Tuesday, March 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 3


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 3

01.2.2021 - Bạn ơi, hôm nay mình xin kể tiếp cho bạn nghe những bước gian khó trong cuộc đời mà mình đã trải qua nhé. Như bạn đã nghe mình kể lần trước rồi đó, phi cơ từ Pleiku bay về Đà Nẵng dù trục trặc đôi chút nhưng cuối cùng cũng hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng an toàn. Mình đưa tay nhìn đồng hồ, lúc bấy giờ là 1h20 chiều ngày 16 tháng 2 năm 1975, một ngày với nhiều mệt mỏi lo âu. Nghĩ đến sự cố đang xảy ra ở phi trường Buôn Mê Thuột vừa rồi, đầu óc mình căng cứng. Càng căng hơn khi trên đường từ phi trường về nhà, mình chứng kiến cảnh người dân từ Huế và Quảng Trị di tản lánh nạn nằm la liệt trước trường trung học Đông Giang Quận 3 Đà Nẵng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến trường toàn miền Nam sôi động đang hiện rõ trước mắt mình.

  Xe ngừng trước cổng nhà, mình xuống xe và chạy vội vào nhà thay bộ đồ lính bằng quần áo dân sự. Mình nhanh chân đi đến cổng trường Đông Giang để hỏi thăm bà con đồng bào lánh nạn từ Huế và Quảng Trị vào. Nhìn bộ dạng lếch thếch cùng vẻ mặt bơ phờ của các đồng bào tị nạn mà mình không cầm được nước mắt. Chắc họ bữa đói bữa no là điều không thể tránh khỏi. Những son quánh chiếu chăn cũng những trạc gạo cứu đói của dân địa phương sẽ kéo dài được bao lâu trong hoàn cảnh cơ nhỡ nầy? Ai mà biết được!

  Từ nhà mình đến Trường Trung Học Đông Giang Quận 3 chỉ cách nhau có mấy bước, nhìn cảnh đời lúc bấy giờ nghe quá nhức nhối đi thôi. Chợt nghĩ đến hoàn cảnh của mình, một bà vợ với 6 đứa con dại thì sẽ chạy lánh nạn ở đâu khi khói lửa cận kề? Chiến tranh. Ôi, chiến tranh…! Qua ngày 03 tháng 3 năm 1975, lại nghe tin Buôn Mê Thuột mất, mình như ngồi trên đống lửa.

  Đà Nẵng thời điểm lúc bấy giờ mọi sinh hoạt mới nhìn tưởng chừng như bình thường, thế nhưng trong sâu kín, không ai bảo ai, đều đã chuẩn bị một tư thế đề phòng riêng tư theo mỗi cách khác nhau. Như nhà mình chẳng hạn, mình lấy các tủ gỗ đựng quần áo bỏ hết quần áo ra ngoài, lật cho nằm xuống nền nhà, rồi chất bao cát đầy kín vào trong. Cứ thế, tủ nầy và tủ kia lập thành 4 vách kiên cố nằm ngay giữa nền nhà. phần trên nóc cũng thế. Nói tóm lại, mình làm thành một căn hầm dã chiến ngay trong nhà để chống đỡ bom rơi đạn lạc khi có biến. Mình linh cảm loạn lạc đã gần kề lắm rồi. Do đó, cũng ngay thời điểm ấy, mình quyết định ở nhà liều, không trở về đơn vị đóng quân tại Pleiku nữa mặc dù đã mãn hạn phép. Bạn nghĩ coi, với 6 đứa con dại nheo nhóc như mình, đứa lớn nhất sinh năm 1964, đứa út sinh năm 1973, lòng dạ nào mình bỏ rơi mẹ con chúng giữa lúc dầu sôi lửa bỏng chứ. Không có mình, gia đình như rắn không đầu, làm sao mình yên tâm mà đi được?

  Trước đó, mình cũng đã phòng xa, mua sẵn vé máy bay Air Việt Nam cho cả gia đình đi về nhà bà ngoại các cháu ở Sai Gòn để lánh nạn, nhưng khi đến ngày đi, vào phi trường thì hỡi ôi, toàn các ông lính biệt động quân, lính dù, lính thủy quân lục chiến  nhảy lên máy bay chiếm chỗ hết. Chứng kiến cảnh hỗn loạn đó, mình thấy là không xong rồi, vô phương, nên quay về nhà làm tạm hầm trú ẩn dã chiến là vậy. Mình cũng đã giải thích với vợ mình lý do tại sao lúc bấy giờ mình lại chọn giải pháp trụ lại ẩn nấp tại nhà, không đi di tản. Mình thấy các con mình còn nhỏ quá, không thể nào mình có thể bảo vệ được chúng nếu cứ cuốn theo dòng người di tản như thác lũ kia. Ngàn sự rủi, một sự lành.

