Tuesday, August 30, 2022

LẼ NÀO KHÔNG NHỚ TUI SAO

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 14


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 14

02.3.2021 - Bạn ơi, hai ngày liên tiếp cứ làn chàn việc bán dép Lào và áo thun cho các bạn thanh niên nam nữ trong thôn nên chẳng phơi được lúa. Sáng hôm sau thấy nắng lên sớm, mình và các con vội tranh thủ ra quét sạch đường nhựa trước nhà để phơi. Việc làm tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự thận trọng, bởi nếu không cẩn thận quét cho sạch mặt đường trước khi phơi thì sau nầy khi xay lúa xong, gạo sẽ bị lẫn lộn sạn đường. Đây là điều tối kỵ. Cũng vì sự cẩn trọng nầy nên mình đành nín lại việc lên thăm bác Tám Tham để báo cáo cho bác mừng là mình đã liên lạc được với bà ngoại các cháu bên nước ngoài. Mình nghĩ, nếu bác Tám biết được điều nầy, chắc bác vui lắm.

 Bạn biết không, hôm ấy mình ở nhà phơi lúa, nhưng cũng không dư tay dư chân mấy, vì bà con trong xóm cứ chạy tới chạy lui mua tôm khô, mua dép Lào, mua áo thun nên hóa ra lại bận rộn. Mình không thể để các con mình ở nhà tự bán những thứ nầy vì chúng không linh động được với khách hàng, rồi sinh mất lòng. Mình hy vọng kỳ tới, bà ngoại sẽ gởi về nhiều hàng hơn, nhất là áo thun đủ kiểu đủ màu. Mình đã lưu ý trong thư khi gởi cho bà ngoại rồi. Mặt hàng nầy, đa số thanh niên nam nữ rất thích, bán chạy lắm luôn.

                                  ~~oo0oo~~

 Không thể chần chừ được nữa, hôm ấy nhân ngày chủ nhật 18.4.1976, mình ăn mặc tử tế lên thăm bác Tám Tham. Vừa đến gần nhà bác đã thấy bác đang tiếp khách, mình định lùi gót quay về, thì cũng kịp lúc bác lên tiếng gọi mình vào chơi. Khi mình vào đến cửa phòng khách, bác giới thiệu với mình ngay người khách bác đang tiếp, và cũng giới thiệu với ông khách về mình. Và như thế, trong lúc chuyện trò qua lại, mình biết thêm về ông khách của bác Tám, tên là Nguyễn Văn Bạc, nhà ở trên phố đường Lê Lợi. Ông ấy thường ghé nhà bác Tám uống trà và trò chuyện mỗi khi xuống thăm mộ người nhà, chôn cất sau đất vườn nhà bác Tám. Sự liên kết giao hảo với nhau là từ đó. Nhân thể ông Bạc có nhã ý mời mình lên nhà ông ấy chơi cho biết, mình cám ơn và hẹn dịp khác thuận tiện hơn.

 Sau khi ông Bạc kiếu từ bác Tám và mình để ra về, mình được rộng rãi thời gian và tự do tâm sự với bác Tám hơn. Mình kể hết những gì đã trải qua trong những ngày trước đó cho bác Tám nghe, từ việc gặt lúa, làm đổi công cho đến việc nhận thư và thùng quà bà ngoại gởi về. Mình thấy bác rất vui, còn khoe vọng xuống nhà bếp cho bác gái nghe nữa. Mình cảm thấy ấm lòng.  Về sinh sống một chỗ không có bà con ruột thịt nào cả mà được như vậy là hạnh phúc lắm rồi, phải không bạn?

                              ~~oo0oo~~

 Từ ngày gặp ông khách nhà bác Tám cho đến ngày 25.4.1976 là đúng một tuần. Nhân thể ngày chủ nhật, mình lên phố mua một ít đồ dùng cần thiết, chứ cứ phải đi mượn hàng xóm hoài ngại quá. Tiện thể, mình ghé thăm nhà ông bạn mới Nguyễn Văn Bạc để uống ly nước trà xả hơi. Ông ấy cũng cùng tuổi Canh Thìn với mình, trước đây ông ấy học trường Pháp, trình độ học vấn cũng khá nên chuyện trò cũng hợp ý. Mình vào nhà gặp lúc ông ấy đang ngồi nhâm nhi ly cà phê. Thấy mình, ông vội đứng lên bắt tay chào hỏi vui vẻ, đồng thời vội rót trà mời mình. Ông phân bua:” hồi hôm, ham đánh mấy ván cờ với anh bạn khuya quá nên sáng nay dậy trễ. Thường thì cỡ 6 giờ tôi đã dậy rồi, giờ đã 9 giờ, quá trễ! Hư thật!”. Ô tự nói rồi tự phê bình ông. Kể ra ông cũng khá chân thật. Mình thích những người như vậy.

