Sunday, October 30, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 18


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 18

02.4.2021 - Bạn ơi, kể ra mình cũng tệ, lâu rồi chưa ghé thăm bác Tám Tham. Hôm ấy nhân ngày chủ nhật 23/5/1976 mình ghé bác để tin cho bác biết những tín hiệu lạc quan về đời sống của cha con mình trong những ngày qua, nhất là chuyện vừa đi lãnh thùng hàng từ Sài Gòn về. Người ta thường bảo, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Vâng, rõ ràng là như vậy. Nói để bạn biết, khi đặt chân xuống đất Sài Gòn, bất cứ việc gì cũng phải học khôn cả. Từ chuyện xếp hàng để chờ ghi tên lãnh phiếu, đến việc tiếp xúc nhân viên phát hàng, cả việc nghe ngóng để biết những khôn dại trong khâu xử thế với nhân viên phát hàng. Nói chung, cái gì cũng phải học cả. Bởi lẽ, chỗ nào có “miếng ăn” là chỗ đó luôn đẻ ra muôn ngàn thứ lừa lọc khó lường. Như bạn đã thấy rồi đó, ngay cả khi con người  chết đi thì sau đó xã hội sẽ đẻ ra ngay một đám khóc mướn, khóc thảm còn hơn cha mẹ họ chết kìa. Như thế thì trên đời nầy, ngay trong hành tinh mình đang sống đây, luôn phải đề phòng những bất trắc có thể xảy ra cho bất cứ ai đang sống lương thiện. Nói như thế không có nghĩa là xúi bạn nên sống quỷ quái mà bạn phải thấy được những quỷ quái của những kẻ bất lương để tránh né. Chuyện thật thật giả giả là chuyện thường tình trong cái xã hội mình đang sống. Mình không dám nói đạo đức suy đồi, nhưng những cảnh tình hiện thực mình thấy là có. Những hình ảnh đóng kịch của mình với chiếc giỏ xách rách rưới khi vào nhà nghỉ trọ, có một chút cảm giác làm mình xấu hổ như mình chính là người láo lếu. Nhưng biết sao bây giờ? Gặp thời thế, thế thời phải thế. Mong bạn thông cảm !

                    ~~oo0oo~~

 Chào bác, hôm nay bác dậy sớm thế!

Thơ đó hả? Dạ con từ Sài Gòn mới về.

Bác Tám Tham đang ngồi uống nước trà trong phòng khách, Bác chỉ tay vào ghế mời mình ngồi.

Mình không đợi bác cất thêm lời, mình kể một hơi về chuyện đi Sài Gòn lãnh thùng hàng cho bác nghe. Bác khen mình còn trẻ mà cẩn thận và chu đáo là đức tính tốt. Có một điều đặc biệt, suốt hơn 50 phút chuyện trò với bác, bác không hề hỏi mình nhận được những gì bà ngoại các cháu gởi về cho. Tính bác tự trọng nên không thích tò mò những điều có phần nhạy cảm. Mình thấy bác có những đức tính gần giống như cha mình. Cha mình suốt một đời lặn lội vì con, tất cả vì con, cho con. Chẳng may, mẹ mình mất sớm, khi ấy mình mới 5 tuổi, lại gặp thời loạn lạc chiến tranh năm 40 – 45, muôn dân đều đói khổ. Với cảnh gà trống nuôi con, cha mình một tay gồng gánh thật là tội nghiệp. Nhờ bẩm sinh cha mình là người khéo tay nên cha mình làm đủ nghề để kiếm sống nuôi con. Rồi mọi gian nan cũng qua, cha con mình vẫn sống hạnh phúc. Cha mình mất năm ông 63 tuổi. Có một điều mình tiếc là nếu như thời buổi mình đang sống đây thì chắc chắn cha mình không chết. Hình như lúc ấy ông chỉ bị chứng bịnh sệ ruột, thế mà cũng phải bó tay. Nếu như trình độ y khoa phát triển như bây giờ thì bịnh nầy chữa trị dễ ợt. Mình xem như cha mình bị chết oan. Tiếc nhớ quá…!

Cũng đã gần 9h00 rồi, mình xin phép bác Tám để về hầu lo bề bộn công việc ở nhà nữa.

                       ~~oo0oo~~

 