                       ~~oo0oo~~

  Sáng ngày 27 thảng 3 năm 1975, thành phố Đà Nẵng lộ rõ cảnh loạn lạc, nhà nào nhà nấy đều đóng khóa cửa kín, ngoài đường phố người chạy ùn ùn tìm đường lánh nạn thoát thân. Dòng người di tản mỗi lúc một đông, nhất là lối ra bãi biển Tiên Sa, người đông như kiến. Trong khung cảnh hỗn độn hôm đó trên đường phố, sờ sờ ban ngày mà vẫn xảy ra chuyện cướp bóc giết người, hãm hiếp dã man. Thậm chí, ngay cả những căn nhà đã khóa trong khóa ngoài kỹ càng vẫn bị các ông lính hám của dí họng súng M16 bắn nát ổ khóa để vào. Không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó? Rõ là một ngày không có chính quyền. Ghê rợn đến cùng cực…! Mình quay vào nhà, định khóa kín cửa để không còn chứng kiến cảnh tối mặt tối mày ghê tởm đó, ai dè đùng một cái, một xe DOD loại quân xa cải tiến đỗ xệch trước nhà mình với nhiều tiếng kêu hô lớn. Mình nhận ra trên xe có mặt bà chị ruột của mình là chị Năm và cô cháu gọi mình bằng cậu. Mọi người hối hả bảo gia đình mình lên xe. Mình hiểu ngay ý của chị mình, nhưng mình không chịu đi, vì mình đã kiên định rõ lập trường của mình rồi trong việc đi di tản hay trụ lại nhà. Lúc đó, bà vợ mình nghe thấy mình đang dằn co với bà chị, bà phùng mang trợn mắt phản bác mình dữ dội. Miệng bà nói, tay bà xua các con của mình lên xe và tức thì xe chuyển bánh, mình vội chạy theo và đu lên xe. Thế là sự đã rồi. Trong sâu kín, mình hiểu được động lực nào khiến bà quyết tâm đi như vậy. Mình hiểu. Nhưng mình lại nghĩ khác, sống chết có số, nếu chết thì cùng nhau chết một chỗ sẽ là hạnh phúc hơn chết dọc đường. Càng đau lòng hơn nữa khi chẳng may, trong một gia đình có kẻ sống người chết, mà lại chết vất vưởng không có được một nấm mồ.

                             ~~oo0oo~~

  Khi xe chở đám người của mình còn cách bãi biển Tiên Sa chừng 200 mét, mình đã thấy cả một rừng người hiện ra trước mắt, kín hết bãi biển. Mình lo sợ và nghĩ thầm trong đầu: chẳng dễ dàng gì để làm một việc gì đó trong lúc nầy. Nhưng đã bỏ nhà bỏ cửa ra đến đây, như đã cỡi lên lưng cọp rồi. Đành chịu! Mình đưa tay nhìn đồng hồ, thấy đã 5h15 chiều rồi. Mặt trời nghiêng dần về hướng Tây, nước biển như sẫm lại. Mình nhìn ra khơi xa, chưa thấy một hiện tượng gì hy vọng cả, chỉ là những con mòng biển bay lượn vu vơ. Chắc là một đêm phải thức trắng trên bãi biển để nghe sóng gào và đạn pháo hú. Chỉ tội cho những trẻ nhỏ vô tư như cây cỏ phải sớm mang nặng kiếp người. Hoàng hôn dần dần lịm tắt chẳng cần đợi một ai, dù chiến tranh hay hòa bình thì vòng quay của đất trời vẫn thế. Mình trải tạm tấm nhựa nylon lên mặt cát để các cháu ngồi ăn tạm ổ bánh mì khô cho đỡ lòng. Cả ngày hôm đó không có hàng quán nào bán thức ăn nên mình cũng chẳng mua được gì cho các cháu cả. Tội nghiệp quá…! May mà đêm đó là ngày rằm, tức ngày 15 tháng 2 năm Ất Mão, nên ông trời cho chút ánh trăng. Ánh trăng vừa đủ sáng để cha con vợ chồng nhìn rõ mặt nhau trong một đêm vô định. Mặt thì rõ mặt nhưng lời chẳng thành lời. Cả gia đình không ai nói với ai, cứ im hơi lặng tiếng như muốn nhường không gian và thời gian cho tiếng pháo kích hú gào. Càng về khuya, càng nhiều đợt pháo kích hơn. Rất may là không có một quả đạn pháo nào rơi lạc vào chỗ đám dân đang ngồi dày đặc trên bãi biển để chờ tàu đưa đi. Đạn pháo chỉ bay ngang qua đầu thôi. Rất may…!

