới đến được Đà Nẵng. Bạn cứ tưởng tượng đi, một đoàn người gồm toàn những trẻ con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, đứa lớn nhất 11 tuổi, gồm cả 6 đứa, phải đi qua nhiều đèo dốc, sông ngòi thì nỗi cực khổ sẽ như thế nào? Không thể tả được! Những thước phim ấy còn hằn in trong đầu mình như một vết chém, rồi lại như một bàn tay xoa, vừa khổ đau vừa ngọt dịu không thể phai mờ được. Nó cứ chồng chéo, nghịch lý với nhau khó mà giải thích để tìm ra chân lý cuộc đời. Mà chân lý thì chỉ có một, không có hai?

 Mình còn nhớ lúc bấy giờ, những lúc giữa đường đêm xuống, phái đoàn mình phải xin tá túc qua đêm ở nhà dân. Đêm nằm nghe tiếng xe chạy rầm rầm ngoài quốc lộ, nhưng mình vẫn nằm ngủ ngon lành, vì mình biết chắc đó không phải là xe GMC của những ngày đầu chạy loạn tại Đà Nẵng. Mình không còn cảm giác run sợ  nữa. Mình cũng cần nói để bạn rõ về mình, mình đơn giản chỉ là một cây cỏ trong thiên nhiên đất trời không hơn không kém, sống vô tư và hồn nhiên. Cho nên đối với mình, thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể là lẽ sống. Có thể là mình sống như một bản năng sinh tồn. Mình sẽ thụt lại khi vô tình chạm phải tay vào nước sôi, mình sẽ thu mình như con nhím khi chạm phải một lực mạnh. Chắc bạn hiểu ý mình? Đơn giản chỉ có thế thôi. Mình chưa hề có ý niệm về ý thức hệ, cho nên bạn đừng hiểu lầm mình nhé!

 Phải thú thật, cũng nhờ khổ sở đủ điều suốt đoạn đường dài trèo đèo băng núi nên mình nếm trải được nhiều thứ. Như là cảm nhận được những giây phút thót tim khi ngồi trên ghe máy, bồng bềnh xiêu vẹo dọc suốt vách núi đá ven biển từ Quy Nhơn về Quang Ngãi. Chiếc ghe hơi nhỏ, mà chở số người quá nhiều. Mình thì ưu tiên ẵm bé út nên được ngồi trong khoang ghe cùng với vài cụ già. Dọc theo hai bên thành ghe và mui buồng lái, người ngồi đông kín. Ghe chạy sát chân núi đá nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, mỗi làn ghe nghiêng là thót tim. Bạn biết không, mặt thành ghe chỉ cách mặt nước biển chừng 2,5 tấc, mỗi lần ghe nghiêng là vô nước ào ào. May nhờ những người ngồi hai bên mạng ghe lẹ tay tác nước kịp thời. Lạy trời Phật, rồi cũng qua một quãng đường thủy dài ơi là dài.

 Về đến Quảng Ngãi trời vừa hừng sáng, phái đoàn mình lại lội bộ lai rai dọc theo quốc lộ để tìm phương tiện quá giang. Cũng may, nhờ có Ni Cô đi cùng nên mọi việc giao tiếp đều nhờ Ni Cô đảm nhiệm hết. Gần tới chỗ cây xăng, Ni Cô nhìn thấy đoàn xe bộ đội đang dừng ở đó. Mấy anh bộ đội còn đứng dưới lề đường cạnh chỗ xe dừng. Ni Cô tiến đến gần và chuyện trò với mấy anh bộ đội. Không biết trao đổi chuyện gì mà mình thấy mọi người chỉ chỏ hướng về phía mình và các cháu. Một lát, anh bộ đội trao cho Ni Cô 2 ruột tượng gạo. Ni Cô ngoắc tụi mình lại gần đoàn xe, giao 2 ruột tượng gạo cho mình, bảo là anh bộ đội biếu các cháu. Mình cảm động, không biết nói sao, chỉ nhìn và cám ơn ngắn gọn! Thế là phái đoàn của mình lại được quá giang xe bộ đội lần thứ hai kể từ khi rời Nha Trang.

                      ~~oo0oo~~

 Xe dừng lại tại Ngã Ba Huế, cha con mình xuống xe, còn NiCô thì chia tay cha con mình và tiếp tục đi ra Huế. Mình thấy NiCô khóc, mình cũng khóc. Cuộc chia tay không ai muốn. Thật buồn!

 Mình về đến nhà vừa đúng 12 giờ ngày 16 tháng 4 năm 1975, lúc bấy giờ, nhà chỉ có bà chị thứ ba của mình. Mình nhờ chị ấy coi nhà giùm từ ngày vợ chồng mình và các con chạy ra bãi biển Tiên Sa. Một nỗi buồn quá lớn từ khi mình bước chân vào nhà. Tinh thần mình gần như sụp đổ nếu không có các con bên cạnh. Cuộc sinh ly của mình bi thảm quá, quá bi thảm…!

 Sáng hôm sau, bà chị thứ Năm từ bên phố chợ Hàn dọn qua ở hẳn với cha con mình, mình cũng đỡ lẻ loi đôi chút. Bạn biết không, mình mất mẹ từ năm lên 5 tuổi, cha mình ở thế để nuôi dưỡng 7 chị em mình ( Chị Hai, chị Ba, chị Bốn, chị Năm, chị Sáu, chị Bảy và mình thứ Chín, còn anh thứ Tám chết ). Cha mình làm nghề thợ may mui nệm xe hơi, ngoài ra ông còn khéo tay nên làm được nhiều việc khác nữa để kiếm sống nuôi con. Cha mình rất quý yêu mình và ngược lại, mình cũng vậy. Sau khi cha mình mất, chị Năm là người đại diện mấy chi khác đứng ra nuôi nấng mình ăn học. Mặc dù các chị khác cũng chung tay đóng góp nuôi mình, nhưng chị Năm là chính. Mình xem chị Năm như một bà mẹ. Trước 1975, sau khi mình lập gia đình, chị Năm ở suốt với vợ chồng mình mặc dù chị cũng có con gái ở bên đường Đồng Khánh Đà Nẵng.

