Tuesday, February 22, 2022

AI NGƯỜI TRI ÂM


 

 

AI NGƯỜI TRI ÂM

Sầu nầy, ai hiểu được ta
Sầu trong giấc ngủ, sầu ra sân vườn
Sầu ươm giọt lệ thành sương
Nửa đêm thức giấc…đẫm vườn chiêm bao

Hồn ta thiếp giữa mùi hương
Cô đơn vệt nắng cuối đường hoàng hôn
Ai ngồi xõa tóc lặng buồn
Chút hương còn đọng bên lòng ta đây

Bên ai, còn có sầu nầy
Bên ta, chỉ với cỏ cây thầm thì
Đâu người tri kỷ tri âm
Đâu người sáng ngóng chiều trông hỡi Người !

Nhớ ơi, sao nhớ lạ đời !
Giấc mơ sảng sốt chơi vơi lịm hồn
Nghe tình còn ngọt môi hôn
Mà sao lịm chết giữa vùng khói sương

Thương cho mười ngón tay buồn
Rụng trên phím trắng… lạc nguồn âm giai
Chừ đây sầu đã chia hai
Người ơi, bên ấy có dài đêm mong ! ?

 

TUYỀN LINH

YÊU NGƯỜI - Nguyễn Văn Thơ - Giáng Hương

Friday, February 18, 2022

XUÂN VẪN ĐÓ


 

XUÂN VẪN ĐÓ

Vâng, thưa em

 Mùa Xuân vẫn đó

Chim hoa vẫn đó

Chỉ có anh là không đó mà thôi

Anh đang hướng mắt về vùng gió chướng mây trôi

với xác hồn của một nụ hoa tầm gởi

Ai đã cho rằng Xuân là vĩnh cửu?

Anh đã tầm gởi theo xuân suốt đời

 Vĩnh cửu gì đâu?

 

Như giờ đây

anh đang hút những nhựa non giữa buổi bình minh

nhưng thân xác anh đang chảy đầy dòng ác tà thoi thóp.

Những ga nhỏ cuộc tình giờ nghe hiuu hắt

Cột mốc thời gian nào mà không mờ nhạt tàn phai

Em đừng hỏi anh ngày mốt hay ngày mai

Có thể là dấu chấm hết chứ không là dấu chấm phết

 

Chu kỳ luân hồi không là một dấu vết

có thể bôi đi trong ý muốn tử sinh

mà đã được định vị định hình trong con đường nghiệp chướng

 

Vâng, Xuân vẫn đó

Xuân của đất trời, cứ vui đi mà hưởng

Rồi từ anh

đừng bao giờ tin tưởng

Xuân của đất trời là vĩnh cửu

mà chỉ là những ảo giác phỉnh gạt thôi em!

TUYỀN LINH

 


Tuesday, February 15, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 2


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

 

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 2

25.01.2021 -  Gớm, tính ra cũng đã nửa tháng rồi mình mới gặp lại bạn. Thật tình,  mình cũng rất muốn gặp bạn sớm hơn để tâm sự cho đỡ buồn, nhưng nghĩ cũng ngại, sợ mất thì giờ của bạn. Giai đoạn nầy là giai đoạn mình muốn ôn lại quá khứ, ôn lại cái thời gian khốn khổ không thể nào quên của mình. Bạn chịu khó nghe mình “ tám “ nhé!

  Bạn biết không, sau 6 tháng rèn luyện tại quân trường Quang Trung, mình ra trường và được phân bổ về ngành Quân Cụ, mình được mang lon Trung Sĩ. Ông anh vợ mình, Đại Uý Tạ Phấn Tuân tới dự buổi lễ ra trường của mình. Xong lễ, hai anh em mình kéo nhau vào Cân Tin uống cà phê và trò chuyện. Lúc bấy giờ, anh ấy mới cho mình biết lý do tại sao anh bảo mình đừng khai bằng cấp gì cả. Nếu khai có bằng tú tài thì đã bị chuyển qua tập luyện bên trường sĩ qua Thủ Đức rồi. Mà đã qua bên ấy, thì chắc chắn mình sẽ ra trường với ngành Bộ Binh, không thể nào được đi chuyên ngành Quân Cụ. Lý do: ngoài khả năng “ dù che cán “ của ông anh vợ mình. Mà đã là quân chủng bộ binh thì suốt năm suốt tháng phải đi hành quân, luôn có mặt tại nơi tuyến đầu lửa đạn. Mình tránh né việc nầy không phải mình sống bạc nhược sợ chết, nhưng chết như thế nào mới đúng nghĩa để chết?

