Thursday, July 14, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 12


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 12

25.2.2021 - Kể tiếp bạn nghe, bạn biết không, tính ra là mình đã ngủ được 3 đêm tại nhà mới thôn Phú Thuận và 4 ngày lao động nhỏ lớn tại đất nầy lúc bấy giờ. Sáng hôm sau, mình quan sát kỹ cảnh vật chung quanh nhà và công việc đã làm vừa qua, mình vẫn thấy còn một ít thiếu sót, tạm gọi là chưa hoàn chỉnh. Chẳng hạn như nhà vệ sinh chưa có nắp đậy lổ đi đại tiện, chưa có thuốc diệt khuẩn để rắc xuống hầm cầu. Mình đã nghĩ ra cách chế biến thuốc diệt khuẩn, nhưng vì cách nầy phải chờ bếp lửa thật nhiều tro mới có cái để xử dụng. Tạm thời, mình phải lên phố mua một ít vôi bột về rắc tạm. Về vấn đề củi đốt, cũng may anh Uẩn còn để lại một ít nên cũng đủ để dùng tạm qua ngày. Tuy vậy, mình cũng phải tranh thủ ngay hôm sau lên đồi nhỏ sau nhà chặt một ít củi cây tươi về chẻ phơi để kịp khô đặng ngày sau có củi xử dụng. Bạn ơi, khi nào bạn mua nhà mới thì bạn mới thấy, đụng tới đâu cũng thấy thiếu, thấy cần. Hihi…ai nghe mình nói chuyện với bạn chắc họ tưởng mình giàu lắm, oai lắm. Nghe về nhà mới mua, tưởng đâu là nhà lầu xây hay ít nhất cũng nhà xây cấp bốn khang trang thoáng rộng nhiều phòng. Họ đâu biết được nhà mình thuộc loại nhà gỗ xiêu vẹo, chỉ một gian chính giữa vừa thờ vừa đặt giường cho cha con nghỉ đêm. Phía sau vách là chái bếp và là chỗ chất củi đốt. Chỉ chừng đó thôi cũng được rồi. Biết chừng nào là đủ, chừng nào là thiếu? Cái thiếu nhất của mình lúc bấy giờ là thiếu mẹ các cháu. Thế thôi!

                       ~~oo0oo~~

 Mình lên trên phố về, mua được một ít vôi bột, một cục xà phòng đá để rửa chén. Mình cũng ghé qua nhà bác Tám Tham chặt một ít cây chà về bó chổi quét nhà. Sau vườn nhà bác Tám nhiều cây nầy lắm. Theo mình thấy, dùng cây nầy cũng tiện lợi, không phải bỏ tiền ra mua mà cũng khá được việc. Dĩ nhiên loại chổi chà tước bằng cọng dừa thường bán ngoài chợ cứng cáp hơn nhưng phải bỏ tiền ra mua. Vậy theo bạn, cái nào tiện hơn trong hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ? Hihi…!  Gần 3 giờ chiều hôm đó, mình ra sau đồi kiếm một ít củi đem về chẻ phơi cho kịp nắng. Trên đồi mình thấy cây dẻ con nhiều lắm, củi dẻ phơi mau khô, lại đượm lửa, rất tốt.