 Mình đi Sài Gòn tính ra cũng đã gần cả tuần rồi, việc gì thì còn kéo lê được nhưng việc nhà nông mà chậm vài ngày thì thất bại một vụ. Mình biết thế nhưng thân một mình, biết sao bây giờ? Sào ruộng lúa nước thì tạm yên tâm, chỉ tạm thôi chứ cũng lo cỏ dại và chuột bọ, nhưng mấy ngày nay trời khô hạn nắng gắt, mình lo nhất là sào khoai lang tím mới xuống giống. Nghĩ thế nên mình ba chân bốn cẳng chạy vội xuống rẫy khoai lang xem sao? Ô, rất may là chưa sao. Tối qua nghe thím Phụng nói, trong những ngày mình đi Sài Gòn, ở đây cũng có mưa lai rai. Chắc nhờ vậy nên mình thấy đọt lang vẫn nảy lá non tốt. Hú hồn, mừng ghê…! Chưa kịp ăn trái bắp luột mang theo, mình liền gánh nước tưới sương qua các vồng lang cho đỡ hốc. Mình phải mất hết cả buổi sáng mới tưới đẫm hết sào lang. Rất mệt, nhưng vui. Cả 7 cái miệng chỉ trông chờ vào sào lang và sào lúa nước thì có mệt cũng phải vui. Thôi thì mình cứ hiểu theo cái nghĩa đen thui của câu thành ngữ:” Có thực mới vực được đạo” bạn nhé! Như thế cho yên cái cảnh gà trống nuôi con?

 Trưa hôm đó mới là một buổi trưa mình ăn cơm ngon miệng nhất dù là cơm ghế lát mì khô. Hay nói một cách văn chương nông dân kiểu tụi mình lúc bấy giờ là cơm “ mì cõng gạo “. Thật vậy, hình ảnh lát mì khô cõng vài hột cơm trong nồi, mình không bao giờ quên. Nhưng không sao, điều quan trọng đối với mình là sống sao cho đúng với nghĩa sống. Con người sinh ra không phải để ăn, cái chính là để sống. Nghĩ đến việc nầy, ngay tức thì nhiều vấn đề chao đảo trong đầu mình. Sống vì cái gì? Ý thức, hạnh phúc, đạo đức, thiện và ác, ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Mình hơi bâng khuâng lúc bấy giờ, nhưng rồi cũng định thần lại được nhờ nghĩ đến 6 đứa nhỏ.

 Sau khi ăn cơm trưa xong, mình mở thùng hàng ra để kiểm lại mọi thứ, xem những món nào có thể đem lên chợ chào hàng chiều nay và tiện thể xem giá cả mua bán ra sao. Mình định nằm nghỉ một chút cho đỡ mệt vì cả buổi sáng phải gánh nước tưới các vồng lang đau vai quá, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ nôn nao khó tả. Rồi mình dặn dò các cháu những việc nhà cần thiết, nhất là việc phơi lúa sao cho chu đáo. Mình mặc quần áo chỉnh tề và đem theo một túi xách những mặt hàng mẫu của bà ngoại các cháu gởi về để lên chợ dạo giá.

 Chợ Lạc Nghiệp chiều nay đông quá, đã 3h00 chiều rồi mà vẫn còn đông. Thường thì các hàng hóa rau tươi tập trung lên chợ vào buổi sáng, sao hôm nay các nông sản ở các thôn lại tập kết vào buổi chiểu? Cũng lạ thật!

 Mình vào chợ và đi thẳng vào các cửa hàng quen để hỏi giá bán. Các cửa hàng nầy mình cũng đã vài lần trao đổi với họ rồi nên mình tin họ. Sau khi dọ giá xong, thấy vừa ý, mình bán hết những hàng mẫu trong túi xách và gởi tạm túi xách trong một cửa hàng quen. Mình thấy thời gian cũng còn sớm, mình tạc qua nhà anh Bạc gần đó để thăm hai vợ chồng, tiện thể thăm cô Lan luôn. Không biết những trạng thái nôn nao khi còn ở nhà có phải là chuyện thăm viếng nầy không, mà nếu phải thì tại sao là vậy? Gần đây, có lắm chuyện, mình cũng không hiểu được mình. Như chuyện không thiết tha lắm cho con đi học mặc dù không nhiều thì ít, cũng có đôi lần mình lầm tưởng mình là kẻ sĩ. Đầu óc mình luôn xáo trộn bởi những điều nghịch lý. Mình bị xô đẩy, níu kéo, giằng co liên hồi giống tựa hình thù một con lật đật. Hôm ấy mình đến thăm cô Lan cũng đang mang trạng thái đó. Cái trạng thái nắm lấy thì lo, bỏ đi thì tiếc. Nhưng có một điều mà cần phải nói trắng ra với bạn tại đây, đó là tâm hồn mình vẫn đang trống rỗng. Vâng, trống rỗng! Có chăng là những ngổn ngang đặc quánh của lý trí, mà tệ hơn là lý trí bản năng. Thứ lý trí mà những người ham viết lách như mình rất ghét, nếu không muốn nói là tởm. Lúc bấy giờ mình châm chế cho mình bằng những ý nghĩ “ sự đời đưa đẩy “ như một lời thứ lỗi thô bỉ nhất chưa từng nghe. Mà mình vẫn nhận lời thứ lỗi ấy. Thế mới lạ chứ! Rồi cứ tuần tự theo lời thứ lỗi ấy, mình tìm gặp cô Cao Thị Lan sau khi chuyện trò xong với vợ chồng anh Bạc. Thú thật với bạn, mình nói đến thăm vợ chồng anh Bạc rồi tiện thể thăm cô Lan, nhưng thực ra trong ý nghĩ đen tối hiện hữu, cô Lan mới là cái đích chính mình tìm đến. Mình cũng không biết mình đã đánh lừa mình từ khi nào. Có một điều tệ hại là lúc bấy giờ, mình không biết mình bị đánh lừa nên mình nhập cuộc một cách rất hứng khởi. Hứng khởi đến nỗi mình không quên một lời đường mật nào đã in sẵn trong sách vở của những chàng sở khanh đáng ghét đáng khinh. Mình đến trò chuyện với cô Lan lần này là lần thứ 6 kể từ khi quen biết với anh Bạc, cho nên mình rành rọt cuộc sống và nắm vững tâm lý cô ấy. Bởi vậy, lần nầy mình tấn công vào đường tình cảm cô ấy như một thủ thuật binh pháp Tôn Tử, biết ta biết người trăm trận trăm thắng. Nhưng bạn ơi, thắng mà buồn, vì mình đâu có thắng được mình. Chẳng qua, mình thắng cô Lan để những đứa con mình có được một tổ ấm đúng nghĩa. Thế thôi!