  Chắc bạn cũng biết, thời kỳ trưởng thành của mình, phong trào phản chiến lên rất cao, mà tinh thần mình không ngoại lệ. Mình rất ghét đánh nhau. Đánh nhau để làm gì, cho ai? Quan điểm về ý thức hệ của mình lúc bấy giờ hoàn toàn không có. Cho nên việc thi cử để lấy bằng tú tài, mình đã tính toán tránh né trước đó rồi. Vì lẽ ấy, mình trốn trình diện nghĩa vụ 4 năm là thế đó!

  Sau lễ ra trường tại TTHL Quang Trung được 2 ngày, mình nhận lệnh thuyên chuyển về phục vụ ngành Quân Cụ tỉnh Cần Thơ. Công việc của mình tại đây là Tiểu Đội Trưởng, điều khiển nhóm lính thợ chuyên sửa chữa xe tăng thiết giáp M 113. Tuy mình thường xuyên công tác tại hậu cứ, nhưng thỉnh thoảng cũng có dẫn lính thợ đi sửa chữa lưu động ở các quận huyện thuộc địa phận Cần Thơ. Công việc làm của mình kể ra cũng nhàn nhã, bình yên. Người ta thường gọi là lính kiểng đó bạn. Cũng may, nhờ có ông anh vợ giúp, mình mới có được cuộc sống như vậy. Mình chẳng bao giờ ham hố quan to chức lớn, nó hoàn toàn vô nghĩa đối với mình.

  Mình công tác tại Cần thơ được 3 năm, đến năm 1967 thì mình được thuyên chuyển về Liên Đoàn 81 Quân Cụ đóng tại Đà Nẵng. Mình được thuyên chuyển qua hình thức hoán đổi. Tại đây, mình được phân bổ về làm trong Đại Đội thu hồi quân xa quân dụng. Mình là trưởng ban đặc trách thu hồi quân xa hư hỏng từ các chiến trường kéo về bãi tập kết chờ ngày phục hổi hoặc phế thải. Vẫn là công việc sửa chữa và phục hồi các quân xa hư hỏng từ chiến trường kéo về như hồi ở Cần Thơ, chỉ khác là phục hồi các loại xe JEEP 1/4, xe DOD 3/4, và xe GMC thay vì xe tăng M113 như mấy năm trước đây. Mình được về làm việc tại quê nhà Đà Nẵng là một điều rất hạnh phúc, được gần vợ gần con thì không có gì quý bằng. Thời điểm lúc bấy giờ mình vui lắm, bạn biết không!

  Cuộc đời con người như một canh bạc, lúc đỏ lúc đen, lúc lên lúc xuống, chẳng có gì tồn tại lâu dài cả. Bản thân mình cũng không ngoại lệ. Rồi bất ngờ, mình bị lệnh thuyên chuyển về làm việc tại Liên Đoàn 82 Quân Cụ đóng tại Quy Nhơn Bình Định vào tháng 8 năm 1971 với lý do nhu cầu công tác. Nhưng mình biết lý do đó không chính đáng. Lý do chính là do tư thù cá nhân của tên đại úy Huỳnh Viết Thương, đại đội trưởng của mình, bởi hắn ta nghi mình đã tố cáo hành vi tham nhũng của hắn lên Cục Quân Cụ. Mình bị hàm oan, mình biết ai là kẻ đã tố cáo, nhưng mình không thèm lên tiếng minh oan. Đơn giản, mình cũng chán làm việc dưới quyền của một tên ngu dốt, vô lại, đểu cáng như hắn. Mình còn nhớ, vào năm 1979, bất ngờ mình gặp hắn tại bến xe miền Đông Sài Gòn với bộ dạng dáo dác như kẻ ăn trộm. Hắn thấy mình, vội vàng né tránh và chui lẹ vào đám đông như chuột chui ống cống. Mình nghĩ ngay đến chuyện hắn có tật giật mình, mình nghĩ hắn trốn học tập cải tạo là cái chắc, nhưng bản tính mình không quen đánh người ngã ngựa, nên thôi. Mình cảm thấy nhẹ nhõm sau giây phút ấy. Rõ là quả đất tròn, oán thù và nhân quả luôn xoay vòng. Như là cuộc hội ngộ giữa hư và thực. 