                       ~~oo0oo~~

  Tờ mờ sáng ngày 28.3.1975, từ ngoài khơi xa, khá xa, đã thấy xuất hiện một chiếc xà lang lớn, nhiều tiếng reo mừng của bà con di tản, cùng những bước chân ùn ùn chạy ra sát mép biển - chờ đợi…Mình thấy đám người vây kín mép biển về hướng  phía xà lang đông nghẹt nên mình chưa dám đưa các cháu nhỏ nhà mình chen vào. Mình cố gắng giữ một khoảng cách tương đối an toàn để bảo vệ các cháu. Trời chưa sáng hẳn, vẫn còn lờ mờ sương, đạn pháo thỉnh thoảng vẫn cứ bay vèo qua đầu kéo theo những bụi lửa như hình sao chổi, trông thật kinh hoàng. Đám đồng bào chạy loạn vẫn đang lô nhô phía mép biển chờ dịp được nối bước chân để tìm con đường sống. SỐNG hay CHẾT? Ai mà biết được, nhưng đi thì vẫn cứ đi cái đã. Mình đứng bất động, vô hồn. Tự dưng mình muốn quay về lại nhà, nhưng không được rồi. Bỏ vợ con cho ai mà về?  Bỗng những tiếng vỗ tay la ó thật lớn làm mình hoàn hồn tỉnh lại. Mình nhìn thấy đám người chen nhau lội nước lên chiếc ca nô nhỏ và được đưa ra khơi để lên xà lang. Rồi vài ba chiếc ca nô nữa sau đó tiếp diễn…tiếp diễn…     Người ta la hét chen lấn nhau để nhào về phía trước. Mình bị động hoàn toàn, có muốn đứng yên cũng không được. Cứ lớp người sau đẩy lớp người trước, tiếp nối nhau tựa như những đợt sóng xô bờ. Cuối cùng, gia đình mình cũng lên được ca nô. Từ ca nô leo lên xà lang cũng cả một vấn đề, nhưng nhờ sức mạnh vô hình từ đâu đó nên mọi chuyện cũng xong. Ơn Trời Phật, có trầy xước chút đỉnh, nhưng không sao. Mình đứng trên xà lang nhìn về bãi xuất phát, thấy người mỗi lúc mỗi đông kín. Ca nô thì cứ vẫn tiếp tục chuyển người từ bờ đến xà lang không ngừng nghỉ. Lúc gia đình mình vừa leo lên được trên xà lang, dù trên xà lang đã đông người nhưng cũng còn thấy dễ thở. Riết một lát, trên xà lang không còn chỗ chen chân, chật kín như nêm. Nói thật với bạn, lúc bấy giờ trên xà lang chỉ còn chỗ để vừa đủ hai bàn chân, không còn chỗ để cụ cựa nữa. Có thể bạn không tin, nhưng đó là sự thật. Cũng từ tình trạng đó, người nầy đứng mất thăng bằng nên ngã đụng người kia, người kia lại té đè lên người nọ, cứ thế cảnh hỗn độn liên tiếp xảy ra trên xà lang dưới cái nắng giữa trưa như thiêu đốt. Rồi đói, rồi khát, nhất là khát. Bạn nghĩ coi, tính từ chiều hôm trước ( 27/3/75 ) đến trưa hôm sau ( 28/3/75 ), chắc chắn là không ai có được một chút gì trong bụng, tội nhất là các trẻ nhỏ và những người già. Giữa trưa như thế, với cơn khát hành hạ, mình cố gắng chen ra mé rìa xà lang, dùng nón sắt múc một ít nước biển để uống; mới hớp một ngụm, liền nhổ ra ngay, nó mặn và tanh, không tài nào uống được. Có một số người cũng làm như mình, nhưng họ cũng không uống nổi. Sau đó, mình nghĩ ra cách khác, uống thử nước tiểu xem sao, cũng tạm được. Nước tiểu có mùi khai, nhưng nồng độ mặn không đậm như nước biển, nhất là không có mùi tanh nên dễ chịu hơn. Rồi người nầy thấy, người kia thấy, rồi bắt chước nhau, cả xà lang nhốn nháo làm theo. Không còn cách nào khác. Phải chịu thôi. Thậm chí, còn xin nhau để uống, nhất là những gia đình có con trẻ đông, như nhà mình chẳng hạn. Ấy thế mà cũng có một số em bé và người cao tuổi bị ngất xỉu ngay trên xà lang.  Có lẽ họ chịu không nổi cái nắng quá gắt trưa hôm đó. Thật là một thảm cảnh.

                      ( còn tiếp )

 


No comments:

Post a Comment