Friday, April 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 5


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 5

03.2.2021 -  Bạn có đó chứ! Bạn biết không, hôm qua mình kể cho bạn nghe tới đó thì mình cảm thấy toàn thân lạnh hết như muốn bịnh nên mình ngừng lại. Mình xin lỗi bạn nhé!

 Hôm nay mình tiếp tục kể cho bạn nghe đây. Bạn biết đó, sau khi gặp lại được bốn cháu, cả cha con ngồi yên một chỗ trên xà lang để nghỉ mệt. Mình dự tính ngồi thở một hai phút để định thần rồi tiếp tục đi tìm mẹ chúng và hai đứa nữa. Trong khi ngồi thừ người và suy nghĩ cách nào để đi tìm cho hiệu quả. Mặt bằng xà lang thì rộng, lại nhiều người nằm ngồi ngổn ngang. Lúc bấy giờ mình vô tình nhìn qua phía bên tay mặt, cạnh mép xà lang thì thấy một chiếc tàu thủy rất lớn neo đậu tại đó tự bao giờ. Tàu Mỹ, mình nghĩ như vậy vì thấy cột cờ treo lá cờ Mỹ. Rồi tiếp đó, cả một đoàn người ùn ùn thi nhau chạy đến chỗ tàu neo đậu và tranh giành nhau leo lên thang dây của tàu. Lại tranh giành, cảnh tranh giành lại tiếp diễn như cảnh giành nhau xuống ca nô sáng hôm qua để ra được xà lang ngoài khơi. Mình nhìn mà ngao ngán quá. Ý thức sinh tồn nghe chừng rệu rã trong tâm trí mình. Mình nghĩ, với cảnh tượng xô bồ như thế nầy thì rất khó tìm ra vợ mình và hai đứa nhỏ. Mình đang ngồi thừ người ra thì bỗng có một anh chàng người Mỹ, có thể là thủy thủ trên tàu, đến hối thúc mình: “ Sao còn ngồi đây? Mau lên tàu..!” Mình không buồn trả lời. Mình chỉ nhìn anh ta với thái độ gật đầu cám ơn, đồng thời đưa tay chỉ xuống bốn đứa nhỏ. Anh ta hiểu ngay và đứng khựng người suy nghĩ, rồi anh ta vội bỏ đi và không quên bảo mình - đợi đó! Thú thật với bạn, ngay thời  khắc lúc bấy giờ trong đầu mình hoàn toàn không nghĩ đến chuyện lên tàu để đi di tản. Lý do rất đơn giản: Thứ nhất, làm sao mình có thể bỏ đi được khi chưa gặp lại bà xã và hai đứa nhỏ? Thứ hai, với bốn đứa nhỏ lùm đùm như thế kia, cách gì để lên được chiếc tàu to lớn bằng phương tiện leo thang dây? Thứ ba, mình không có hướng đến. Vô vọng…! Hướng của mình là trụ lại nhà. Dù thời thế ra sao, dù chết sống thế nào, với mình, ở lại nhà vẫn hơn. Nếu có chết thì cùng chết chung, vẫn hạnh phúc. Ra đi trong lúc đạn lạc bom rơi như thế kia, chắc chắn sẽ gặp cảnh đau lòng. Cũng vì quan điểm nầy mà mình đã cãi vã với bà xã rất nhiều trước khi đi. Mình nhất quyết không chịu đi cho đến khi gặp hoàn cảnh bức bách chẳng đặng đừng nên mình đành phải đu theo xe ra bãi biển Tiên Sa. Là thế đó!

 Bấy giờ thì mọi sự đã rồi, mình vẫn chịu đựng ngồi đấy, chưa biết phải tính sao? Đang rối rắm trong đầu thì bỗng mình nhìn thấy một người mặc đồ lính đang vác một đứa bé trai, mình mẩy thằng bé trần truồng, đang hì hục leo thang dây lên tàu. Mình hoảng hồn, ô…! Sao giống thằng Linh quá! Đúng nó rồi, thằng Linh! Mình không tin vào mắt mình nữa.

 Mặt trời lúc bấy giờ nhô lên khá cao, vẫn đám người ùn ùn xô đẩy nhau chạy đến thang dây để cố leo lên tàu. Lớp nầy đến lớp khác, kẻ leo lên được, người rớt xuống biển, cứ thế…không ai nhường ai. Mình ngồi bất động nghĩ hoài về trường hợp thằng Linh, con trai thứ của mình. Ai đã vác nó lên tàu? Mà vác trong trường hợp nào? Người quen hay người lạ?

 Khí hậu trên xà lang lúc bấy giờ hơi nóng, mặc dù có gió biển thổi liên hồi. Mình đứng nhanh lên để thay đổi chỗ ngồi đặng án ngữ bớt ánh mặt trời đang rọi vào các cháu. Mình chưa kịp ngồi xuống thì bỗng có một anh lính đến vỗ vai mình và hỏi nhỏ:” Xin lỗi, hình như anh có một đứa con gái chừng 10 tuổi, mặc quần tây xanh, áo trắng? “. Đúng rồi, mình trả lời. Anh lính nói tiếp:” cháu đang ở trên tàu, anh theo tôi ngay bây giờ.” Mình quýnh quáng không biết phải tính sao…? Anh lính nhìn xuống bốn cháu đang nằm dưới chân mình và hiểu ý. Tức tốc anh chạy đến đám đông chỗ thang dây và nhờ họ giúp đỡ. Rồi thì có mấy chú thanh niên chạy đến, cùng lúc anh thủy thủ Mỹ cũng có mặt kịp thời. Thế là cha con mình được đưa lên tàu an toàn. Có một điều ngẫu nhiên trùng hợp, đó là hai lần miễn cưỡng đi trong hoàn cảnh bức bách, và cuối cùng là chẳng đặng đừng. Mình thấy rất kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn là cha con mình gặp nhau trong những tình huống thật bất ngờ, như có một sự sắp đặt vô hình nào đó mà mình không thể biết được. Vâng, mình nghĩ có đấy! Mình tin có.