  Trước khi mình chuyển về công tác tại Quy Nhơn, mình có liên lạc với hai ông bạn chí cốt đang làm việc tại đó, ông Trần Hữu Chí và ông Trần Lục. Cả hai ông đều là bạn học cùng lớp cùng trường Phan Châu Trinh với mình tại Đà Nẵng. Ông Trần Hữu Chí lúc bấy giờ là chủ quán cà phê giải khát GIÓ KHƠI, cơ sở rất quy mô, địa điểm kinh doanh tại bờ biển Quy Nhơn. Ông Trần Lục là trưởng phòng tài chính và nhân sự tại tỉnh Bình Định. Ông Lục nhiều lần rủ mình về ở chung với ông ấy, nhưng mình từ chối, vì mình cảm thấy ở trong doanh trại thoáng hơn, yên tĩnh hơn. Mặc dù ba anh em không ở chung với nhau, nhưng chiều nào tụi mình cũng tập trung tại câu lạc bộ GIÓ KHƠI của ông Chí để nhấm nháp chút bia bọt và tâm sự chuyện đời dâu bể. Mình cũng không hiểu sao, sau khi thi tú tài xong, mỗi người lưu lạc mỗi hướng, cuối cùng lại gặp nhau tại chốn Quy Nhơn nầy. Kể cũng lạ! Nhờ vậy, mình cũng đỡ tủi, đỡ trống vắng phần nào mỗi khi nhớ vợ nhớ con. Số phận đưa đẩy, vô tình mình thành kẻ tha phương cầu thực.

  Mình về nhận việc đơn vị mới tại Quy Nhơn với chức vụ Hạ Sĩ Quan phòng chính trị. Trời ơi, trong đời mình, mình ghét nhất là chính trị. Từ hồi nào đến giờ, mình có học về ngành nầy bao giờ đâu. Mà mình có biết gì về chính trị để làm chứ. Thật là oái ăm! Nhưng không nhận nhiệm vụ cũng đâu có được. Đây là công lệnh mà!

   Rồi cứ thế, qua ngày qua tháng, mình tập làm quen với công việc sao chép những văn thư giấy tờ từ trên phổ biến xuống để phân phối đi các đơn vị nhỏ hơn. Mình hoàn toàn không sáng tạo được gì trong công việc hàng ngày của mình cả. Tuy vậy, mình rất ưng ý. Cứ hằng ngày tà tà như thế, không phải ra chiến trường chém giết nhau là tốt lắm rồi.

  Mình làm việc tại Liên Đoàn 82 Quân Cụ Quy Nhơn đâu được 2 năm, đến cuối năm 1973, mình được lệnh thuyên chuyển về Pleiku với chức vụ Trung Sĩ 1 tiếp liệu. Về đây, công việc của mình càng thong thả và nhàn nhã hơn ở Quy Nhơn, suốt ngày chỉ nhận và chuyển tới chuyển lui các phiếu tiếp liệu quân xa quân dụng đến các đơn vị khác. Nhờ vậy, lúc bấy giờ mình rộng thời gian để tham gia các nhóm du ca. Kể cũng vui và ham sống hơn.

                             ~oo0oo~

Mình vốn mê ca hát nên gặp dịp là tham gia ngay. Mình còn nhớ, hồi còn học ở Sài Gòn, mình và ông bạn mình là Mạc Phong Thanh cùng ở chung gác trọ với giáo sư Nguyễn Thanh Hùng tại Gia Định. Anh Thanh Hùng là bạn của thi sĩ Trụ Vũ và cố nhà báo Vân Sơn Phan Mỹ Trúc thuộc thế hệ đàn anh. Nhờ làm ở nhà in nên bạn mình quen anh Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, được anh Sơn thương như cậu em trong nhà, và từ đó mình được hưởng xái lây. Các anh thấy mình hay đàn ca nghe cũng được nên giới thiệu mình với các chủ phòng trà Sai Gòn để thử giọng. Từ đó, đêm nào mình cũng đến các phòng trà, chờ đến gần giờ đóng cửa, mình mới được thử giọng. Đâu được vài tuần, các anh trong ban nhạc thấy mình hát cũng khá nên đề nghị chủ phòng trà sắp xếp chương trình cho mình hát “ chay “, nghĩa là hát thực thụ như ca sĩ chính, nhưng không có tiền thù lao. Thế nhưng mình mừng lắm. Bạn không hiểu được cảm giác của mình lúc bấy giờ đâu. Vui lắm…! Mình còn nhớ, ca khúc tủ của mình là bài Tiếng Sông Hương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bạn biết không, mỗi lần mình trình diễn bài này, y như là có ma nhập, khán giả vỗ tay rầm rầm. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy sướng tê người.