               ( còn tiếp )

CON TIM KHÔNG TUỔI


 

CON TIM

KHÔNG TUỔI


Thời gian đi rất vội
Ngày lại dài lê thê
Hồn bồng bềnh nghịch lý
Ôi , nhớ em não nề !

Tình anh như mắc cạn
Con sóng cứ xô bờ
Sóng tình va thuyền vỡ
Tuổi nào thôi bơ vơ?

Sao tim anh không tuổi
Cứ lặng lẽ tình trầm
Sao em không lớn kịp
Để ta có trăm năm

Trời cho con tim nhỏ
Chẳng kèm theo tuổi đời
Nên bây giờ nghiệt ngã
Anh yêu em…em ơi !

Con tim không ngừng đập
Dù trái đất ngưng quay
Tình anh thì miên viễn
Nưôi nỗi nhớ đọa đày

Môi em là tâm bão
Xoáy thổi vào hồn anh
Nên con tim bão nổi
Lơ lửng sợi chỉ mành

Em đi là anh nhớ
Em ở là anh vui
Em, mai đi mốt ở
Anh, cứ thế ngậm ngùi…

TUYỀN LINH


LÝ BÈO MÂY - Bạch Lan

Sunday, October 16, 2022

LỐI VÀO TÌNH SỬ | Thơ: Sa Chi Lệ | Nhạc: Nguyễn Văn Thơ | Hoà âm: Tuyền ...

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 17


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                    Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 17

20.3.2021 - Bạn đó hả? Mình kể chuyện sau khi đi đưa tiễn gia đình thím Lachaise từ Sài Gòn về cho bạn nghe.

 Chiếc xe ca 45 chỗ ngồi hôm ấy đang chạy bon bon trên quốc lộ 20, lối hướng về  Đà Lạt Đơn Dương. Mình nhìn quanh trên xe, thấy xe thì lớn mà số hành khách chẳng bao nhiêu người cả. Đây là chuyến xe bao của nhà thím Lachaise cho bà con của thím ở Đơn Dương cũng như ở Đà Lạt đi đưa tiễn gia đình thím, chứ không phải xe đò chở khách. Bởi vậy, dọc đường xe không đón khách rơi. Cũng may mình ngồi gần H. con dâu của thím La Chaise nên cũng đỡ buồn. Cô H. trạc độ 30 tuổi, người lai Pháp nên mái tóc óng mượt vàng hoe. Cô ấy sống tại Đà Lạt với gia đình cha mẹ ruột và các anh chị em. Nghe đâu vài tháng nữa cô cũng theo gia đình đi Pháp theo diện hồi hương, cũng như gia đình thím La Chaise vậy. Cô không kể cho mình nghe, nhưng mình được biết chồng cô là một sĩ quan QLVNCH cấp bậc đại úy hay thiếu tá gì đó. Khi miền Nam giải phóng, anh ấy không tập trung học tập mà bỏ nhà đi luôn. Mình nghe người lối xóm trong thôn Phú Thuận nói vậy, thực hư ra sao mình cũng không rõ lắm. Cô H. có một nét đẹp lộng lẫy, mắt xanh, môi thắm. Thoạt nhìn, ai cũng phải lầm nghĩ cô là người bản địa Châu Âu, không ai nghĩ cô là người Việt lai Pháp. Cô quen mình cũng tương đối thân, từ khi cô ở Đà Lạt xuống nhà thím La Chaise chơi.  Cứ chiều chiều, cô thường đi bộ xuống nhà mình chơi với mấy cháu, cô rất mến trẻ nít. Không biết tự bao giờ, đôi mắt cô ấy mang một nỗi buồn xa xăm khó tả. Mình bắt gặp nhiều lần như vậy. Một nỗi buồn rất riêng. Ngồi gần cô ấy, nhưng ít khi mình hỏi về đời tư cô ấy. Mình tôn trọng nỗi buồn quý phái đó như tôn trọng một hình tượng pha lê. Mình vẫn ngồi im lặng để đầu óc đuổi theo những ý nghĩ mơ hồ viễn vông không thực tế thì bỗng xe ngừng lại, Điểm dừng là ngã 3 Madaguoil huyện Đạ Huoai. Phụ xe lên tiếng cho biết xe ngừng để bà con xuống ăn trưa. Cô H. lơ đãng nhìn xuống đường, ý như không muốn xuống xe. Mình quay qua nói khẽ:” Mời H. xuống dùng chút gì cho ấm bụng”. H. từ từ đứng lên và  theo mình xuông xe vào quán. Mình kéo ghế cho H. ngồi, cũng vừa lúc chú nhỏ tiếp viên ra hỏi khách. Mình chọn ăn cơm gà, H. chọn ăn cháo gà. Cả hai không ai hẹn ai mà đều chọn “gà” hết. Mình nghĩ vui trong bụng, chẳng biết có ai gà được ai không đây? Trong khi ăn, mình cũng chủ động chuyện trò với H. để không khí đỡ tẻ nhạt. Từ đó mình biết được H. sẽ xuống xe tại ngã 3 Finom, rồi đi xe ôm hay taxi về thẳng Đà Lạt thay vì về lại nhà thím La Chaise ở Đơn Dương. Mình cảm thấy một chút gì đó hụt hẫng. Mình cũng không hiểu sao, từ ngày bà xã mất, hết bóng hồng nầy đến bóng hồng khác cứ thấp thoáng trong tâm hồn mình như là một thách thức bản thân, thách thức cả bản năng và bản ngã. Còn bóng hồng nào nữa không trong những tháng ngày tới?

