TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT
Tuyền Linh
TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông
Phần 18
02.4.2021 - Bạn ơi, kể ra mình cũng
tệ, lâu rồi chưa ghé thăm bác Tám Tham. Hôm ấy nhân ngày chủ nhật 23/5/1976
mình ghé bác để tin cho bác biết những tín hiệu lạc quan về đời sống của cha
con mình trong những ngày qua, nhất là chuyện vừa đi lãnh thùng hàng từ Sài Gòn
về. Người ta thường bảo, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Vâng, rõ ràng là
như vậy. Nói để bạn biết, khi đặt chân xuống đất Sài Gòn, bất cứ việc gì cũng
phải học khôn cả. Từ chuyện xếp hàng để chờ ghi tên lãnh phiếu, đến việc tiếp
xúc nhân viên phát hàng, cả việc nghe ngóng để biết những khôn dại trong khâu xử
thế với nhân viên phát hàng. Nói chung, cái gì cũng phải học cả. Bởi lẽ, chỗ
nào có “miếng ăn” là chỗ đó luôn đẻ ra muôn ngàn thứ lừa lọc khó lường. Như bạn
đã thấy rồi đó, ngay cả khi con người chết
đi thì sau đó xã hội sẽ đẻ ra ngay một đám khóc mướn, khóc thảm còn hơn cha mẹ
họ chết kìa. Như thế thì trên đời nầy, ngay trong hành tinh mình đang sống đây,
luôn phải đề phòng những bất trắc có thể xảy ra cho bất cứ ai đang sống lương
thiện. Nói như thế không có nghĩa là xúi bạn nên sống quỷ quái mà bạn phải thấy
được những quỷ quái của những kẻ bất lương để tránh né. Chuyện thật thật giả giả
là chuyện thường tình trong cái xã hội mình đang sống. Mình không dám nói đạo đức
suy đồi, nhưng những cảnh tình hiện thực mình thấy là có. Những hình ảnh đóng kịch
của mình với chiếc giỏ xách rách rưới khi vào nhà nghỉ trọ, có một chút cảm
giác làm mình xấu hổ như mình chính là người láo lếu. Nhưng biết sao bây giờ? Gặp
thời thế, thế thời phải thế. Mong bạn thông cảm !
~~oo0oo~~
Chào bác, hôm nay bác dậy sớm thế!
Thơ đó hả?
Dạ con từ Sài Gòn mới về.
Bác Tám
Tham đang ngồi uống nước trà trong phòng khách, Bác chỉ tay vào ghế mời mình ngồi.
Mình không
đợi bác cất thêm lời, mình kể một hơi về chuyện đi Sài Gòn lãnh thùng hàng cho
bác nghe. Bác khen mình còn trẻ mà cẩn thận và chu đáo là đức tính tốt. Có một
điều đặc biệt, suốt hơn 50 phút chuyện trò với bác, bác không hề hỏi mình nhận
được những gì bà ngoại các cháu gởi về cho. Tính bác tự trọng nên không thích
tò mò những điều có phần nhạy cảm. Mình thấy bác có những đức tính gần giống
như cha mình. Cha mình suốt một đời lặn lội vì con, tất cả vì con, cho con. Chẳng
may, mẹ mình mất sớm, khi ấy mình mới 5 tuổi, lại gặp thời loạn lạc chiến tranh
năm 40 – 45, muôn dân đều đói khổ. Với cảnh gà trống nuôi con, cha mình một tay
gồng gánh thật là tội nghiệp. Nhờ bẩm sinh cha mình là người khéo tay nên cha
mình làm đủ nghề để kiếm sống nuôi con. Rồi mọi gian nan cũng qua, cha con mình
vẫn sống hạnh phúc. Cha mình mất năm ông 63 tuổi. Có một điều mình tiếc là nếu
như thời buổi mình đang sống đây thì chắc chắn cha mình không chết. Hình như
lúc ấy ông chỉ bị chứng bịnh sệ ruột, thế mà cũng phải bó tay. Nếu như trình độ
y khoa phát triển như bây giờ thì bịnh nầy chữa trị dễ ợt. Mình xem như cha mình
bị chết oan. Tiếc nhớ quá…!
Cũng đã gần
9h00 rồi, mình xin phép bác Tám để về hầu lo bề bộn công việc ở nhà nữa.
~~oo0oo~~
Mình đi Sài Gòn tính ra cũng đã gần cả tuần rồi,
việc gì thì còn kéo lê được nhưng việc nhà nông mà chậm vài ngày thì thất bại một
vụ. Mình biết thế nhưng thân một mình, biết sao bây giờ? Sào ruộng lúa nước thì
tạm yên tâm, chỉ tạm thôi chứ cũng lo cỏ dại và chuột bọ, nhưng mấy ngày nay trời
khô hạn nắng gắt, mình lo nhất là sào khoai lang tím mới xuống giống. Nghĩ thế
nên mình ba chân bốn cẳng chạy vội xuống rẫy khoai lang xem sao? Ô, rất may là
chưa sao. Tối qua nghe thím Phụng nói, trong những ngày mình đi Sài Gòn, ở đây
cũng có mưa lai rai. Chắc nhờ vậy nên mình thấy đọt lang vẫn nảy lá non tốt. Hú
hồn, mừng ghê…! Chưa kịp ăn trái bắp luột mang theo, mình liền gánh nước tưới
sương qua các vồng lang cho đỡ hốc. Mình phải mất hết cả buổi sáng mới tưới đẫm
hết sào lang. Rất mệt, nhưng vui. Cả 7 cái miệng chỉ trông chờ vào sào lang và
sào lúa nước thì có mệt cũng phải vui. Thôi thì mình cứ hiểu theo cái nghĩa đen
thui của câu thành ngữ:” Có thực mới vực được đạo” bạn nhé! Như thế cho yên cái
cảnh gà trống nuôi con?