                        ~oo0oo~

  Mình thi đậu vào lớp sinh viên khai thác hầm mỏ tổ chức tại Sài Gòn vào năm 1962 nên đành bỏ dang dở nghiệp ca hát. Kể cũng buồn, nhưng ngặt một nỗi gia đình nhà mình lúc bấy giờ quá nghèo nên buộc mình phải chọn con đường thực dụng hơn. Học ngành khai thác hầm mỏ được ăn ở nội trú mà lại có lương hàng tháng. Tuy lương trong thời kỳ còn sinh viên không cao, nhưng mỗi tháng cũng có đồng tiền rủng rỉnh trong túi để tiêu xài vào những ngày nghỉ cuối tuần. Với tụi mình lúc bấy giờ, như thế là tuyệt vời lắm rồi. Còn đòi hỏi gì hơn?

  Mình và cả lớp sinh viên khai thác hầm mỏ được đưa về  mỏ than Nông Sơn tại Quảng Nam Đà Nẵng để vừa học vừa thực tập. Chương trình học tuy không khó lắm, nhưng bài vở giảng dạy toàn bằng Pháp ngữ nên những học viên nào xuất thân từ trường Việt cũng có phần nào trở ngại. Phần nào thôi chứ không đến nỗi lắm, bởi trong chương trình hồi còn học Trung học, mình cũng đã được học hai ngoại ngữ: Anh và Pháp. Tuy không bằng các bạn học trường Pháp, nhưng cũng cố gắng theo kịp. Không sao.

  Sau khi tốt nghiệp khóa Gám Thị khai thác hầm mỏ, mình xin ở lại và công tác tại mỏ than Nông Sơn luôn. Mình thấy quyết định nầy rất xác đáng và tiện lợi cho mình, bởi từ Nông Sơn về nhà mình ở Đà Nắng, khoảng cách chỉ 30 km thôi, rất gần. Nhờ vậy, hễ cuối tuần là mình được về thăm nhà, hạnh phúc lắm bạn à.

                      ~oo0oo~

  Trở lại vấn đề quân ngũ ở Pleiku, phải nói thật lòng, thời gian mình công tác ở Pleiku sướng như tiên. Ban ngày làm việc qua loa, có nhiều khi mình cup cua nghỉ một buổi cũng chẳng sao. Nhờ vậy, mình rộng thời gian tham gia hoạt động du ca đó bạn. Bạn biết không, mình có nhiều mánh để được nghỉ phép về thăm nhà mà chẳng ai để ý biết. Mỗi khi mình muốn về thăm nhà, mình chỉ việc lên trạm xá ghi tên vào sổ bệnh để đi khám bịnh. Tại Quân Y Viện, mình đã mua chuộc sẵn y sĩ phòng khám rồi. Do vậy, sau khi khám, mình được y sĩ phê cho mình nghĩ dưỡng bịnh 7 ngày là chuyện bình thường. Chỉ cần một chầu nhậu là êm hết bạn ơi! Mánh nầy mình tái đi tái lại hoài trong năm. Chẳng ai thèm để ý làm gì.

  Cuộc sống ở Pleiku là thong thả vậy đó, nhưng chẳng mấy khi tâm trí mình bình thản đâu bạn. Bạn nghĩ coi, mỗi ngày đọc báo đều thấy chiến trường nơi đâu cũng sôi động, nhất là các vùng Quảng Nam, Huế, Quảng Trị. Nhà mình ở Đà Nẵng, sát một bên là Quảng Nam, bên kia là Huế, chỉ cách nhau con đèo Hải Vân, bảo làm sao mình yên lòng được? Chiến trường càng ngày càng sôi động, nỗi lo cho vợ con của mình càng ngày càng dâng cao, mình quyết định xin về phép để xem tình hình ra sao.