                    ~~oo0oo~~

  Hôm nay ngồi nhà buồn quá bởi lệnh giãn cách do dịch Covid-19, lại muốn kể tiếp câu chuyện của mình cho bạn nghe đây. Tính ra từ khi rời Nữ Tu Viện Nha Trang về nhà cũng gần một tuần đi đường. Sau khi ổn định tinh thần để tiếp tục cuộc sống, mình quyết định lên núi Sơn Trà làm nghề tiều phu bất đắc dĩ. Sở dĩ mình quyết định như vậy vì 2 lý do:

1/. Mình muốn giết thời gian trong thời điểm đó.

2/. Nhà hết sạch tiền, không còn một xu dính túi. Mình lên núi chặt củi đem qua phố đổi gạo để sống qua ngày.

Lý do nào cũng quan trọng cả, tại sao lại không làm?

Dân ở quanh khu phố mình, họ rủ nhau đi ào ào…Mình thấy cũng đỡ tủi, đỡ lẻ loi. Lúc bấy giờ, sau khi bàn bạc với chị Năm, mình tiến hành công việc ngay. Mình chuẩn bị mùng, túi ngủ, chén nhựa, một cây rựa bén, rồi đăng ký nhà ghe. Đúng 4 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1975, mình ra bến đò An Hải chờ đón ghe để đi lên núi Sơn Trà.

Như thế là mình đã bắt đầu lại một cuộc sống mới kể từ lúc bấy giờ.

                     ( còn tiếp )

 


Tuesday, April 26, 2022

tiếng xưa


 

                   tiếng xưa                       

tôi về lật bóng hoàng hôn
tìm em như thể tìm hồn tuổi hoa
qua sông nhớ tiếng gọi đò
mấy mươi năm vẫn cứ vờ vật đau

tôi về tìm lại Trân Châu
bới trong tiềm thức tình đầu đời trôi
Cổ Viện Chàm(*) đã ngã màu
về đâu em hỡi bể dâu đổi đời !

tôi về ôm lấy khoảng trời
hỏi mây hỏi gió, nhắn lời cố nhân
gốc già phượng vĩ trên sân
vẫn còn nhỏ giọt lệ thầm đơn phương

tôi về đứng giữa sân trường
nghe con ve nhỏ thân thương gọi hè
níu thời gian để lắng nghe
guốc ai gõ nhịp mà se sắt lòng

tôi về cõng phận long đong
hóa thân cỏ dại nằm hong sân trường
im nghe từng bước yêu thương
tiếng thời gian gọi nghe chừng xa xăm

tôi về tìm cuộc trăm năm
cây đa bến cũ khuất tầm nhân gian
câu thơ chừ đã lỡ làng
nghe trong tiền kiếp võ vàng tiếng xưa

tuyền linh

2005

 

(*) Nhà lưu giữ các tượng cổ Chiêm Thành tại Đà Nẵng


Friday, April 22, 2022

GIỚI HẠN


GIỚI HẠN

Anh có hai nụ cười

Nụ cười thật anh giấu

Nụ cười giả anh trao

Biết tặng nụ cười nào

Cho vừa lòng em nhỉ?

 

Anh có hai con mắt

Con trái để khóc thầm

Con phải nhìn đăm đăm

Vào cuộc đời dâu bể

Con nào là có thể

Cho em chút an yên?

 

Anh có hai bàn chân

Để đội trời đạp đất

Vừa rồi trời lấy mất

Hết một mớ sinh tồn

Còn đâu mà lên non

Để khai sơn xẻ núi

Để đá mềm chân cứng

Để anh vẫn là anh

 

Nhưng không sao đâu em

Vẫn còn đây khối óc

Anh sẽ làm được tất

Nếu tâm vững chính tâm

Giới hạn nào cản ngăn

Được lòng người sắt đá?

Cái tôi anh - bản ngã

Là niềm tin…niềm tin…!

Không cưỡng cầu an  yên

Vòng xoáy đen xã hội

Vẫn an nhiên tự tại

Giữa dòng chảy thạch nham…!

TUYỀN LINH

2022

 

 

Monday, April 18, 2022

Nói Chuyện Với Người Tình KHÔNG CHÂN DUNG


 

 Thưa qu ý B ạn Đ ọc

Khẳng định, tôi không sợ chết. Ai rồi cũng chỉ một lần chết. Sợ gì! Bệnh tật? Ai rồi cũng phải có, ai rồi cũng phải chịu đựng. Mỗi người chịu đựng một cách khác nhau: lạc quan, bi quan.

 Riêng tôi, tôi thường tìm những bài thơ, bài văn cũ của tôi trước đây mà tôi tâm đắc đem ra đọc lại; tôi có cảm giác đó chính là những giọt sương mai nhỏ lên cành cây đang héo rũ, vẫn còn một chút gì giá trị sinh tồn.

TL

 

TÙY BÚT

 

 

Nói Chuyện Với Người Tình KHÔNG CHÂN DUNG

 

Hỡi Người… !

Lâu lắm rồi…! vâng, đã lâu lắm rồi tôi chưa nói được với ai điều tôi muốn nói tận đáy lòng mình. Thời gian im lặng ấy là những tháng ngày tôi ngồi nghiệm trải lại sự đời, ngồi nghỉ chân trên đường đi "đãi cát tìm vàng" đó Người !

Như Người cũng biết đấy, chẳng ai chọn sẵn được chỗ cho mình sinh ra, và cũng không ai có thể sắp xếp số phận theo ý mình được. Bởi thế, sự đời cứ nói mãi mà chẳng hết - chẳng chịu hết. Mà hết làm sao được khi mỗi chúng ta, hay nói đúng hơn phần lớn con người trên thế gian nầy có thấy được "mình" và thấy được "người" đâu; mấy khi nhìn "người" mà đau lòng "mình"? Vì lẽ ấy, sự đời cứ mãi là sự đời...mãi nổi trôi...mãi trăn trở...khôn nguôi.