 Có lo rồi cũng không tránh khỏi, xe dừng bánh tại ngã 3 Finom, H. xuống xe, mình đứng lên theo chân H. tới chỗ cửa xe lên xuống                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                rồi vẫy tay yếu ớt chào. Xe bắt đầu rẽ qua phía tay mặt theo quốc lộ 27 thẳng tiến về huyện Đơn Dương.

                            ~~oo0oo~~

 Sáng ra, sau chuyến đi đưa tiễn gia đình cô C. về, mình cảm thấy hơi mệt mỏi. Trạng thái nầy không biết bắt nguồn từ đâu? Dù gì thì chút nữa cũng theo chân chị hai Giỏi và thím Phụng, thím Mươi xuống rẫy trồng khoai lang tím. Dây lang cắt về để quá ngày không trồng kịp thời cũng không tốt đâu, nghe chị Giỏi bảo vậy. Lần đầu xới đất lên vồng trồng khoai, mình hơi ngọng nghịu tay chân, nhưng không sao, cứ cố gắng bền chí rồi sẽ quen. Mình vừa làm vừa nhìn cách thức thím Phụng làm để làm theo, dần dần thấy cũng dễ. Có điều, bàn tay cầm cuốc của mình chưa được chai lắm nên hơi bị rát đau, mình cố gắng chịu đựng cho quen dần. Mình có đem theo bao tay vải, nhưng ngại mấy người cười nên không dám tròng vào. Hơi khó chịu một chút nhưng rồi cũng qua. Mình nghĩ, chẳng có ai lần đầu mà thông thạo việc cả, mình tự an ủi mình như vậy. Mà cũng đúng thế phải không bạn hiền?

 Hôm nay là bữa thứ hai trồng khoai lang ruột tím, thím Phụng ra chỉ thị, nội nhật trong ngày nay phải xong mọi việc. Thật ra thì không phải do lao động kém, nhưng vì đất quá khô cứng nên vừa lên vồng vừa phải trở cuốc đập tơi đất. Mỗi ngày chỉ trồng được buổi sáng, buổi chiều phải tập trung gánh tưới nên phải chậm thôi. Cũng hên là lạch nước suối chảy kế bên rẫy khoai nên thật tiện cho việc gánh tưới. Kể ra ông Uẩn lúc xưa cũng giỏi thật, ổng khai phá được rẫy củ mì rất tiện cho việc tưới tắm, lại gần nhà. Hèn chi ổng bán cho mình hơi cao giá cũng phải. Cha con mình lúc bấy giờ phải chăm bẳm vào sào ruộng lúa nước, sào củ mì củ lang mà sống thôi. Mọi thứ khác, kể cả học vấn cũng cần nhưng chưa thiết. Nói như thế không có nghĩa là mình bi quan, nhưng có một cái gì đó không thôi thúc mình lắm trong việc học hành của con cái. Có thể rút từ bản thân mình ra chăng? Mình cũng không biết nữa, nhưng rõ ràng là không thôi thúc.