 Mình ngồi chuyện trò với ông Bạc được một hồi  lâu, thì thấy một người đàn bà trên lầu đi xuống cầu thang, thoạt đầu, mình tưởng bà xã ông Bạc, nhưng sau khi giới thiệu thì mình được biết là chị vợ ông ấy. Chị ấy ở trên tầng lầu một mình, độc thân. Còn vợ chồng con cái ông Bạc ở tầng dưới. Nhà ông Bạc rất sâu, rộng, có vẻ thoáng mát. Chị ta vừa xuống đến nửa đoạn cầu thang thì dừng hẳn lại để nghe ông Bạc giới thiệu về chị ấy với mình và ngược lại. Chị ấy vẫn đứng giữa cầu thang và hỏi thăm chuyện mình rất vui vẻ. Chị ấy cho biết, ông Bạc đã kể hết gia cảnh của mình cho chị ấy nghe và chị ấy rất thán phục những nỗ lực của mình. Mình cám ơn những thịnh ý của chị. Chị mời mình chủ nhật tới lên chơi và dùng cơm cho vui. Mình nhận lời. Chị vợ của ông Bạc là một giáo viên trường Tiểu Học thôn Đường Mới thuộc xã Lạc Nghiệp. Chị ta là một giáo viên giỏi được rất nhiều bằng khen. Chị luôn được mời thỉnh giảng. Chị là giáo viên gương mẫu chẳng những của xã Lạc Nghiệp mà của cả huyện Đơn Dương nữa, mình cũng khá nể phục.

                          ~~oo0oo~~

 Sáng hôm ấy là ngày 28 tháng 4 năm 1976, mình ngồi trong bếp đun ấm nước để chế trà mà đầu óc suy nghĩ đủ chuyện, chuyện nào cũng thấy cần. Riêng chuyện đi học của Giáng Hương phải lo trước dù phải qua hết hè mới xin nhập học được. Như vậy cháu phải chịu trễ hết một niên khóa, thật tội nghiệp! Hồi ở Đà Nẵng, cháu học rất giỏi, các Thầy Cô đều khen. Thế mà vào Đơn Dương đành phải chịu đứng lại một niên khóa. Buồn thật!

 Có tiếng gọi lớn trước sân nhà, mình vội chạy ra thì bất ngờ thấy anh bưu tá đang cầm mảnh giấy vừa hỏi vừa xìa về phía mình:” Anh là Nguyễn Văn Thơ?” Vâng, tôi đây – mình trả lời. Tức thì anh ta bảo mình ký nhận vào sổ và giao cho mình một bưu phiếu trị giá 1.000 đồng tiền Pháp của bà ngoại gởi về. Mình thoáng chút thắc mắc, ý là sao bà ngoại không gởi áo quần cho tiện mà lại gởi tiền? Dù sao, mọi việc cũng đã là hiện thực. Mình tìm cách để lãnh tiền thôi. Hôm lâu lắm rồi, mình vô tình đang đứng đá banh bàn với anh bạn trong thôn, có nghe anh ấy khoe là bà con với ông người Pháp tên Lachaise. Nói chính xác hơn là mẹ anh ta và bà vợ ông Lachaise là chị em bạn dì ruột. Nhà ông Lachaise ở ngay cạnh đầu dốc xuống thôn Phú Thuận. Thỉnh thoảng mình  hay thấy ông lái chiếc xe bốn bánh nhỏ màu xanh lá cây lên phố để mua đồ. Ông ở Việt Nam lâu rồi nên ông nói tiếng Việt rất rành.

 Ngay trưa hôm ấy, mình tìm anh bạn đá banh cùng mình hôm nọ và nhờ dắt mình tới nhà ông Lachaise để mình hỏi nhờ cách thức về việc lãnh tiền. Sau khi trao đổi giữa mình và ông ta, mình thấy cách đơn giản nhất là mình trao ngân phiếu cho ổng, đổi lại, ông ta giao cho mình một số tiền mặt Việt Nam tỷ giá tương xứng trong ngân phiếu. Mình đồng ý cách nầy và mọi việc sau đó đều suôn sẻ.