Người ơi! tôi đi vào cái " thế giới kết bạn bốn phương" nầy do một bốc đồng, hay nói đúng hơn bởi một sự hụt hẫng cao độ, mọi chuyện cứ nghĩ đơn giản nhưng thực tế lại chẳng đơn giản tí nào.

Tôi như một người mù, lần tìm hướng đi "đãi cát tìm vàng" , hành trang mang theo là một nỗi đau bất tận , càng đi hành trang càng nặng thêm lên , không cách chi rũ bỏ bớt được. Cứ càng đi càng thấy rõ cốt lõi của cuộc đời, và không hiểu vô tình hay cố ý, cuộc đời đã biến tôi thành một món hàng được bày bán ở "chợ đời”, rồi kẻ đến lựa chọn, người đi chê bai, bởi tôi không phải là món đồ cổ quý hiếm mà người đời cần tìm. Tôi bị người ta lật qua, lật lại, nâng lên, thả xuống không biết bao nhiêu lần trong sự lựa chọn khắc khe đến ghê sợ !

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn đang nằm lăn lóc trên tập giấy báo Phụ Nữ (*) được trải ra ở "chợ đời" thật xô bồ và nhiều màu sắc , những màu sắc dịu mát đầy xảo thuật...(?)

Tôi - tuy là kẻ bạc phước, chuyện lứa đôi đã mang tàn tích đầy người, nhưng dẫu sao, từ vạch xuất phát tôi vẫn là người chủ động, nay lại trở thành kẻ bị động. Và...cứ đu đưa mãi trong vòng tròn đời sống "Kết Bạn Bốn Phương" như đang chơi trò rủi may trong sòng bạc. Mà được rủi may thì cũng đã quý , tệ hơn thế, lại bị chao đảo trong sự gian lận, bởi sòng bạc nào mà không có sự gian lận ?

  Mãi đền hôm nay tôi mới thấy được mình - một anh chàng ngây ngô, khờ khạo cứ nhìn "lòng mình" mà đi tìm kiếm "lòng người",tìm đâu cho ra ? Nhiều lúc tôi thèm được như Tù Hải, muốn chôn chân chết đứng giữa trời mà cũng chẳng được. Dẫu sao, Từ Hải vẫn còn diễm phúc có được tấm chân tình từ Thúy Kiều, còn tôi, suốt cả đời vẫn gập ghềnh nổi trôi theo số phận hẩm hiu, bạc phước đến thế là cùng !

Người ơi ! giá như những cơn giông bão trước đây đã từng vùi dập cuộc đời tôi, làm đông cứng lại những tế bào vốn hằng nuôi sống trái tim tôi , để chẳng bao giờ tôi còn biết yêu, biết nhớ, biết cô đơn khi trời đêm trở gió, thì hay biết mấy, yên phận cho tôi biết mấy ! Ác thay, thời gian vẫn cứ trôi... máu vẫn chảy...trái tim vẫn cứ gõ nhịp...và tôi lại cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng một thứ gì đó trong tâm hồn mình.

 

Hơn lúc nào hết, tôi đang khát khao một bàn tay để nắm - một cánh tay để vịn - một trái tim biết lắng nghe và thấu hiểu - một tấm lòng rộng rãi sớt chia. Cuộc đời "mộng" cứ dẫn tôi đi và cuộc đời "thực" lại kéo tôi về, cứ thế giằng co nhau mãi nên đời tôi buồn như sợi tóc. Vâng, buồn như sợi tóc, nó cứ mãi dài ra theo năm tháng, có muốn cắt bỏ đi cũng chẳng được, bởi nó đã trở thành một phần máu thịt của tôi rồi. Thời gian thì cứ vô tình trôi đi mang theo biết bao ước mộng không thành, còn lại đây chỉ là một nỗi khát khao bình dị vẫn đang cháy bỏng trong lòng, và có lẽ sẽ theo tôi về một kiếp khác. Từng người tình chợt đến rồi chợt đi - lúc gần - lúc xa - lúc ẩn - lúc hiện - có đó - mất đó - tựa như những vì sao băng trong bầu trời đêm u tịch, để lại đằng sau những bụi lửa làm rát bỏng cả đời tôi. Chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, mỗi nỗi đau đều mang một dáng vóc khác nhau; nhưng tất cả đã un đúc thành một nỗi đau bất tận...Mọi thứ cần có thì lụi tàn dần, chỉ có nỗi đau là chất ngất...

Tôi giờ đây trở về, đang ngơ ngác ở cuối đường với đôi bàn tay trắng, chẳng còn gì ngoài cái xác thân rã rượi, ê chề... Còn chăng chỉ là những bài văn đang viết dang dở chưa có đoạn kết - những tranh vẽ chưa tìm ra sắc màu để trám kín lỗ hổng cuộc đời - những dòng nhạc chưa đủ thanh âm để viết thành giai kết trọn. Mọi thứ đều dang dở...dở dang...