                             ~~oo0oo~~

 Mình thức giấc dậy sau khi mặt trời rọi xuyên vào khe vách ván, chiếu thẳng vào mắt mình. Mình quay sang nhìn giường kế bên, các nhóc vẫn còn ngủ. Sau hai ngày tranh thủ trồng khoai cho dứt điểm, rõ ràng là mệt mỏi vô cùng. Mình muốn nằm nướng một chút nữa thì bỗng có tiếng ai gọi ngoài cửa inh ỏi. Mình chồm dậy ra mở cửa thì mới hay chú bưu tá đứng đợi tự bao giờ. Chú cho biết mình có giấy báo nhận hàng nước ngoài. Thùng hàng nầy không nhận trực tiếp tại Bưu Điện địa phương mà phải lên UBND xã Lạc Nghiệp lập sổ nhận hàng do UBND cấp, rồi vào phi trường Tân Sơn Nhất để lãnh. Sổ nhận hàng nầy chỉ được lập một lần thôi, và sau nầy mỗi khi có phiếu nhận hàng nước ngoài là cứ thế cầm sổ vào phi trường Tân Sơn Nhất lãnh. Về nguyên tắc thì  hay nhưng đối với mình trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là quá nhiêu khê. Dẫu gì thì cũng phải chịu thôi, không có cách nào thay đổi được.

Sau khi được UBND xã Lạc Nghiệp cấp sổ lãnh hàng nước ngoài, tiếp sáng sớm hôm sau, mình gởi các cháu cho cô bạn cùng quê  là cô Bảy trông coi giùm, kể luôn lo việc cơm nước và ngủ lại đêm với chúng tại nhà. Tính mình cẩn thận, phải như thế mình mới yên tâm đi xa. Mình lên xe đò địa phương lúc 8 giờ sáng, xe chạy ì ạch cho đến gần tối mới tới Sai Gòn. Có một điều ngộ ngộ do mình nghĩ ra và đóng vai luôn, mình kể ra đây cho bạn nghe nhưng bạn đừng cười mình nhé. Trước khi đi Sài Gòn, mình ăn mặc quần áo thật xốc xếch cũ mèm, lại xách theo hai cái giỏ lát thật lớn và sờn cũ trông thật ghê. Mục đích của mình làm như thế để bọn cướp giật không thèm để ý đến mình mỗi khi vào nghỉ ở các phòng trọ ngoài bến xe Lê Hồng Phong. Thật ra thì lúc bấy giờ mình cũng là thằng nghèo xơ nghèo xác chứ có hơn gì ai đâu, nhưng dẫu sao nhìn bộ dạng mình cũng tương đối sáng láng nên sợ chúng nghĩ mình dân có tiền. Do vậy nên mình có ý định khi lãnh thùng hàng tại phi trường xong, mình sẽ sang hết hàng qua hai xách lát ngay tại phi trường và cột kín kẽ, không để ai thấy mình chứa đựng trong đó thứ gì, như vậy mới yên thân. Về đến phòng trọ bến xe Lê Hồng Phong càng phải đề phòng hơn. Mình phải thuê phòng trọ tại bến xe để ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau mới có xe về lại Đơn Dương. Thế đó bạn, sống trong thời đại nầy, nhất là trong hành tinh của mình, khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết là không chết thôi. Không như hành tinh của bạn đâu, luôn được hít thở cái khoảng không yên bình tự tại, bạn sướng ghê!

 Mình kê một giỏ xách để gối đầu, một giỏ đặt kế bên hông như người tình trăm năm câm điếc, như thế nghĩ cũng tạm ổn; nhưng không hiểu sao vẫn khó ngủ, người cứ tỉnh rụi. Nghĩ gì? Hay là mình nghĩ đến bọn nhân viên giao hàng ở trong phi trường Tân Sơn Nhất khi chiều? Thật ra thì lần đầu tiên đi lãnh hàng, mình có rành mánh khóe gì đâu. Chỉ khi tập trung xếp hàng chờ đợi, mình mới được nghe kinh nghiệm của những người đã từng lãnh dăm ba lần rồi chỉ dạy lại. Nghĩa là khi họ kêu đích danh tên mình vào bàn nào, thì bàn ấy đã có một nhân viên ngồi chờ mình với một thùng hàng đang đặt sẵn trên bàn. Trước sự chứng kiến của mình, người nhân viên dùng dao rạch mở thùng hàng và lấy hết tất cả hàng trong thùng đem ra để trên bàn trước mặt mình. Họ kiểm từng món hàng theo cách của họ, món nào họ kiểm xong, họ lùa sang một bên và cứ lần lượt như vậy cho đến hết, rồi họ bảo mình tự tay bỏ lại vào thùng. Kinh nghiệm của người lãnh hàng là ở chỗ:  trong lúc họ kiểm hàng, mình nhìn thấy món hàng nào tương đối mà mình có thể biếu họ được thì thay vì bỏ lại vào thùng thì mình đặt sang một bên và nói thẳng: “ Biếu anh, biếu chị”. Mọi việc sẽ tốt đẹp cho cả hai sau đó, nếu không thì nhiều phức tạp có thể xảy ra. Nói vậy không có nghĩa là lúc nào cũng phát sinh ra hiện tượng nầy, nhưng phòng xa vẫn hơn.