                        ~~oo0oo~~

 Thú thật với bạn, từ khi mình về Thôn Phú Thuận sinh sống, mình gặp được nhiều người tốt, ngươi nào cũng có ý giúp đỡ mình. Thậm chí còn hy sinh cho mình nữa, như bác Tám Tham chẳng hạn. Bác ấy chịu trận đưa lưng ra mượn tiền cho mình mua nhà. Nếu không có Bác, mọi việc của mình vẫn còn dang dở, dở dang. Hôm vào nhà của ông Lachaise cũng vậy, mới lần đầu gặp mà cả hai vợ chồng ông ấy đều mời mình ở lại ăn cơm trưa. Lần đầu ăn cơm nhà ổng, mình không thể nào ăn tự nhiên được, hình như cọng thêm một chút mắc cỡ, vì ngồi cạnh cô con gái, con của ông bà. Cô ấy, mình đoán chừng 25 tuổi, tính tình cũng nhu mì ít nói, làm mình càng ngại thêm.

 Bạn biết không, ngay khi mình ngồi đây, kể cho bạn nghe về quá khứ của mình, ít nhất cũng mười lần mình vô tình hay cố ý để tuột qua tay những cơ hội tiếc nuối khôn nguôi. Chung quy, cũng tại mình nghĩ về con quá nhiều, và có những tình huống mình nghĩ sai. Mình không bao giờ muốn rời các con dù bất cứ hoàn cảnh nào. Theo mình tìm hiểu, cũng vì mình mà bà Lachaise đã phải nhức đầu tính toán việc của mình với cô con gái trước khi cả nhà được chuyển về định cư ở Pháp. Lúc ấy mình quen khá thân với cô con gái, đã từng ăn chung và ở chung phòng qua đêm, dù chúng mình chưa có gì, tất cả do mình chủ động cả. Sau khi bà xã mình mất, mình phải ở vậy nuôi con, gần như mình sống bằng lý trí nhiều để kiềm chế bản năng dục vọng. Từ điểm nầy, rất nhiều cô gái phải thất vọng về mình. Mình biết rất rõ điều đó. Mình không là thần thánh, nhưng mình có một khả năng đặc biệt trời phú để thoát qua những giây phút đỉnh điểm mà ít ai thoát được. Nhưng tiếc là đời luôn có luật bù trừ, được việc nầy thì mất việc nọ. Cũng không sao, đó là kết quả trong một chu kỳ của vòng luân hồi phải gánh.

                          ( còn tiếp 


ĐÀ LẠT THÁNG 9 MƯA NGUỒN


 

ĐÀ LẠT

THÁNG 9 MƯA NGUỒN

 

Ai ngăn được nổi mưa nguồn
Đà Lạt tháng 9 nước tuôn đầy trời
Sấm giông réo gọi tình ơi
Mưa như hậm hực cuộc đời chia xa 

Thông ngàn lay lắt gió qua
Ngã nghiêng ngã ngửa la đà cùng mưa
Cổng trời chừng cũng đã vừa
Điểm tô vần vũ giỡn đùa nhân gian 

Đà Lạt tháng 9 mùa sang
Mưa hay nước mắt ngập tràn phố xưa
Con đường Palace Romance
Dấu chân để lại đậm ân tình buồn 

Đà Lạt tháng 9 mưa nguồn
Mưa qua Hưng Đạo, mưa dồn Thị Xuân
Nên chi đời chẳng bình yên
Hắt hiu tâm tưởng, triền miên giấc tình 

Cúi xin trời đất hiển linh
Mưa nguồn Đà Lạt có mình có ta
Bao giờ tâm thức nở hoa
Mưa nguồn Đà Lạt hết xa xót tình

 

TUYỀN LINH

Sunday, August 14, 2022

NGHỊCH LÝ



Bây chừ tôi ngồi đây, nhìn muôn màu muôn sắc và những cung bậc của âm nhạc và thơ ca, tôi cảm thấy thật thấm sâu những nghịch lý trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

 Vào năm 2003, tôi rất yêu người nhưng lại không yêu đời, tâm trạng nghịch lý ấy đã đưa tôi vào ngõ cụt không lối thoát nên tôi quyết tâm từ chối một cung tình. Giờ ngồi đọc lại bài thơ và nghe từng nốt nhạc, mới thấy thấm thía cái cảnh đời lúc bấy giờ.

