Thursday, April 28, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 7


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 7

09.2.2021 - Bạn thân ơi, liên tục mấy hôm nay bạn nghe mình kể những thăng trầm trong cuộc đời mình, bạn có ngao ngán lắm không? Chắc là thế giới của bạn không bao giờ có những cảnh ngộ như vậy? Mình chúc mừng bạn được sống trong một cảnh giới yên bình.

 Mình cũng nói để bạn mừng cho mình, khi cha con mình về tới Nữ Tu Viện Nha Trang, cha con mình được bố trí ở một phòng khá rộng rãi. Ngày ba bữa, cha con mình được một Phật tử làm công quả mang đồ ăn đến tận phòng. Hai cháu Giáng Vân và Giáng Châu được theo chị nó lên phòng y tế Tu Viện để chữa trị đều đặn mỗi ngày. Cứ đến tối, khoảng 7 giờ mỗi đêm, cháu Giáng Hương thường lên Sảnh Phật để đọc kinh niệm Phật cùng Ni Sư và các Ni Cô. Riêng mình thì ít khi gặp các Ni Cô và Ni Sư, chỉ có những trường hợp cần thiết để hỏi han về đời sống của cha con mình trong quá trình chạy loạn thì Ni Sư mới gặp thôi. Mình cảm thấy những ngày sống ở Nữ Tu Viện Nha Trang thật êm đềm an yên lạ thường.

 Cha con mình sống ở Nữ Tu Viện đâu được trên 10 ngày, hai cháu Giáng Vân và Giáng Châu đã được chữa trị khỏi bịnh, khỏe hẳn. Cha con mình chính thức chia tay Ni Sư và các Ni Cô ngày 10 tháng 4 năm 1975. Trong lúc chia tay, mình có nhận của Ni Sư Thích Nữ Huệ Hiền một số tiền nhỏ kèm theo lời như sau:

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Kính ông,

Chút mọn kính gởi ông để mua quà cho các cháu.

Ngưỡng nguyện Hồng Ân Chư Phật từ bi gia hộ gia đình ông sớm đoàn tụ.

Kính

Thích Nữ Huệ Hiền

+ Bút tích mình vẫn còn lưu giữ.

 

 Buổi chia tay cũng khá buồn, nhưng có một chút gì đó ấm lòng hạnh phúc đối với cha con mình. Thật là khó quên! Cha con mình được một Ni Cô trong Tu Viện đi theo dìu dắt hỗ trợ suốt một quãng đường khá dài từ Nha Trang về đến Đà Nẵng, phải vượt qua biết bao nhiêu tỉnh thành và đèo dốc. Như bạn biết đó, lúc bấy giờ phương tiện giao thông dân sự đâu có, qua lại trên quốc lộ chỉ toàn xe bộ đội; cho nên phái đoàn của mình phải đi bộ, đi ghe, quá giang xe bộ đội, lung tung, đủ loại phương tiện mới đến được Đà Nẵng. Bạn cứ tưởng tượng đi, một đoàn người gồm toàn những trẻ con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, đứa lớn nhất 11 tuổi, gồm cả 6 đứa, phải đi qua nhiều đèo dốc, sông ngòi thì nỗi cực khổ sẽ như thế nào? Không thể tả được! Những thước phim ấy còn hằn in trong đầu mình như một vết chém, rồi lại như một bàn tay xoa, vừa khổ đau vừa ngọt dịu không thể phai mờ được. Nó cứ chồng chéo, nghịch lý với nhau khó mà giải thích để tìm ra chân lý cuộc đời. Mà chân lý thì chỉ có một, không có hai?

 Mình còn nhớ lúc bấy giờ, những lúc giữa đường đêm xuống, phái đoàn mình phải xin tá túc qua đêm ở nhà dân. Đêm nằm nghe tiếng xe chạy rầm rầm ngoài quốc lộ, nhưng mình vẫn nằm ngủ ngon lành, vì mình biết chắc đó không phải là xe GMC của những ngày đầu chạy loạn tại Đà Nẵng. Mình không còn cảm giác run sợ  nữa. Mình cũng cần nói để bạn rõ về mình, mình đơn giản chỉ là một cây cỏ trong thiên nhiên đất trời không hơn không kém, sống vô tư và hồn nhiên. Cho nên đối với mình, thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể là lẽ sống. Có thể là mình sống như một bản năng sinh tồn. Mình sẽ thụt lại khi vô tình chạm phải tay vào nước sôi, mình sẽ thu mình như con nhím khi chạm phải một lực mạnh. Chắc bạn hiểu ý mình? Đơn giản chỉ có thế thôi. Mình chưa hề có ý niệm về ý thức hệ, cho nên bạn đừng hiểu lầm mình nhé!

 Phải thú thật, cũng nhờ khổ sở đủ điều suốt đoạn đường dài trèo đèo băng núi nên mình nếm trải được nhiều thứ. Như là cảm nhận được những giây phút thót tim khi ngồi trên ghe máy, bồng bềnh xiêu vẹo dọc suốt vách núi đá ven biển từ Quy Nhơn về Quang Ngãi. Chiếc ghe hơi nhỏ, mà chở số người quá nhiều. Mình thì ưu tiên ẵm bé út nên được ngồi trong khoang ghe cùng với vài cụ già. Dọc theo hai bên thành ghe và mui buồng lái, người ngồi đông kín. Ghe chạy sát chân núi đá nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, mỗi làn ghe nghiêng là thót tim. Bạn biết không, mặt thành ghe chỉ cách mặt nước biển chừng 2,5 tấc, mỗi lần ghe nghiêng là vô nước ào ào. May nhờ những người ngồi hai bên mạng ghe lẹ tay tác nước kịp thời. Lạy trời Phật, rồi cũng qua một quãng đường thủy dài ơi là dài.