Đường đời có trăm vạn nẻo, nơi đâu cũng thấy chim, hoa, lá cỏ thánh thót ngọt ngào. Ấy thế mà một ước mơ nhỏ nhoi, bình dị cũng chẳng tìm đâu ra được : một hạt gạo cắn đôi - một chiếc thuyền nan đỗ bến - một bếp lửa khói chiều ấm áp liếp tre thưa. Cái "cõi tan hoang" đời tôi vẫn còn là cái "cõi tan hoang" với ngổn ngang trăm nghìn mảnh vỡ. Bốn bề thì vẫn nghe xôn xao nắng gọi hoa chào, nhưng tận sâu đáy lòng người vẫn bất động, bất can. Chẳng bao giờ có sự cảm thông hoàn toàn giữa người đi bộ và kẻ ngồi trên xe hơi bóng lộn, chỉ một làn khói xe tạt nhẹ qua người đi bộ cũng đủ làm cho họ cảm thức sâu xa về thân phận của mình . Làn khói bay đi và tỏa mất trong không gian , mất trong thiên hạ , nhưng còn đọng lại gì ở người đi bộ ? mấy ai mà biết được ! Sự cảm thông nào cũng có một giới hạn nhất định của nó, nhưng điều tế nhị, nhạy cảm đối với kẻ bần cùng thì lại đòi hỏi sự uyển chuyển - uyển chuyển từ tấm lòng. Cái kiểu cách đi ngang qua đường tỏ vài cử chỉ ban phát vụng về chỉ còn đào sâu thêm sự cách ngăn mà thôi. Hãy cảm thông nhau bằng những nỗ lực chia sẻ thực sự cuộc đời của nhau. Hãy cùng nhau sóng bước để cùng thấy con đường phía trước còn bao xa ? Chông gai, hầm hố nào cùng nhau sẽ phải vượt qua ? Có thế mới gọi là " một nửa của nhau". Bởi, chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào, và chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu, về đâu. (Xuân Quỳnh) Giá trị tinh thần đích thực là ở chỗ nầy.

 

Người ơi ! nếu con sóng định mệnh nào xô giạt Người đến với tôi, thì xin Người đừng ngọt ngào hứa hẹn một điều gì , tôi quá sợ những lời hứa hẹn đầu môi lắm rồi , những lời hứa hẹn suýt đẩy tôi xuống vực thẳm. Chỉ xin Người cùng tôi góp nhặt lại những mảnh vỡ đời tôi ,đem về che chắn lại cái "cõi tan hoang" của tôi, để may ra tôi còn nơi trú ngụ trong những ngày giông bão đầy trời sắp tới. Xin Người chút lửa khi tắt đèn, bởi "cõi tan hoang" của tôi đâu còn vách che chắn khi trời đêm trở gió. Xin Người hãy đến với tôi bằng trái tim yêu thương nhân hậu, bằng nghĩa cử sớt chia - sự sớt chia bằng hạt gạo cắn đôi. Xin đừng bố thí cho tôi một góc nhỏ khối vàng mà Người đang có.

Hỡi người tình không chân dung! tôi chưa biết Người là ai? Có thể Người là một Thiên Thần, chưa vướng bận đường tình duyên đang đợi chờ tôi từ kiếp trước. Cũng có thể Người là một góa phụ đang trên đường xui rủi, gãy gánh phu thê. Hay Người là một trang nhan sắc chẳng may đã lầm đường pháo nổ, bạc phận hồng nhan?

Mà cho dẫu Người là ai , là ai chăng nữa , thì tôi cũng vẫn dang rộng đôi tay hân hoan đón tiếp Người về bằng trái tim yêu thương đời đời...kiếp kiếp...đến đá nát vàng phai...

Người ơi! Người có nghe lời tôi nói không? Sao người mãi lặng thinh? Một tia ráng chiều cũng có thể thắp sáng lại hoàng hôn đó Người! Hay chăng Người mót máy mãi mà không tìm đâu ra được chút hương thừa của Bá Nha - Tử Kỳ, của Thúy Kiều - Từ Hải để làm hành trang đi đến với tôi?

Nếu quả thế thì tội nghiệp tôi biết mấy hỡi Người… ! ! !

 

TUYỀN LINH

    2004

(*) Ghi chú! Năm 2004, mục Tìm Bạn Bốn Phương thường được rao trên báo giấy Phụ Nữ Sài Gòn.

 


Friday, April 15, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 6


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 6

08.2.2021 – Hôm nay lại tiếp tục kể cho bạn nghe những diễn biến trên tàu. Sau khi mình và mọi người rời khỏi hầm tàu, để lại toàn bộ hành lý cá nhân mang theo khi lên tàu, mình và các con cũng như mọi người lơ ngơ không biết phải làm gì, chỉ biết nhìn nhau như tự thầm hỏi với nhau: điều gì đang xảy ra vậy? Chừng được một lát, khoảng 30 phút, những người lính Việt Nam mặc đồ rằn ri lại phát lệnh cho vào lại hầm tàu. Mọi người được vào lại chỗ cũ, nơi mình được nằm ngủ hồi nảy. Lúc nầy trời vẫn còn tối om, đâu chừng 3 giờ sáng. Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn hầm tàu hắt ra, mình thấy có người ngủ, có người thức. Nguời thức đa phần là người lớn. Có người chắp tay tụng niệm, có người lần chuỗi hạt, cũng có người lục đục mò tìm một cái gì đó, mình chẳng biết nữa. Cá nhân mình cũng chẳng ngủ, ngồi yên, mắt quan sát, nhưng toàn thân bất động. Đó là thói quen của mình khi đang có việc rối rắm trong đầu.

 Trời dần sáng, mình nhìn qua ngoài lang cang thấy những con mòng biển đang bay lượn, thật tự do, thật hồn nhiên tự tại. Mình thèm! Mà nực cười thật, tự do đâu? Phải đây là tự do không? Những nghịch lý nầy có phải là tự do? Toàn thể những người trong hầm tàu đêm đó chắc không ai trả lời được. Họ đang chờ ai đó trả lời, kể cả mình. Mình ra đi khỏi nhà trong hoàn cảnh bức bách, miễn cưỡng - mang theo tất cả tiền bạc tích góp cắc củm hơn 10 năm, từ khi lấy vợ sinh con, đau nhất là những bức hình thờ của cha mẹ ông bà mang theo cũng đổ xuống biển hết. Còn tiền bạc ư? Đâu dám giữ trong người, lột hết quần áo, chỉ giữ lại cái quần đùi xanh che chỗ kín. Tại sao ư? Tại muốn tránh bọn cướp của giết người không sờ đến mình, vì nếu chúng sờ đến, vui thì chúng tha, buồn thì chúng bắn bỏ vô tội vạ. Làm sao lường trước được? Mình thấy có người, chúng lục hết túi quần túi áo, cuối cùng không thấy có đồng tiền nào, chúng tức mình, chúng cũng bắn. Mạng sống lúc bấy giờ là thế đó! Bạn thấy có kinh tởm không?