 Xin mời các độc giả cùng nghe – TL

 

 

                                                                               

XIN MAI…HẸN NGƯỜI

Thương chi cái chú chim trời
Lỡ bay- lỡ đậu- lỡ thời- lỡ duyên
Cuộc đời trót lắm ưu phiền
Nên chi số phận lênh đênh vô bờ

Lầu hồng có luyến ráng pha
Xin chờ về cõi Ta bà tìm nhau?
Bể dâu…dâu bể…muôn màu
Sá chi cõi tục mà đau đáu lòng !

Chim trời phận số long đong
Yêu chi cho gót hồng trần nặng thêm
Kẻ muốn nhớ, người tìm quên
Đôi đường Nhật, Nguyệt càng thêm não lòng

Tình riêng trượt ngã bên thềm
Nỗi đau chưa dứt, thôi đành mím môi
Bến sông khúc lở khúc khúc bồi
Xin thuyền xuôi mái tìm nơi yên bình

Chừ đây chín thác mười ghềnh
Dám đâu mơ tới cuộc tình Liêu Trai
Lời Người tạc dạ chẳng phai
Lỡ duyên, lỡ phận, xin mai…hẹn Người !

 

TUYỀN LINH

     2003

 

Xin mai hẹn người

Saturday, August 13, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 13


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MĂT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 13

29.2.2021 - Bạn thân ơi, bạn đọc những dòng chữ chú thich dưới tựa tập sách mình sắp xuất bản, bạn quá rõ ý sống của mình rồi chứ gì? Tất cả những thứ đang có trên đời nầy đâu phải của mình mà mình đem bán, kể luôn cả tập sách.

 Hôm nay mình lại kể cho bạn nghe tiếp câu chuyện của đời mình nhé, một câu chuyện mà mình nghĩ chỉ một mình mình có, ngoài ra chẳng ai có thể có như mình. Bạn biết không, khi mình dọn nhà về ở thôn Phú Thuận đâu được hơn một tuần, không hiểu sao nhiều người trong thôn lần lượt kéo đến xem mặt. Họ không nói ra nhưng mình biết, nam có nữ có, nhất là nữ. Mình cũng không rõ bản thân mình được đồn thổi về điều gì mà họ lần lượt kéo nhau đến dòm mặt mình nhiều đến thế, tựa như đi xem mắt cô dâu; ngày chủ nhật lại càng đông hơn. Phải chăng, mình là một hiện tượng lạ? Mà hiện tượng gì? Mình cũng chẳng biết nữa. Mình nghĩ mãi không ra.  Qua tối hôm sau, tức là tối ngày 08 tháng 4 năm 1976, mình lân la qua nhà thím Phụng để chuyện trò về việc làm lụng đặng rút kinh nghiệm, tiện thể hỏi dò mấy em con gái nhà thím Phụng về hiện tượng lạ của mình. Mình vừa mới hỏi xong, tất cả đều ồ lên cười. Thím Phụng quay sang trừng mắt hai cô con gái. Thím lên tiếng:” Không có gì đâu cậu Thơ, họ thấy hoàn cảnh của cha con cậu, họ thương, rồi họ tò mò tìm hiểu đó mà!”. Kịp thời, hai cô gái con thím Phụng đồng loạt:” Nhưng mấy cô cũng mết chú nữa đó!”. Sao? mết là gì? – mình quay sang hỏi lại hai em. Là trồng cây si chú chứ gì! - cả hai đáp lời mình. Mình cười xởi lởi và nói:” Chú không dám đâu!”. Mình quay qua thím Phụng và tâm sự để thím và các em hiểu được tâm lý mình trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, rằng mình hoàn toàn không nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện kiếm gạo nuôi con. Thím Phụng tâm đầu:” Tôi hiểu cậu, cậu hãy yên tâm, mọi chuyện rồi sẽ qua, sẽ tốt đẹp thôi!”. Cũng đã khuya, mình chào thím Phụng và hai em để về nhà mà lòng có một chút gì man mác vô ưu.