 Mình lội trên đồi chưa đầy một giờ, vác về được một bó củi dẻ, mình đoạn ra từng khúc một, mỗi khúc chừng 6 tấc rồi chẻ nhỏ trải ra phơi. Cách sau nhà  mình khoảng 20 mét, có một con lạch nhỏ, nước bắt nguồn từ suối thác Thiên Thai gần nhà mình chảy ra rồi đi về đâu mình cũng chưa được rõ. Mình mới tới thôn Phú Thuận có 3 ngày nên cũng chưa tìm hiểu kỹ địa phận quanh đây, nhất là về mặt địa lý. Mình thấy bà con quanh xóm thường ra con lạch lấy nước về dùng trong việc nấu nướng, mình cũng bắt chước làm theo. Mình đổ đầy nước vào một cái thạp lớn, thạp của bác Tám Tham cho mượn khi vừa mới dọn nhà. Bà con quanh nhà mình cũng tử tế lắm, họ thấy nhà mình thiếu thứ gì cũng san sẻ, giúp đỡ. Dân ở thôn Phú Thuận  đa phần sống bằng nghề nông, làm rẫy, làm ruộng, nhất là nhà nào cũng có một vườn hồng ăn trái. Tuy nhiên, họ còn làm nhiều nghề tay trái khác như đi đốt than, bẻ măng, săn thú. Thậm chí, ở gần nhà mình có anh Mươi Phước, ngoài nghề nông, anh cũng thường hay khai thác cát nơi suối Thiên Thai để bán cho thợ xây dựng. Nói chung, họ làm rất nhiều nghề kể luôn cả nghề bưng bê bán nông sản dạo dưới đèo Ngoạn Mục của cánh đàn bà con gái Phú Thuận. Nhờ đa ngành nghề như thế nên kinh tế địa phương có phần thong thả, dễ thở. Nay mai chắc mình cũng được thở lây.

                    ~~oo0oo~~

 Một hôm đi trên đường nhựa nhìn xuống, thấy lúa đã chín vàng quá rồi, mình qua hỏi thăm anh Mươi Phước cách thức thuê thợ gặt lúa như thế nào? Cả đời, mình có rành việc nầy bao giờ đâu! Mà lúc bấy giờ chắc anh ấy lên rẫy rồi, hình như thím Phụng có nhà, vậy hỏi thím Phụng cũng được, nhà thím Phụng cạnh sát nhà mình, tiện hơn.

 Thím chưa đi làm? – mình hỏi vọng qua. Thím trả lời:” Chưa cậu, còn bận xắt một ít chuối cho heo ăn, chút nữa tôi mới đi”. Mình vội chạy qua nhà thím bắt chuyện ngay, mình hỏi chung chung về việc thuê người gặt, đập lúa thì thím cho biết, ở đây không có chuyện thuê mướn gì cả, chỉ làm dồn công với nhau thôi. Có nghĩa là nhà mình có việc gì phải làm bao nhiêu ngày, thì mượn anh chị em trong xóm đến lao động giúp mình bấy nhiêu ngày, mai mốt nhà họ có việc thì mình đến làm trả công tương xứng số ngày họ đã làm cho mình, vậy thôi. Không đợi mình thắc mắc, thím nói tiếp:” Cậu qua bên nhà con hai Giỏi, con bác Tám Giỏi, nó chuyên phụ trách kêu lao động làm giùm việc nầy”. Vâng, cám ơn thím – mình trả lời. Mình vội chào thím Phụng và chạy liền qua nhà chị hai Giỏi, chị cũng đang xắt chuối, thấy mình, chị ngừng tay. Không đợi chị hỏi, mình vào đề ngay:” Không giấu gì chị, sào lúa em mua của anh Uẩn nay đã chín vàng, nhờ chị giúp kêu giùm một số người làm dồn công, nghe thím Phụng giới thiệu thế?”. Chị Giỏi bỏ dao xắt chuối xuống, suy nghĩ và nói:” Chà, không biết tính sao đây. Cậu là người mới quá, không biết họ có chịu giúp không? Chừng chiều tối, tôi sẽ cho cậu biết. Dĩ nhiên là tôi sẽ cố gắng thuyết phục họ” Dạ, mọi sự nhờ chị - Mình cám ơn chị rồi chào chị ra về.

 Bạn à, chị Giỏi suy nghĩ về chuyện xin làm dồn công của mình cũng đúng thôi, vì mình là dân lạ mới tới, tướng tá lại có vẻ thư sinh, không biết có đủ sức khỏe để trả công lại cho người ta hay không? Hơn nữa, theo như lệ thường ở thôn nầy, người mới tới nhập cư phải làm công cho người ta trước đã, rồi sau đó mới được trả công lại. Tuy nhiên, trường hợp của mình hơi đặc biệt, lúa đã chín đến nơi nên mình hy vọng sẽ được bà con thương, giúp giùm.