Trưa hôm đó mới là một buổi trưa mình ăn cơm
ngon miệng nhất dù là cơm ghế lát mì khô. Hay nói một cách văn chương nông dân
kiểu tụi mình lúc bấy giờ là cơm “ mì cõng gạo “. Thật vậy, hình ảnh lát mì khô
cõng vài hột cơm trong nồi, mình không bao giờ quên. Nhưng không sao, điều quan
trọng đối với mình là sống sao cho đúng với nghĩa sống. Con người sinh ra không
phải để ăn, cái chính là để sống. Nghĩ đến việc nầy, ngay tức thì nhiều vấn đề
chao đảo trong đầu mình. Sống vì cái gì? Ý thức, hạnh phúc, đạo đức, thiện và
ác, ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Mình hơi bâng khuâng lúc bấy giờ, nhưng rồi
cũng định thần lại được nhờ nghĩ đến 6 đứa nhỏ.
Sau khi ăn cơm trưa xong, mình mở thùng hàng
ra để kiểm lại mọi thứ, xem những món nào có thể đem lên chợ chào hàng chiều
nay và tiện thể xem giá cả mua bán ra sao. Mình định nằm nghỉ một chút cho đỡ mệt
vì cả buổi sáng phải gánh nước tưới các vồng lang đau vai quá, nhưng không hiểu
sao trong lòng cứ nôn nao khó tả. Rồi mình dặn dò các cháu những việc nhà cần
thiết, nhất là việc phơi lúa sao cho chu đáo. Mình mặc quần áo chỉnh tề và đem
theo một túi xách những mặt hàng mẫu của bà ngoại các cháu gởi về để lên chợ dạo
giá.
Chợ Lạc Nghiệp chiều nay đông quá, đã 3h00 chiều
rồi mà vẫn còn đông. Thường thì các hàng hóa rau tươi tập trung lên chợ vào buổi
sáng, sao hôm nay các nông sản ở các thôn lại tập kết vào buổi chiểu? Cũng lạ
thật!
Mình vào chợ và đi thẳng vào các cửa hàng quen
để hỏi giá bán. Các cửa hàng nầy mình cũng đã vài lần trao đổi với họ rồi nên
mình tin họ. Sau khi dọ giá xong, thấy vừa ý, mình bán hết những hàng mẫu trong
túi xách và gởi tạm túi xách trong một cửa hàng quen. Mình thấy thời gian cũng
còn sớm, mình tạc qua nhà anh Bạc gần đó để thăm hai vợ chồng, tiện thể thăm cô
Lan luôn. Không biết những trạng thái nôn nao khi còn ở nhà có phải là chuyện
thăm viếng nầy không, mà nếu phải thì tại sao là vậy? Gần đây, có lắm chuyện,
mình cũng không hiểu được mình. Như chuyện không thiết tha lắm cho con đi học mặc
dù không nhiều thì ít, cũng có đôi lần mình lầm tưởng mình là kẻ sĩ. Đầu óc
mình luôn xáo trộn bởi những điều nghịch lý. Mình bị xô đẩy, níu kéo, giằng co
liên hồi giống tựa hình thù một con lật đật. Hôm ấy mình đến thăm cô Lan cũng
đang mang trạng thái đó. Cái trạng thái nắm lấy thì lo, bỏ đi thì tiếc. Nhưng
có một điều mà cần phải nói trắng ra với bạn tại đây, đó là tâm hồn mình vẫn
đang trống rỗng. Vâng, trống rỗng! Có chăng là những ngổn ngang đặc quánh của
lý trí, mà tệ hơn là lý trí bản năng. Thứ lý trí mà những người ham viết lách
như mình rất ghét, nếu không muốn nói là tởm. Lúc bấy giờ mình châm chế cho
mình bằng những ý nghĩ “ sự đời đưa đẩy “ như một lời thứ lỗi thô bỉ nhất chưa
từng nghe. Mà mình vẫn nhận lời thứ lỗi ấy. Thế mới lạ chứ! Rồi cứ tuần tự theo
lời thứ lỗi ấy, mình tìm gặp cô Cao Thị Lan sau khi chuyện trò xong với vợ chồng
anh Bạc. Thú thật với bạn, mình nói đến thăm vợ chồng anh Bạc rồi tiện thể thăm
cô Lan, nhưng thực ra trong ý nghĩ đen tối hiện hữu, cô Lan mới là cái đích
chính mình tìm đến. Mình cũng không biết mình đã đánh lừa mình từ khi nào. Có một
điều tệ hại là lúc bấy giờ, mình không biết mình bị đánh lừa nên mình nhập cuộc
một cách rất hứng khởi. Hứng khởi đến nỗi mình không quên một lời đường mật nào
đã in sẵn trong sách vở của những chàng sở khanh đáng ghét đáng khinh. Mình đến
trò chuyện với cô Lan lần này là lần thứ 6 kể từ khi quen biết với anh Bạc, cho
nên mình rành rọt cuộc sống và nắm vững tâm lý cô ấy. Bởi vậy, lần nầy mình tấn
công vào đường tình cảm cô ấy như một thủ thuật binh pháp Tôn Tử, biết ta biết
người trăm trận trăm thắng. Nhưng bạn ơi, thắng mà buồn, vì mình đâu có thắng
được mình. Chẳng qua, mình thắng cô Lan để những đứa con mình có được một tổ ấm
đúng nghĩa. Thế thôi!
( còn tiếp )