  Không chần chừ gì nữa, sau khi về trình sổ khám bịnh lên đơn vị trưởng, kèm lời phê duyệt của y sĩ phòng khám Quân Y Viện Pleiku, liền đó mình xin giấy phép để về quê. Lúc bấy giờ, mọi phương tiện di chuyển bằng đường bộ không ổn, mình bèn mua vé máy bay Air Việt Nam để đi.

  Khu bán vé phi trường Pleiku lúc bấy giờ chật kín người, trên nét mặt mỗi người đều để lộ một cử chỉ vội vã khác thường. Mình cảm giác như có một điềm gì đó không hay được báo trước. Mình nhận vé máy bay xong, vội ra ngồi tại khu chờ, đợi đến giờ lên máy bay. Lòng thấy chẳng yên tí nào.

                          ~oo0oo~

  Mình đang lơ lửng trên không trung được một hồi lâu thì bỗng cảm giác như người bị mất thăng bằng, máy bay chao đảo dữ dội. Mọi hành khách nhìn nhau hớt hải, chẳng biết điều gì đang xảy ra. Chừng một phút sau, máy bay bình thường trở lại. Tin rò rỉ từ buồng lái phi công qua các tiếp viên, mình được biết, máy bay định hạ cánh xuống phi trường Buôn Mê Thuột để lấy khách, nhưng phía dưới đang đánh nhau nên máy bay không hạ được, máy bay lượn vài vòng rồi bay đi luôn. Thì ra tình trạng máy bay bị chao đảo là do vậy.

                             ( còn tiếp )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

CHO HỎI KARAOKE - CÓ LỜI

Saturday, February 12, 2022

BÀI THÁNG GIÊNG


 


BÀI THÁNG GIÊNG

 

Thế là mimosa đã nở

Đà Lạt đậm sắc xuân

Tôi ngồi đây ngắm cảnh

Cảnh mới với đoạn trường

 

Con đường mòn tôi đi

Thuở thanh xuân hiu hắt

Bước chân nghe què quặt

Rụng từng nhịp thời gian

 

Bỗng nhiên lòng ngỡ ngàng

Cái cuối đời là thế?

Chẳng có gì có thể

Xoay nhịp đập con tim

 

Tất cả những lụy phiền

Dồn hết về một chỗ

Để chờ ngày khởi mộ

Lặng lẽ đến không ngờ

TUYỀN LINH

2022


VỌNG TRI ÂM Lệ Tuyền - YouTube

Thursday, February 3, 2022

MIMOSA ĐÀ LẠT


MIMOSA ĐÀ LẠT

Ẩn trong giá rét mùa đông
Em về tô điểm giữa lòng phố hoa
Hỡi em yêu, Mimosa !
Phố phường vàng óng đậm đà tháng giêng (*)

Se se chút lạnh vừa len
Êm êm hương ngát tràn lên núi đồi
Ấp e em nở nụ cười
Dưới trời Đà Lạt rạng ngời tình xuân

Như xa mà lại thật gần
Mới trông lạ lẫm hóa thân thuở nào
Hồn ta năm cũ xanh xao
Bỗng dưng em đến ngọt ngào nõn tơ
Vút bay trong cõi trời thơ
Vàng tươi sắc nắng trên bờ môi thơm
Vui nào, chẳng thể vui hơn
Trăm con chim mộng đến vờn hồn ta
Núi đồi đầy ắp cỏ hoa
Ong bay bướm lượn lân la giao tình
Bình minh chợt rạng rỡ thêm
Nghe như con nắng đắm tình Mimosa

Cám ơn em, một sắc hoa
Đã làm xao động hồn ta bao mùa
Cám ơn ngọn gió hương lùa
Ngát thơm Đà Lạt suốt mùa xuân tươi

TUYỀN LINH

 (*) Hoa Mimosa Đà Lạt chớm nở vào đông nhưng rộ nhất vào tháng giêng. Đặc biệt luôn khoe sắc suốt cả mùa Xuân