Mình đang ngồi dưới bếp phụ con bé chụm lửa nấu nồi cơm chiều, củi mới chặt về, phơi chưa được khô lắm nên con bé đun bếp bị khói tỏa quá chừng, làm mình phải một phen hú vía. Đang cong lưng thổi lửa thì nghe bé gái con chị Giỏi kêu ôi ối, mình ngẩng mặt lên thì cũng vừa lúc nó chạy đến bên, vừa nói vừa thở hổn hển. Nó bảo:” được rồi” Nó nói bỏ đầu bỏ đuôi làm mình chẳng hiểu gì cả. Mình hỏi lại nó rất nhiều lần thì mới hiểu được ra sự việc. Vậy là mình đã được bà con giúp gặt lúa giùm. Ngày mốt, 7 giờ sáng sẽ bắt tay vào việc, số lao động gồm 4 nữ 1 nam, không kể mình. Mình phải chuẩn bị cho họ hai bữa ăn nửa buổi, không cần cầu kỳ, đơn giản thôi, như là khoai lang khoai mì cũng tốt, có cả nước uống nữa. Để chắc ăn, một chút, khi nồi cơm đã chín, mình sẽ qua hỏi lại chị Giỏi lần nữa để chị ấy xác định đặng cho mình yên tâm.

                         ~~oo0oo~~

 Hôm ấy là ngày 06 tháng 4 năm 1976, ngày ghi dấu chính thức mình là một nông dân chính hiệu, là ông chủ của một  sào ruộng lúa nước, chủ một sào rẫy khoai mì, chủ một căn nhà gỗ, chính chủ. Thấy oai không bạn? Thêm nữa, mình còn oai hơn vì được đứng chỉ tay năm ngón, nhìn các anh chị em gặt lúa giùm để mình học việc. Thật là thú vị. Nói vui với bạn thôi, mình là người biết thích nghi với “ thượng vàng hạ cám” nên vụ lúa tới, mình hứa với bạn, mình sẽ gặt lúa tốt cho bạn xem. Chưa biết rồi sẽ biết, phải không bạn? Mình luôn nghĩ, chỉ ta làm khó công việc, công việc chẳng bao giờ làm khó được ta.

 Tài sản mình có đầu tiên lúc bấy giờ tại thôn Phú Thuận, xã Lạc Nghiệp, huyên Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là 08 thùng lúa mới vừa gặt xong cuối ngày 06 tháng 4 năm 1976. Ở Phú Thuận, ngộ ghê, mỗi lần gặt lúa người ta hay đong đo bằng cái thùng gánh nước, khoảng 20 kg. Một sào ruộng của mình vừa mới gặt xong chỉ được 08 thùng. Làm ruộng ở đây hơi cực, năng suất lại kém, vì nhiều nguyên do, nguyên do chính là đất có nhiều phèn và chim chuột thường xuyên quấy phá. Bù lại, trồng khoai mì thì rất đạt, rất năng suất. Ở Phú Thuận người ta thường trồng hai loại cây mì, loại mì Gòn để ăn và mì Ấn Độ để sản xuất bột, loại nào củ cũng rất lớn. Kể chuyện với bạn đến đây, mình lại muốn gởi đến bạn một cảm giác khó tả của mình vào thời điểm lúc bấy giờ là: mừng… vì đã sở hữu được một sào khoai mì và một sào lúa nước, cái an yên trong tâm trí mình là đó và cái làm cho các con mình no bụng cũng là đó. Cũng như sắp tới đây, chừng cuối năm 2022 tới, mình xuất bản tập sách DƯ ÂM gồm Văn, Thơ, Nhạc - kèm dưới tựa sách một câu như sau: “

 Chỉ có chừng đó thứ trong đời. Bạn thích đọc? Cứ cầm một tập về đọc, không phải trả tiền nong gì cả. Cám ơn!”

                        ( còn tiêp )

No comments:

Post a Comment