                        ( còn tiếp )                                                                                                                                        


GÓC HOÀNG HÔN


 

 

GÓC HOÀNG HÔN

Tôi đứng đây

ôm trọn khối thinh không

giữa trời đêm trăng tàn 17

Tối hôm nay, sao nghe lòng đau đáu

Loáng thoáng hoài một hình bóng mờ xa

 

Trưa chủ nhật em đi

Có mang theo những chuyện đã qua?

mang cả niềm vui nỗi nhớ

mang theo ly cà phê đắng cay ngọt lợ

mang ánh mắt soi tìm điều nghịch lý tình tôi?

 

Biết thế nào để trả lời em

vì con tim muôn đời đâu có tuổi

Cũng chính con tim bắt tôi lặn lội

mãi đến bây giờ mới gặp được em

Nhưng rồi bão tố lại vây quanh

như tối nầy đây, đang trong cơn nhớ...

               cơn nhớ cứ mạnh lên, mạnh hơn cơn lốc xoáy              

hành hạ thân tôi, hồn phách lạc hồn

 

Tình yêu nào mà lên được lịch tháng, lịch tuần

nên nỗi nhớ cứ chợt đi, rồi chợt đến

Nỗi nhớ đơn phương lại càng đỉnh điểm

như giờ nầy đây, tôi đang quay quắt…quắt quay…!

 

Tình yêu đơn phương có tội không em?

Mong em trả lời cho tôi được biết

Nếu có tội, thì tôi xin câm nín

Mặc cho ngọn lửa tình thiêu đốt tim gan mình

 

Xin chúc em vui… với tuổi dậy bình minh

Góc hoàng hôn kia bóng tôi dần lịm tắt…!

 

TUYỀN LINH 

Saturday, October 1, 2022

MỘT LẦN LÀ TRĂM NĂM - Lời & Nhạc: Nguyễn Văn Thơ

TRĨU NẶNG


 

TRĨU NẶNG

 

Gởi em những giọt mưa sa

Giữa mùa Covid ngập nhà ngập nương

Nếu không là giọt vô thường

Xin em nhận lấy để thương Sài Gòn !

 

Một anh héo hắt héo hon

Da nhăn tóc xủ bám vườn trần gian

Bước đi nến thắp hai hàng

Bàn chân cỏ úa, dư quang đưa đường

 

Nghe ra chẳng phải nhiễu nhương

Nhưng sao vẫn thấy như dường chiêm bao

Bàn chân bước thấp bước cao

Sống dở chết dở làm sao mà lần

 

Đu đưa cùng sợi chỉ mành

Sự sống cứ thế chòng chành rủi may

Phải chăng chân lý là đây

Sống đó chết đó rẫy đầy oan khiên

 

Oan khiên trong chuyến du miên

Hay là thực tại lụy phiền xác thân

Em ơi, hòn ngọc viễn đông

Giọt mưa trĩu nặng trong lòng anh đây

TUYỀN LINH



 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 16

10.3.2021 - Kể bạn nghe, như đã thỏa thuận giá cả hôm ngày 04.5.1976, sáng hôm sau bà Lục cho người xuống rẫy nhổ mì. Mình hơi tiếc nhưng không bán cũng không được, bởi nhiều lý do buộc phải bán, cả chủ quan lẫn khách quan. Bán gì thì bán, nhưng lúa chắc chắn không thể bán. Mình đã dự trữ được một thùng FU lúa, mừng húm.Không biết cha con mình ăn được giáp hột hay không, nhưng dẫu sao cũng rất yên tâm. Vào tháng 5, khí hậu vùng Đơn Dương Lâm Đồng hay có mưa, nhất là vào buổi chiều. Nhà nào có vườn hồng thì rất thích, vì hồng vào thời điểm nầy rất có giá. Trái hồng chín được chuyển vào Sài Gòn tiêu thụ rất mạnh, nhất là vùng Chợ Lớn họ ăn dữ lắm. Lúc bấy giờ tại thôn Phú Thuận, nhà nào có vườn hồng cũng khấm khá, giàu có. Mình thì chẳng bao giờ dám mơ tới chuyện đó, vì mình biết cha con mình đang đứng chỗ nào trên mảnh đất mới đặt chân tới kia.