 Trời sáng hẳn, anh nắng xuyên qua cửa sổ kính hầm tàu, rọi rõ vào đám đông đang lúc nhúc rì rầm với nhau điều gì, lại có cả tiếng khóc nho nhỏ nữa. Mình tò mò nghe ngóng, thì ra bọn họ mất hết cả vòng vàng tiền bạc để trong các ba lô túi xách ngay đêm hôm ấy, lúc bị lùa ra lang cang, bảo là lánh nạn sau vụ nổ. Mình chợt hiểu ra, là…thế! Rồi thì những rì rầm ấy lan truyền thật nhanh đến tất cả mọi người trên tàu. Ai cũng hiểu như mình nhưng không dám nói ra. Cá đang nằm trên thớt mà, dễ gì dám hé môi? Đây là đợt vơ vét thứ hai. Chắc là hết. Còn tiền của đâu nữa mà không hết? Ngoài những rì rầm về việc mất tiền bạc, mình còn nghe được những xì xào về những hành vi khảo của trong đêm ấy nữa. Như là hành động khảo của một vị tu sĩ nào đó được một bà nhà giàu gởi giữ giùm một va ly vàng…Nghe đâu cuối cùng vị tu sĩ ôm cả va ly vàng nhảy xuống biển. Câu chuyện nầy thì mình chỉ nghe thôi, không thấy.

                        ~~oo0oo~~

 Bấy giờ là khoảng 3 giờ chiều, tàu từ từ cập cảng Cam Ranh. Mọi người đều thắc mắc, vì nghe đâu tàu nầy sẽ về Phú Quốc, sau đó sẽ đi thẳng ra nước ngoài, có thể là Mỹ, mà sao bây giờ lại dừng Cam Ranh? Mọi người uể oải không muốn xuống tàu. Riêng chỉ có những ông lính mặc đồ rằn ri vội vàng đi xuống rất lẹ.

 Sau khi biết chắc chắn tàu sẽ không đi nữa qua những cử chỉ làm dấu của những thủy thủ Mỹ trên tàu, mọi người mới chầm chậm rời khỏi tàu. Mình và các con rời khỏi cảng Cam Ranh sau cùng. Lý do: mình muốn đứng nán lại để nhìn mặt từng người xuống tàu, may ra có gặp được bà xã mình không? Chỉ cầu may thôi bạn à. Cuối cùng, mình và các con đành lui bước, quay ra phía quốc lộ để tìm phương tiện về Nha Trang tạm nghỉ rồi sáng hôm sau sẽ tính tiếp cách về lại nhà. Quốc lộ lúc bấy giờ xe dân sự chạy về hướng phía Nam thì ít, chỉ có xe bộ đội chạy vào thôi, nhưng xe dân sự từ Sài Gòn chạy ra thì rất nhiều. Nhờ vậy, mình xin quá giang rất dễ. Mình vẫy được một xe bốn bánh 16 chỗ đang chạy về hướng Nha Trang, ông tài xế dừng lại và cha con mình leo lên. Ông hỏi:” Về đâu? Dạ, về Nha Trang – mình trả lời “. Ông im lặng lái xe, có vẻ vội vã, không nói năng gì cả. Trên xe chỉ có cha con mình và tài xế. Tuy vậy, mình cảm thấy không khí trên xe có vẻ dễ chịu, tình cảm. Đầu óc mình lúc bấy giờ cũng không ước tính được thời gian và khoảng cách km xe đã đi qua. Một lát lâu, ông tài xế lại hỏi:” Xuống đâu? Dạ, xuống đâu cũng được, miển là ngay thành phố Nha Trang – mình trả lời”. Ông tiếp:” Vậy thì đây rồi” Dạ, cám ơn bác tài – mình thưa”.

 Sau khi xuống xe, mình dắt các cháu vào trong lề đường, mình đứng moi óc để nhớ lại địa chỉ thằng cháu rễ cho hôm nọ, trước khi đi một tuần. Cuối cùng Trời Phật thương, mình cũng nhớ ra. Phố Nha Trang lúc bấy giờ hình như đã giải phóng, cờ đỏ sao vàng rợp đường phố. Mình dắt các cháu đi từ từ bên lề đường, gặp ai cũng hỏi thăm con đường mình đang tìm. Một số người không biết, nhưng cuối cùng cũng có một người biết. Họ chỉ dẫn rất chu đáo, dễ tìm. Sau đó, mình tìm ra, mừng vô cùng!

 Mình đứng nhìn một hồi lâu bản số nhà, nhà đang đóng cửa im ỉm, mình gõ cửa nhiều lần mới có người ra mở. Một bà thím trạc độ 60 tuổi xuất hiện và hỏi:” Cậu tìm ai? Thưa thím, con tìm cháu rễ con ở Đà Nẵng mới vô đây, tên Nguyễn Văn Thành – mình trả lời”. Bà nói:” Vợ chồng nó mới xuống tàu chiều hôm qua”. Mình nghe mà ngớ người. Dạ…mình chưa kịp dứt lời, bà liền kéo tay mình vào nhà và nói:” Tôi có nghe chúng nó giới thiệu trước rồi, thôi, cậu và các cháu vào nhà nghỉ tạm rồi ngày mai hãy tính. Tất cả đi hết rồi, chỉ còn một mình tôi ở nhà, cũng buồn” Dạ, cám ơn Thím – mình thưa”. Rồi thì bà xuống bếp dọn một mâm cơm lên cho mình và các cháu ăn. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng mình cảm thấy quá ngon miệng và ấm lòng. Cũng lâu rồi mình chưa ăn món cá ngừ kho với thơm dứa, hôm nay được ăn, thật tuyệt.