 Mình và sáu cháu đoàn tụ được trên tàu là một phép mầu. Tuy thế, lòng mình vẫn vô cùng xót xa. Mình không giấu gì bạn, khi mình ẵm cháu bé út vội vã theo chân những người giúp đỡ mình để lên tàu, giữa đường, khi băng qua đám người nằm ngổn ngang dở sống dở chết; mình hơi khựng lại khi nhìn thấy một người đàn bà, mặt mũi lấm lem, giống bà xã mình quá. Nhưng không kịp nữa rồi, đám thanh niên bốc vác những đứa con mình đi hơi xa, mình buộc phải đuổi theo thôi, không thì nguy to. Mình không thể diễn tả được nỗi buồn của mình lúc bấy giờ. Buồn lắm bạn ơi, rất buồn…!

 Cha con mình cùng một số người di tản được bố trí tạm nghỉ trong một hầm tàu rộng, có cửa sổ bằng kính tròn, có thể nhìn được xuống mặt biển và lang cang tàu. Mặt trời hạ thấp, chiều xuống chầm chậm, nước biển trở nên đậm màu hơn. Thỉnh thoảng mình nghe một vài tiếng súng nổ đơn lẻ phía ngoài lang cang và trên boong tàu, xa chổ cha con mình ngồi, mình cũng an tâm. Vài người lính thủy thủ Mỹ thường đi lên xuống chỗ chân cầu thang dẫn lên buồng lái. Người nào cũng biểu lộ nét mặt  lạnh lùng, có một chút gì đó quan sát. Mình nghĩ, quan sát cũng phải, vì chắc chắn họ đã nắm được thông tin cuớp bóc nhiễu nhương trên xà lang chiều và tối đêm vừa qua. Mà mình không hiểu sao, mình cũng thấy một số người lính Việt Nam mặc quân phục rằn ri, loại quân phục thủy quân lục chiến lảng vảng ở ngoài lang cang tàu, thấy mà phát khiếp. Mình không biết thành phần nầy là ai, ở đâu? Nhưng chắc chắn phải là người trên xà lang tối qua. Vì còn đâu vô đây nữa! Mình cố xua tan đi những ám ảnh trong đầu nhưng không tài nào xóa được. Mình hoang mang quá! Tại sao lại có cảnh vàng thau lẫn lộn trong thời điểm lúc bấy giờ? Thời điểm rất cần đến lòng từ tâm, nhân ái hơn bao giờ hết. Mình cố định thần lại và quay qua nhìn mấy đứa nhỏ đang ngủ, thấy mà thương. Mình mừng vì thấy chúng đã khỏe dần lên. Mình ngã lưng một chút lên sàn tàu nhưng không tài nào chợp mắt được. Lòng mình ngổn ngang trăm nỗi, nhớ lại hình ảnh người đàn bà nằm chết trên xà lang mà quặn đau từng khúc ruột. Có thể là vợ mình, có thể là không. Nhưng dù phải dù không thì vẫn xót xa…!

 Màn đêm phủ hẳn xuống, ngoài trời vẫn lờ mờ ánh trăng, đêm 17 tháng 2 âm lịch năm Ất Mão thật buồn vô tận. Xuyên qua cửa sổ kính của hầm tàu, mình thấy sóng biển nhồi cao, gió rít dữ dội. Hình như có mưa thì phải (?). Như vậy là hai đêm đều có mưa. Đêm 16 trên xà lang có mưa lớn, đêm 17 cũng mưa. Phải chi mưa làm trôi đi những khổ não trần ai mà con người đang gánh chịu thì phúc biết mấy! Mình đang miên man suy nghĩ, bỗng giật nẫy người vì một tiếng nổ lớn. Liền sau đó tiếng chân người chạy rầm rập trên sàn tàu, và tiếng la khóc ôi ối như xé màn đêm. Cùng lúc, con gái lớn mình cũng khóc, mình vội nhìn qua thì thấy cháu bị một vết rách bên cánh tay mặt, đang chảy máu. May sao cháu kịp thời băng bó nhờ một người tốt bụng nào đó khi chạy ngang qua trông thấy. Tất cả tình huống xảy ra rất nhanh, nhanh đến mức mình không tưởng tượng được. Thậm chí, con gái lớn mình bị dính mảnh đạn mà mình cũng không hay biết gì, đến khi nó khóc thét, mình mới hay. Mình ôm con gái vào lòng vỗ về, cùng lúc mình nhìn ra phía lang cang tàu, mình thấy nhiều người chạy qua chạy lại, mặt mày hớt hãi, trong số nầy, có cả những người thủy thủ Mỹ nữa. Mình nghe nhiều tiếng hô lớn, có VC… có VC… mọi người phải rời khỏi hầm tàu, không được mang theo đồ đạc để chúng tôi vào rà soát, kiểm tra. Trong tình hình như thế, lại nghe một mệnh lệnh như vậy, mọi người riu ríu nghe theo, lập tức rời khỏi chỗ mình nằm, ra ngoài lang cang cho yên, trong đó có cả mình và các cháu nhỏ. Bạn thấy không, tình hình lúc bấy giờ rất căng. Mình chẳng hiểu đầu đuôi mô tê như thế nào cả?

                  ( còn tiếp )

 

No comments:

Post a Comment