 Sau khi nhận tiếp số tiền còn lại về việc bán sào củ mì cho bà Lục, mình vào nhà tom góp tất cả số tiền đang có để lên gởi bớt cho bác Tám Tham. Vẫn còn nợ bác phân nửa, nhưng không sao. Mình nghĩ chuyến tới bà ngoại gởi về cho thì sẽ trả hết cho bác Tám thôi. Nghĩ tới thì phải thực hiện ngay, mình choàng sơ chiếc áo hôm trước bà ngoại gởi về cho, rảo bước lên nhà bác Tám. Thật xui xẻo, bác đi vắng, hỏi bác gái thì được biết bác lên phố có chút việc. Mình ngồi đợi khá lâu, cuối cùng thì bác cũng đã về. Hình như có mùi rượu khi bác vừa hỏi mình? Chắc bác vừa uống rượu với bạn bè trên phố? Đây là lần thứ hai, mình nghĩ và thấy bác Tám Tham uống rượu. Lần thứ nhất, cũng vô tình thôi, mình nhìn thấy bác dừng xe honda trước một quán tạp hóa trên đường về nhà. Chủ quán đem ly rượu ra cho bác, ly thuộc loại cũng tương đối lớn vừa, bác uống một hơi, rồi móc túi trả tiền, sau đó rồ máy xe đi ngay. Cái cách bán uống, mình thấy ít ai uống giống bác. Không cần mồi gì cả, cũng không uống kiểu lai rai, làm một hơi rồi chùi miệng, tỉnh bơ…không say. Rất tỉnh ráo, không lè nhè.

 Sau vài tiếng hỏi han của bác, mình xin phép vào đề ngay về việc gởi tạm phân nửa số tiền nợ bác mấy tháng trước. Bác ngạc nhiên hỏi mình:” Tiền đâu mà trả sớm vậy?”. Mình vòng vo một hồi để bác biết là tiền bà ngoại cho và tiền vừa bán xác sào củ mì tươi. Nghe xong, bác tỏ vẻ mừng cho cha con mình. Bác gọi bác gái lên giao tiền cho bác gái, rồi bảo mình ngồi xuống uống nước. Bác mở hộp Pho mai con bò cười cùng mấy ổ bánh mì vừa mới mua trên phố mời mình ăn. Lâu quá rồi không  được ăn Pho mai, bấy giờ ăn lại thấy ngon quá, thật ngon…!

 Cũng đã xế trưa rồi, mình xin phép hai bác để về còn lo nhiều thứ khác. Với mình lúc bấy giờ, kín hết việc phải lo. Một chút nữa trên đường về, mình phải ghé tới bạn Hà để xin một ít dây lang ruột tím về gầy giống. Nghe anh bạn Hà nói khoai nầy củ ruột tím khá ngon, lại ngắn ngày thu hoạch, rất lợi thời gian canh tác. Mình cũng mới quen với anh bạn Hà thôi. Bạn ấy nhỏ thua mình 4 tuổi, có vợ 2 con, một trai một gái. Trước đây thì gia cảnh bạn ấy như thế nào, mình không được biết, nhưng hiện tại thì cũng bữa đói bữa no như mình, vẫn nồi cơm với những lát mì khô cõng gạo. Cùng cảnh ngộ nên khá quý mến nhau.

                          ~~oo0oo~~

 Sáng hôm ấy, bà Lục đem theo tới 5 nhân công xuống nhổ mì, chắc là đã xong. Chút nữa mình xuống xem tình hình đất ra sao, rồi về nhờ chị giỏi mượn giùm vài công để ngày mốt xuống tán lật đất phơi cho ải. Mình dự định ngày 11.5.1976, mình sẽ lên vồng đất trồng khoai lang ruột tím. Nhưng không được rồi, vì ngày 9 tháng 5 phải dự bữa cơm chia tay nhà thím Lachaise, rồi qua sáng ngày 10 tháng 5 lại phải theo gia đình thím ấy vào phi trường Tân Sơn Nhất chờ đưa tiễn. Việc như vậy, không thể không đi. Dù mới quen gia đình thím ấy chưa lâu, nhưng tình cảm sâu kín giữa mình và cô C. không hề ít. Dù mình và cô ta chưa trao nhau một lời yêu đương nào, nhưng qua ánh mắt và việc làm của cố ấy cho mình, đã nói lên vạn lần yêu thương. Mình khẳng định như vậy. Mình cho đây là một mối đình đẹp, khó có mà có.

 Hiện giờ mình ngồi đây kể chuyện ngày ấy cho bạn nghe, chắc bạn mắc cười lắm? Sẽ cho mình quan trọng hóa vấn đề nên vậy. Bạn nhớ rằng, bây giờ là năm 2021, còn bấy giờ là năm 1976, mọi sự bang giao giữa nước nầy và nước nọ khác nhau xa. Mọi thủ tục giấy tờ pháp lý và bảo lãnh cũng khác. Vì cớ sự đó nên mình vô vọng trong việc quen thân với cô C. Hồi đó ai mà nghĩ được cứ làm giấy kết hôn bên Việt Nam, rồi hai năm sau sẽ  được bảo lãnh qua? Chung quy, mình nghĩ cũng là số phận cả.

