Hiền thê: Tạ Thị Minh Phương
Tạ lỗi (1)
Anh ngồi đây với tâm hồn bão nổi
Nhớ về quê, nhớ quá những ngã tình
Nơi quê mình em vẫn nằm yên giấc ?
Thời gian đi như xé nát tim anh
Em cứ trách…muôn đời em cứ trách…
Con tim anh nào hóa thạch bao giờ !
Sống đành phải lao vào cuộc dâu bể
Nhưng hồn anh mãi mãi vẫn là thơ
Chỉ có tiếc vì đường đời quá rộng
Mà chúng mình tuổi mộng chẳng dài thêm
Đối với anh, quê hương là nhựa sống
Nuôi anh từng năm tháng thiếu vắng em
Dịp nào đó hồn thiêng em trở giấc
Hãy về thăm lối cũ lúc sinh thời
Kể anh nghe về những gì còn, mất
Đà Nẵng ơi, nỗi nhớ chẳng hề vơi
Ôi nhớ quá con đường làng dẫn lối
Nại Hiên Tây với nhịp bước ngập ngừng
Ngày hai buổi qua Viện Chàm im tiếng
Thời khắc chìm trong hơi thở rưng rưng
Em có thấy trường Sao Mai một thuở
Còn lung linh tuổi ngọc buổi tan trường
Tà áo trắng bay bay trong gió thoảng
Rải giọt tình dọc suốt Lê Đình Dương ?
Có tiện thể, em xuôi đường Độc Lập
Ghé chợ Hàn xem thử có còn không
Đường rây sắt và trạm ga xe lửa
Sát bến sông, anh từng nhảy tắm truồng ?
Em đừng vội, cứ khoan thai nhịp bước
Dọc bờ sông, dọc theo bến Bạch Đằng
Tòa Thị Chính còn uy nghi gió lộng
Hay thả hồn tâm sự với vầng trăng ?
Sẵn ghế đá, em ngồi nghỉ một chút
Rồi theo đường râm mát dọc Quang Trung
Con đường tình thuở xưa mình thường hẹn
Cất giùm anh những thương nhớ ngập lòng
Đến ngã tư, nghe lời anh rẽ trái
Thăm mái trường Phan Thanh Giản thân
quen
Ngày ly loạn biết ai còn ai mất
Và chừ đây ai tiếp bước sách đèn ?
Vẫn lề trái, đi chừng hai trăm mét
Trường của anh sẽ đợi đón mừng em
Phan Châu Trinh hình như còn oai lắm ?
Nơi ẩn sâu mối tình đẹp vạn niên
Anh không nhắc, dĩ nhiên em cũng ghé ?
Nghe họa mi ríu rít khắp sân trường
Nhẹ như tơ và mềm hơn cả lụa
Ôi, muôn đời Hồng Đức đẹp trong sương !
Chừ chắc mệt? Thôi em về nghỉ khỏe
Ghé chợ Cồn tìm gì đó để ăn
Nào ốc hút, ốc xào hay mì Quảng
Muốn no nhiều thì bánh ướt chả nem
Đó em thấy, làm răng anh quên được
Nơi chôn nhau cắt rún… mớ tình thâm
Hẹn bữa khác, anh nhờ em đi tiếp
Thăm những nơi anh nhớ đến khóc thầm
Tuyền Linh
2016
No comments:
Post a Comment