 Về đến Quảng Ngãi trời vừa hừng sáng, phái đoàn mình lại lội bộ lai rai dọc theo quốc lộ để tìm phương tiện quá giang. Cũng may, nhờ có Ni Cô đi cùng nên mọi việc giao tiếp đều nhờ Ni Cô đảm nhiệm hết. Gần tới chỗ cây xăng, Ni Cô nhìn thấy đoàn xe bộ đội đang dừng ở đó. Mấy anh bộ đội còn đứng dưới lề đường cạnh chỗ xe dừng. Ni Cô tiến đến gần và chuyện trò với mấy anh bộ đội. Không biết trao đổi chuyện gì mà mình thấy mọi người chỉ chỏ hướng về phía mình và các cháu. Một lát, anh bộ đội trao cho Ni Cô 2 ruột tượng gạo. Ni Cô ngoắc tụi mình lại gần đoàn xe, giao 2 ruột tượng gạo cho mình, bảo là anh bộ đội biếu các cháu. Mình cảm động, không biết nói sao, chỉ nhìn và cám ơn ngắn gọn! Thế là phái đoàn của mình lại được quá giang xe bộ đội lần thứ hai kể từ khi rời Nha Trang.

                      ~~oo0oo~~

 Xe dừng lại tại Ngã Ba Huế, cha con mình xuống xe, còn NiCô thì chia tay cha con mình và tiếp tục đi ra Huế. Mình thấy NiCô khóc, mình cũng khóc. Cuộc chia tay không ai muốn. Thật buồn!

 Mình về đến nhà vừa đúng 12 giờ ngày 16 tháng 4 năm 1975, lúc bấy giờ, nhà chỉ có bà chị thứ ba của mình. Mình nhờ chị ấy coi nhà giùm từ ngày vợ chồng mình và các con chạy ra bãi biển Tiên Sa. Một nỗi buồn quá lớn từ khi mình bước chân vào nhà. Tinh thần mình gần như sụp đổ nếu không có các con bên cạnh. Cuộc sinh ly của mình bi thảm quá, quá bi thảm…!

 Sáng hôm sau, bà chị thứ Năm từ bên phố chợ Hàn dọn qua ở hẳn với cha con mình, mình cũng đỡ lẻ loi đôi chút. Bạn biết không, mình mất mẹ từ năm lên 5 tuổi, cha mình ở thế để nuôi dưỡng 7 chị em mình ( Chị Hai, chị Ba, chị Bốn, chị Năm, chị Sáu, chị Bảy và mình thứ Chín, còn anh thứ Tám chết ). Cha mình làm nghề thợ may mui nệm xe hơi, ngoài ra ông còn khéo tay nên làm được nhiều việc khác nữa để kiếm sống nuôi con. Cha mình rất quý yêu mình và ngược lại, mình cũng vậy. Sau khi cha mình mất, chị Năm là người đại diện mấy chi khác đứng ra nuôi nấng mình ăn học. Mặc dù các chị khác cũng chung tay đóng góp nuôi mình, nhưng chị Năm là chính. Mình xem chị Năm như một bà mẹ. Trước 1975, sau khi mình lập gia đình, chị Năm ở suốt với vợ chồng mình mặc dù chị cũng có con gái ở bên đường Đồng Khánh Đà Nẵng.

                    ~~oo0oo~~

  Hôm nay ngồi nhà buồn quá bởi lệnh giãn cách do dịch Covid-19, lại muốn kể tiếp câu chuyện của mình cho bạn nghe đây. Tính ra từ khi rời Nữ Tu Viện Nha Trang về nhà cũng gần một tuần đi đường. Sau khi ổn định tinh thần để tiếp tục cuộc sống, mình quyết định lên núi Sơn Trà làm nghề tiều phu bất đắc dĩ. Sở dĩ mình quyết định như vậy vì 2 lý do:

1/. Mình muốn giết thời gian trong thời điểm đó.

2/. Nhà hết sạch tiền, không còn một xu dính túi. Mình lên núi chặt củi đem qua phố đổi gạo để sống qua ngày.

Lý do nào cũng quan trọng cả, tại sao lại không làm?

Dân ở quanh khu phố mình, họ rủ nhau đi ào ào…Mình thấy cũng đỡ tủi, đỡ lẻ loi. Lúc bấy giờ, sau khi bàn bạc với chị Năm, mình tiến hành công việc ngay. Mình chuẩn bị mùng, túi ngủ, chén nhựa, một cây rựa bén, rồi đăng ký nhà ghe. Đúng 4 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1975, mình ra bến đò An Hải chờ đón ghe để đi lên núi Sơn Trà.

Như thế là mình đã bắt đầu lại một cuộc sống mới kể từ lúc bấy giờ.

                     ( còn tiếp )

 


No comments:

Post a Comment