 Đêm dần xuống, mình và các cháu ngủ tạm dưới sàn nhà, bà Thím ngủ trên gác gỗ. Các cháu thì ngủ li bì, nhưng mình không sao ngủ được, thức trắng đêm. Nửa khuya, trên gác gỗ, mình nghe tiếng động liên hồi, như tiếng chân người đi. Nhưng mình không nghĩ đó là tiếng chân bà Thím đi. Âm thanh có vẻ âm u lắm. Mình chợt nghĩ, chắc mẹ các cháu đã mất và linh hồn theo chân mấy cha con về chăng? Mình tin như vậy. Mà chắc như vậy! Có những hiện tượng mà khoa học không thể lý giải được, như trường hợp của cha con mình chẳng hạn. Trong những tình huống đoàn tụ của cha con mình trên xà lang và trên tàu, cho đến bây giờ, mình cũng không lý giải nổi. Không thể nào ngẫu nhiên mà cùng một lúc gặp được 6 đứa con dở sống dở chết bị tơi tả thất lạc trên xà lang, nếu không có một bàn tay mầu nhiệm nào đó độ trì.

 Nghe có tiếng gà gáy, mình biết trời đã sáng. Các con mình vẫn còn ngủ, không biết sao hai cháu Giáng Vân, Giáng Châu hồi khuya cứ cụ cựa hoài, cháu bị đau gì mình cũng chẳng biết nữa. Chút nữa mình sẽ xem hai cháu ra sao. Trước ngày đi ra bãi biển, hai cháu đã bị bịnh tiêu chảy, mình có đưa hai cháu đi bác sĩ, có uống thuốc, nhưng chưa bớt hẳn. Đã gần 8 giờ rồi, mình còn nhiều việc phải lo nên mình vội đánh thức chúng dậy. Tất cả đều dậy, tuy có phần mệt mỏi. Dĩ nhiên là mệt mỏi rồi, mình biết. Bỗng mình phát hiện hai cháu Vân, Châu có dấu hiệu tái phát bịnh tiêu chảy, nhìn đít quần của hai cháu, mình biết ngay. Mình vội vàng bế hai cháu lên và rồi mấy cha con cố gắng lê bước tới bịnh viện. May là bịnh viện cũng gần nhà.

 Tại bịnh viện, mình thấy người bị bịnh thì đông mà số y bác sĩ rất ít, gần như không có. Chỉ có vài y tá công tác xa nhà bị kẹt lại nên họ cũng cố gắng giúp đỡ bịnh nhân thôi. Mình bắt đầu thấy lo. Bỗng thật may, một phái đoàn Phật Tử thiện nguyện xuất hiện đúng lúc. Hỏi ra thì mới biết là của Nữ Tu Viện Nha Trang. Các ni cô bắt tay ngay vào công việc cứu trợ. Ni sư Trưởng đặc biệt chú ý đến cha con mình. Ni sư hỏi mình ở đâu, lý do sao các cháu không có mẹ chúng đi theo? Mình tuần tự kể cho Ni Sư nghe. Nghe xong, Ni Sư gọi một ni cô lại nói nhỏ vài câu, tức thì một lát, có 3 chiếc xe xích lô đến chở cha con mình về Tu Viện.

                       ( còn tiếp )


THÁNG TƯ MỘT NỬA


 THÁNG TƯ MỘT NỬA

Bây giờ

                                        là nửa tháng tư                                       

hết nửa tháng nói láo

Như anh đã bảo với em

Anh mượn tháng tư để trải thảm đen

cho cơn nói xạo

Có ngôn ngữ nào khi qua miệng người

mà hoàn hảo mãi đâu em

nên em chớ dại mà tin những con người

bằng da bằng thịt nói chắc như đinh

Hãy nhìn khói lửa Ukraine sẽ biết

những người “lớn” ít khi nói thiệt

tảng băng nổi

tảng băng chìm

rất khác biệt nhau

Như anh, bịnh hành xác thật đau

miệng vẫn cười với em bằng nụ cười “chính trị”

 

Bây giờ

là nửa tháng tư

anh vẫn còn dùng đòn tâm lý

để vui với em cho đoạn tháng đoạn ngày

cho đến khi nào anh không biết không hay

rằng anh đã nói láo

 

Trên đời

chỉ có một thứ không bao giờ xạo

là… Nước Mắt

như nước mắt bà mẹ Ukraina!

TUYỀN LINH

15.4.2022

 

 

 

Wednesday, April 13, 2022

THÁNG NÓI LÁO


THÁNG

NÓI LÁO

Thoáng nhìn về

một viễn cảnh không xa

những thời khắc nói láo cũng mọc lên như nấm

Anh tìm những trường hợp nào chấp nhận được

để nói láo với em

mà khả dĩ có thể tha thứ cho mình

để tinh mơ cùng nhau thức dậy

đón ánh bình minh

anh không tự thẹn…mình là người nói láo

 

Thú thật với em

trước khi mở lời không thật

tâm anh rất chao đảo

bởi tâm là chứng nhân của Thật, Gỉa phơi bày

nhưng cơ thể anh đâu có biết có hay

cứ sùng sục tim gan phèo phổi…

cứ tăng dần trị số đường huyết nổi

những ẩn sâu này buộc anh phải giấu em

Có gì lạ đâu khi bộ máy không còn “ gin”

Các cơ phận theo thời gian lỏng le ốc vít

Anh chính là bộ máy xe

trên đường đời vác “nghiệp”

lành dữ chưa biết ngày mai

Cơ phận nhông vít thay thế trơn tru

cũng phải tùy thuộc nghiệp duyên

nên anh chọn tháng này là tháng nói láo

cho tạm qua đi một tấm thân giông bão

TUYỀN LINH

      4.2022

 

 

Trường ca NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LƯU DÂN - Phần 4: SÀI GÒN HOÀI THƯƠNG

Friday, April 8, 2022

LỪNG KHỪNG


LỪNG KHỪNG

 

Chân đi về chốn hư không
Lòng ôm hiện thực làm hành trang theo
Chênh vênh hồn dốc lưng đèo
Nuốt sao cho hết những heo hút tình!

Vàng thu lảng vảng bên thềm
Lá bay ngơ ngác như tìm dấu xưa
Đã rồi…gió đẩy mây đưa
Trong sâu thẳm đó, ta vừa chợp mơ?