                        ~~o00oo~~

 Xem như mình đã dọn đất rẫy mì xong và đang phơi đất cho thật ải, tới khi đi vào phi trường đưa tiễn gia đình thím Lachaise về sẽ bắt tay vào việc trồng khoai lang ruột tím. Mình nghĩ trong thời gian chờ đợi nầy, chắc mình cũng không làm được việc gì nên sự, đầu óc suy nghĩ mông lung quá nên mình theo bác Tám Giỏi và đàn chó săn vào rừng xem cho biết, tiện thể bẻ ít măng về phơi để ăn. Trong rừng sau nhà mình, tháng nầy măng le nhiều lắm. Ở đây, có nhiều anh chị em chuyên sống về nghề bẻ măng nầy. Họ bẻ về phơi khô rồi chuyển vào Sài Gòn bán. Mụt măng le tuy nhỏ, nhưng ăn ngon hơn măng tre, mình rất thích ăn.

 Mình lội trong rừng về cũng gần xế chiều, ở nhà mấy cháu chưa nấu cơm, mình lục nồi cơm nguội ra ăn, thấy còn mì lát nhiều hơn hột cơm, dẫu vậy ăn vẫn thấy ngon đáo để. Nhìn nồi cơm nguội các con để lại, lát mì nhiều hơn hột cơm, mình hiểu ngay sự tình. Vậy là mình biết các cháu đã ngán mì lát lắm rồi. Chút nữa, mình sẽ đong gạo đổ vào nồi gấp đôi số gạo thường nấu và gọi các cháu lại hướng dẫn cho chúng, bắt đầu từ ngày mai làm y như mình vậy. Dĩ nhiên là cũng phải ghế thêm mì lát khô, nhưng ít hơn. Không sao, tới đâu hay tới đó. Trời sinh voi sinh cỏ. Không sao!

 Đêm qua giấc ngủ chập chờn, suy nghĩ đủ chuyện, bữa nay là ngày 07 tháng 5 rồi còn gì, ngày mốt ngày kia là xem như xong, xong một cuộc tình, một ngã rẽ số phận. Mình lên phố định tìm mua một thứ kỷ niệm nào đó tặng cho C. nhưng nghĩ hoài không ra, nên mua gì? Cuối cùng mình chọn mua một xâu chuỗi đeo cổ tay kết hột như hột bồ đề, mình thấy rất nhu mì như chính hình ảnh nhu mì của C. Mình nghĩ, chắc là C. thích. Mình tạt qua hàng bánh ngọt mua 6 chiếc bánh kem su về cho 6 cháu. Hôm ăn cơm nhà anh Bạc, mình có đem một ít về cho chúng ăn, coi bộ chúng còn thòm thèm lắm, thật tội nghiệp!

                         ~~oo0oo~~

 Mình vừa gỡ tờ lịch xong, vẫn thấy còn sớm, mới 10 giờ sáng, hôm ấy là ngày 09 tháng 5, ngày được mời đến dùng bữa cơm chia tay và cũng là ngày của mốc thời gian chia cắt giữa mình và C. Mình cảm thấy có một chút gì bối rối và hối tiếc trong lòng. Nhưng rồi việc đến thì cũng phải đến, thời gian chẳng đợi một ai. Mình mở tủ gỗ lấy ra bộ quần áo mà C. đã mua tặng cho mình hôm nọ, rồi lại phân vân hoài nên mặc hay không? Mặc hay không thì cũng vậy thôi, cũng chẳng ngăn được C. ra đi hay ở lại. Tuy vậy, vẫn thấy có chút gì đó gần gũi hơn, thắm thiết hơn. Ngay cả khi tay vừa chạm đến bộ quần áo là đã có cảm giác gần gũi rồi, nói chi mặc vào người. Thì nên mặc thôi để tô thêm chút mặn nồng ngày cuối, chẳng còn dịp nào nữa đâu mà lưỡng lự nghĩ suy.

 Mình đạp xe từ từ trên đường lên nhà thím Lachaise, đôi chân nghe nằng nặng nhịp đạp. Gần tới, mình đã thấy C. đang thấp thoáng trước cổng vào nhà. Tới nơi, mình lại ngạc nhiên khi thấy C. chẳng chào hỏi và đón mình. Cô ấy cúi mặt đi thẳng một hơi ra phía sau vườn nhà lớn, lối vào nhà riêng của C. Mình hiểu ý nên cũng dắt xe theo bước cô em. Tự nhiên không hiểu sao, mình lại vồ vập đem hộp đựng vòng đeo cổ tay mua trên chợ hôm qua ra đeo vội vào tay C. và nói gọn lỏn hai tiếng:” Tặng em”. Hihi…! Bạn thấy mình có sến lắm không? Mà có sến thì giờ chuyện cũng đã rồi, đã cách nhau nửa vòng trái đất rồi! Mình chỉ tiếc là tại sao lúc bấy giờ mình không ôm hôn cô ấy để giữ hơi cho cả hai. Biết đâu hơi ấm ấy sưởi được mùa đông đầy lạnh  giá sắp tới cho cả hai? Mình luôn chậm nghĩ trong những tình huống nhạy cảm, không thì…Bạn biết không thì…gì không? Không thì mình và cô ấy đã thành vợ chồng ngay cái đêm ngủ trong nhà riêng của cô ấy rồi!

                          ( còn tiếp )