 Sáng hôm sau là ngày thứ bảy cuối tuần,  mình phải đi trả công cho nhà anh Ý, anh Ý là con rễ ông Tám Hải, ông Hải là chủ tịch xã Lạc Nghiệp lúc bấy giờ. Nói đến ông Tám Hải, ai cũng sợ, nhưng mình cũng chẳng ngại mấy, vì từ xưa nay, mình có làm gì phạm đến chính trị đâu mà sợ? Ngay cả khi còn là lính trước 1975, ngày hai buổi ngồi văn phòng, chẳng bao giờ biết đến súng đạn chiến trường. Chính trị không lưu thông được trong máu mình nhưng nghệ thuật thì có đấy. Một tên nốt khó mấy để hình thành một giai kết mình cũng cố tìm tòi để học, nhưng một lý thuyết đơn giản về chiến sự thì mình lại dốt đặc dốt đơ. Thế đó, trời phú cho gì thì hưởng nấy! Biết sao?

                               ~~oo0oo~~

 Mình vinh dự được Ban Nhân Thôn Phú Thuận mời phụ trách dạy một lớp bình dân học vụ, như lớp bổ túc văn hóa trước năm 1975 đó bạn. Nghe cụm từ Bình Dân Học Vụ thì nặng nề quá, kỳ thực, bà con học ở lớp mình phụ trách họ cũng đã biết chữ hết rồi, mình chỉ hướng dẫn thêm chút đỉnh lỗi chính tả, và vài con toán cơ bản để họ dễ sinh hoạt trong cộng đồng thôi. Được cái là họ khá thông minh nên mình cũng đỡ mệt. Cũng nhờ dạy học nên tình cảm của bà con trong thôn ngày càng quý mến mình hơn. Thậm chí, nhiều bác nhiều thím muốn mình làm rễ, nhưng mình không dám vì mình chưa nghĩ tới. Không giấu gì bạn, mình bấy giờ tất cả đều chỉ lo cho các con thôi. Thiếu mẹ dã là một thiệt thòi quá lớn đối với các cháu rồi. Mình không muốn chúng mất thêm gì nữa hết. Bạn à, không hiểu sao thời điểm lúc bấy giờ, mình rất nhiều mối. Đến nỗi, dường như các con mình cũng biết tình trạng nầy. Bởi lẽ, những lúc mình vắng nhà, nhiều cô gái thường lân la đến nhà mình để làm quen đặng lấy cảm tình với mấy cháu. Mình biết chứ, nhưng mình giả lơ. Bạn đừng nghĩ trái tim mình sắt đá nhé, chẳng qua mình vận dụng nhiều về lý trí để được sống ổn thôi. Mình chỉ có ý duy nhất với môt người con gái trong đám con gái Phú Thuận, đó là T. con gái bác Tám Tham, nhưng mình kiềm chế, không cho tình cảm phát triển. Mình nghĩ đơn giản và thực tế, mình là một thằng con trai chết vợ, đang ôm cả một gánh nặng con cái, mình không có quyền chia gánh nặng đó lên vai một người con gái mới lớn. Không thể. Tiếng “không thể” luôn luôn hiển thị trong tâm trí mình, ngoài ruộng rẫy, giữa bữa cơm và cả trong giấc ngủ. Mình quý bác Tám bao nhiêu thì  mình cũng quý T. bấy nhiêu, mặc dù yêu T. đã có thừa - T. là người giàu lòng nhân ái, rất thương yêu trẻ nít nên các con mình cũng rất quý mến T, rất phù hợp cho một gia đình gà trống nuôi con của mình. Nhưng…không thể. Lúc bấy giờ mình buồn lắm nhưng đành chịu.

                        ~~oo0oo~~

 Như mình đã nói với bạn, làm ruộng tại chỗ mình cư trú thường không có năng suất, thậm chí có khi bị mất trắng. Những lần như vậy, mình và bà con trong thôn thường vào Sài Gòn để mua thêm gạo. Ai thì không biết, nhưng riêng mình mỗi lần vào, mình thường lên Chợ Lớn mua loại gạo rẻ tiền nhất. Gạo mình mua thuộc gạo lúa gì mình không rành, nó có màu nâu đỏ, nhưng hình như họ chứa lâu ngày trong kho nên có mùi ẩm mốc, nhưng chưa đến nỗi mốc hẳn, cũng còn có thể ăn được nhưng phải chịu khó vo nhiều nước thật kỹ. Dĩ nhiên mình quyết định mua ngay vì giá cả dễ thở, mình nghĩ có, còn hơn không! Mỗi lần đi như vậy mất hết 4 ngày: ngày đi - ở lại đêm – ngày ra chợ mua - ở lại đêm – ngày về. Mình gởi các cháu cho thím Phụng trông coi giùm, kể luôn cả việc cơm nước, như vậy mỗi lần đi mình mới yên tâm. Mỗi lần đi như thế, mình thường kết hợp mua một số tôm khô, cũng là loại nhỏ, rè tiền nhất. Số tôm khô mua về, mình vừa để ăn, vừa để bán. Cũng bán được lắm bạn à. Khi bà con biết, họ tới mua cũng nhiều. Bạn thấy mình có giỏi không? Còn nữa, mình còn giỏi nhiều thứ nữa, lần hồi rồi bạn sẽ biết thôi. Mình cảm thấy vui khi về sống ở đây.