Bóng ai hẳn đã vào thơ
Ôi, sao hiện thực lặng lờ hồn ta!
Tay trần cầm đuốc phù hoa
Soi tìm lối cũ mờ xa… nẻo về

Con tim không tuổi nhiêu khê
Sinh lầm thế kỷ vẫn mê mẩn tìm
Đi đâu cũng thấy vệt tình
Làm sao bôi xóa dấu điêu linh nầy ! ?

Sáo buồn, sáo vỗ cánh bay
Sáo vui, quay lại đọa đày người dưng
Trời sinh ta… cái lừng khừng…
Con tim không tuổi dễ chừng được yên…!

TUYỀN LINH


 

Friday, April 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 5


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 5

03.2.2021 -  Bạn có đó chứ! Bạn biết không, hôm qua mình kể cho bạn nghe tới đó thì mình cảm thấy toàn thân lạnh hết như muốn bịnh nên mình ngừng lại. Mình xin lỗi bạn nhé!

 Hôm nay mình tiếp tục kể cho bạn nghe đây. Bạn biết đó, sau khi gặp lại được bốn cháu, cả cha con ngồi yên một chỗ trên xà lang để nghỉ mệt. Mình dự tính ngồi thở một hai phút để định thần rồi tiếp tục đi tìm mẹ chúng và hai đứa nữa. Trong khi ngồi thừ người và suy nghĩ cách nào để đi tìm cho hiệu quả. Mặt bằng xà lang thì rộng, lại nhiều người nằm ngồi ngổn ngang. Lúc bấy giờ mình vô tình nhìn qua phía bên tay mặt, cạnh mép xà lang thì thấy một chiếc tàu thủy rất lớn neo đậu tại đó tự bao giờ. Tàu Mỹ, mình nghĩ như vậy vì thấy cột cờ treo lá cờ Mỹ. Rồi tiếp đó, cả một đoàn người ùn ùn thi nhau chạy đến chỗ tàu neo đậu và tranh giành nhau leo lên thang dây của tàu. Lại tranh giành, cảnh tranh giành lại tiếp diễn như cảnh giành nhau xuống ca nô sáng hôm qua để ra được xà lang ngoài khơi. Mình nhìn mà ngao ngán quá. Ý thức sinh tồn nghe chừng rệu rã trong tâm trí mình. Mình nghĩ, với cảnh tượng xô bồ như thế nầy thì rất khó tìm ra vợ mình và hai đứa nhỏ. Mình đang ngồi thừ người ra thì bỗng có một anh chàng người Mỹ, có thể là thủy thủ trên tàu, đến hối thúc mình: “ Sao còn ngồi đây? Mau lên tàu..!” Mình không buồn trả lời. Mình chỉ nhìn anh ta với thái độ gật đầu cám ơn, đồng thời đưa tay chỉ xuống bốn đứa nhỏ. Anh ta hiểu ngay và đứng khựng người suy nghĩ, rồi anh ta vội bỏ đi và không quên bảo mình - đợi đó! Thú thật với bạn, ngay thời  khắc lúc bấy giờ trong đầu mình hoàn toàn không nghĩ đến chuyện lên tàu để đi di tản. Lý do rất đơn giản: Thứ nhất, làm sao mình có thể bỏ đi được khi chưa gặp lại bà xã và hai đứa nhỏ? Thứ hai, với bốn đứa nhỏ lùm đùm như thế kia, cách gì để lên được chiếc tàu to lớn bằng phương tiện leo thang dây? Thứ ba, mình không có hướng đến. Vô vọng…! Hướng của mình là trụ lại nhà. Dù thời thế ra sao, dù chết sống thế nào, với mình, ở lại nhà vẫn hơn. Nếu có chết thì cùng chết chung, vẫn hạnh phúc. Ra đi trong lúc đạn lạc bom rơi như thế kia, chắc chắn sẽ gặp cảnh đau lòng. Cũng vì quan điểm nầy mà mình đã cãi vã với bà xã rất nhiều trước khi đi. Mình nhất quyết không chịu đi cho đến khi gặp hoàn cảnh bức bách chẳng đặng đừng nên mình đành phải đu theo xe ra bãi biển Tiên Sa. Là thế đó!

 Bấy giờ thì mọi sự đã rồi, mình vẫn chịu đựng ngồi đấy, chưa biết phải tính sao? Đang rối rắm trong đầu thì bỗng mình nhìn thấy một người mặc đồ lính đang vác một đứa bé trai, mình mẩy thằng bé trần truồng, đang hì hục leo thang dây lên tàu. Mình hoảng hồn, ô…! Sao giống thằng Linh quá! Đúng nó rồi, thằng Linh! Mình không tin vào mắt mình nữa.

 Mặt trời lúc bấy giờ nhô lên khá cao, vẫn đám người ùn ùn xô đẩy nhau chạy đến thang dây để cố leo lên tàu. Lớp nầy đến lớp khác, kẻ leo lên được, người rớt xuống biển, cứ thế…không ai nhường ai. Mình ngồi bất động nghĩ hoài về trường hợp thằng Linh, con trai thứ của mình. Ai đã vác nó lên tàu? Mà vác trong trường hợp nào? Người quen hay người lạ?