                       ~~oo0oo~~

 Mình vừa đi rẫy về thì nhận được tin vui, con gái lớn mình đưa cho mình xem thư của bà ngoại chúng gởi về. Thoạt đầu, nhìn ngoài bì thư, mình ngỡ ngàng vì thấy tên người gởi lạ quá, nhưng khi đọc hết nội dung thư, mình mới hay tự sự. Như vậy là lúc bấy giờ bà ngoại đang định cư bên Mỹ, nhưng nước Mỹ lại chưa bang giao với Việt Nam nên bà ngoại gởi thư cho người bà con bên Pháp và nhờ người bà con chuyển tiếp qua Việt Nam cho mình. Lòng vòng là thế. Bà ngoại lo lắm, hỏi nhiều về tình hình sinh sống của mình và các cháu. Mình cũng kể hết trong thư cho bà ngoại nghe những biến cố khi chạy di tản, cả những gì xảy ra trên phố và trên xà lang, nhưng mình không dám kể sâu hơn về những ông lính mặc đồ răn ri cướp bóc, vì sợ ngoại bị ám ảnh, ngoại cũng già rồi, tội ngoại. Trong thư ngoại gởi, ngoại cũng cho biết,  khi chết bà xã mình cũng về báo mộng, bà hiện nguyên hình, đứng nhìn chằm chằm bà ngoại, không nói một lời nào. Lúc ấy ngoại biết con gái đã chết.

 Hai ngày sau khi nhận thư, cha con mình nhận tiếp được một thùng quà cũng từ Pháp gởi về, trong đó mì gói là nhiều nhất. Lúc đầu mình ngạc nhiên, sao bà ngoại lại gởi vậy? Nhưng nghĩ kỹ, mình mới biết, chắc tại bà ngoại nghe đồn thổi là sau khi chạy loạn về, người dân sẽ bị thiếu gạo và đói lắm. Công bình mà nói, thì có thiếu thật đó, nhưng đâu đến nỗi phải ăn mỳ gói để trừ cơm hằng ngày. Hôm sau mình viết thư trả lời bà ngoại và nói thật hết về tình cảnh của mình và các cháu cho bà yên tâm.

 Sau ngày nhận được thùng quà, sáng hôm sau bà con trong xóm kéo đến chia vui cùng mình, nhất là đám thanh niên nam nữ. Ngoài mì gói, cũng có một số ít dép Lào và áo thun, các bạn thấy vậy thích quá hỏi mua, mình không biết phải bán giá bao nhiêu, mình hẹn với các bạn ngày mai sẽ tham khảo giá trên chợ rồi sẽ bán cho các bạn.

 Mình vừa trên chợ mới về, lòng vui vui, mình không nghĩ dép Lào và áo thun lại là hàng hiếm lúc bấy giờ. Mấy sạp hàng quần áo trên chợ cho giá khá cao khi xem mẫu hàng. Hình như thời điểm lúc bấy giờ họ quý hàng ngoại gởi về thì phải? Mình cũng mừng.

                         ( còn tiếp )

Friday, August 5, 2022

MỘT CÕI


 

MỘT CÕI

 

Em vào Tiền Kiếp tìm ai?

Tìm chi một mảnh hình hài rệu tan

Lối xưa cỏ mọc hoang tàn

Một anh góc khuất võ vàng mù Đông

 

Em tìm tiếng nấc xé lòng

Hay tìm hơi thở lặng thầm đêm thâu?

Kiếp nào là kiếp cho nhau

Em tìm giọt lệ chân cầu Tương Giang?

 

Mùa Đông về rất vội vàng

Ưóc gì tát cạn lệ tràn dòng Tương

Cho em không thấy vô thường

Cho anh không có những tương tư chiều

 

Một lòng trải mộng bến yêu

Một hoang ốc đảo với nhiều rêu phong

Em về hái ngọn trăm năm

Xin cho anh giữ kiếp tằm vương tơ…!

 

TUYỀN LINH