 Khí hậu trên xà lang lúc bấy giờ hơi nóng, mặc dù có gió biển thổi liên hồi. Mình đứng nhanh lên để thay đổi chỗ ngồi đặng án ngữ bớt ánh mặt trời đang rọi vào các cháu. Mình chưa kịp ngồi xuống thì bỗng có một anh lính đến vỗ vai mình và hỏi nhỏ:” Xin lỗi, hình như anh có một đứa con gái chừng 10 tuổi, mặc quần tây xanh, áo trắng? “. Đúng rồi, mình trả lời. Anh lính nói tiếp:” cháu đang ở trên tàu, anh theo tôi ngay bây giờ.” Mình quýnh quáng không biết phải tính sao…? Anh lính nhìn xuống bốn cháu đang nằm dưới chân mình và hiểu ý. Tức tốc anh chạy đến đám đông chỗ thang dây và nhờ họ giúp đỡ. Rồi thì có mấy chú thanh niên chạy đến, cùng lúc anh thủy thủ Mỹ cũng có mặt kịp thời. Thế là cha con mình được đưa lên tàu an toàn. Có một điều ngẫu nhiên trùng hợp, đó là hai lần miễn cưỡng đi trong hoàn cảnh bức bách, và cuối cùng là chẳng đặng đừng. Mình thấy rất kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn là cha con mình gặp nhau trong những tình huống thật bất ngờ, như có một sự sắp đặt vô hình nào đó mà mình không thể biết được. Vâng, mình nghĩ có đấy! Mình tin có.

 Mình và sáu cháu đoàn tụ được trên tàu là một phép mầu. Tuy thế, lòng mình vẫn vô cùng xót xa. Mình không giấu gì bạn, khi mình ẵm cháu bé út vội vã theo chân những người giúp đỡ mình để lên tàu, giữa đường, khi băng qua đám người nằm ngổn ngang dở sống dở chết; mình hơi khựng lại khi nhìn thấy một người đàn bà, mặt mũi lấm lem, giống bà xã mình quá. Nhưng không kịp nữa rồi, đám thanh niên bốc vác những đứa con mình đi hơi xa, mình buộc phải đuổi theo thôi, không thì nguy to. Mình không thể diễn tả được nỗi buồn của mình lúc bấy giờ. Buồn lắm bạn ơi, rất buồn…!

 Cha con mình cùng một số người di tản được bố trí tạm nghỉ trong một hầm tàu rộng, có cửa sổ bằng kính tròn, có thể nhìn được xuống mặt biển và lang cang tàu. Mặt trời hạ thấp, chiều xuống chầm chậm, nước biển trở nên đậm màu hơn. Thỉnh thoảng mình nghe một vài tiếng súng nổ đơn lẻ phía ngoài lang cang và trên boong tàu, xa chổ cha con mình ngồi, mình cũng an tâm. Vài người lính thủy thủ Mỹ thường đi lên xuống chỗ chân cầu thang dẫn lên buồng lái. Người nào cũng biểu lộ nét mặt  lạnh lùng, có một chút gì đó quan sát. Mình nghĩ, quan sát cũng phải, vì chắc chắn họ đã nắm được thông tin cuớp bóc nhiễu nhương trên xà lang chiều và tối đêm vừa qua. Mà mình không hiểu sao, mình cũng thấy một số người lính Việt Nam mặc quân phục rằn ri, loại quân phục thủy quân lục chiến lảng vảng ở ngoài lang cang tàu, thấy mà phát khiếp. Mình không biết thành phần nầy là ai, ở đâu? Nhưng chắc chắn phải là người trên xà lang tối qua. Vì còn đâu vô đây nữa! Mình cố xua tan đi những ám ảnh trong đầu nhưng không tài nào xóa được. Mình hoang mang quá! Tại sao lại có cảnh vàng thau lẫn lộn trong thời điểm lúc bấy giờ? Thời điểm rất cần đến lòng từ tâm, nhân ái hơn bao giờ hết. Mình cố định thần lại và quay qua nhìn mấy đứa nhỏ đang ngủ, thấy mà thương. Mình mừng vì thấy chúng đã khỏe dần lên. Mình ngã lưng một chút lên sàn tàu nhưng không tài nào chợp mắt được. Lòng mình ngổn ngang trăm nỗi, nhớ lại hình ảnh người đàn bà nằm chết trên xà lang mà quặn đau từng khúc ruột. Có thể là vợ mình, có thể là không. Nhưng dù phải dù không thì vẫn xót xa…!

 Màn đêm phủ hẳn xuống, ngoài trời vẫn lờ mờ ánh trăng, đêm 17 tháng 2 âm lịch năm Ất Mão thật buồn vô tận. Xuyên qua cửa sổ kính của hầm tàu, mình thấy sóng biển nhồi cao, gió rít dữ dội. Hình như có mưa thì phải (?). Như vậy là hai đêm đều có mưa. Đêm 16 trên xà lang có mưa lớn, đêm 17 cũng mưa. Phải chi mưa làm trôi đi những khổ não trần ai mà con người đang gánh chịu thì phúc biết mấy! Mình đang miên man suy nghĩ, bỗng giật nẫy người vì một tiếng nổ lớn. Liền sau đó tiếng chân người chạy rầm rập trên sàn tàu, và tiếng la khóc ôi ối như xé màn đêm. Cùng lúc, con gái lớn mình cũng khóc, mình vội nhìn qua thì thấy cháu bị một vết rách bên cánh tay mặt, đang chảy máu. May sao cháu kịp thời băng bó nhờ một người tốt bụng nào đó khi chạy ngang qua trông thấy. Tất cả tình huống xảy ra rất nhanh, nhanh đến mức mình không tưởng tượng được. Thậm chí, con gái lớn mình bị dính mảnh đạn mà mình cũng không hay biết gì, đến khi nó khóc thét, mình mới hay. Mình ôm con gái vào lòng vỗ về, cùng lúc mình nhìn ra phía lang cang tàu, mình thấy nhiều người chạy qua chạy lại, mặt mày hớt hãi, trong số nầy, có cả những người thủy thủ Mỹ nữa. Mình nghe nhiều tiếng hô lớn, có VC… có VC… mọi người phải rời khỏi hầm tàu, không được mang theo đồ đạc để chúng tôi vào rà soát, kiểm tra. Trong tình hình như thế, lại nghe một mệnh lệnh như vậy, mọi người riu ríu nghe theo, lập tức rời khỏi chỗ mình nằm, ra ngoài lang cang cho yên, trong đó có cả mình và các cháu nhỏ. Bạn thấy không, tình hình lúc bấy giờ rất căng. Mình chẳng hiểu đầu đuôi mô tê như thế nào cả?

                  ( còn tiếp )