Saturday, January 30, 2016

Lượm lặt


U23 Việt Nam nên lấy kỹ thuật làm nòng cốt lối chơi

Thiên Minh
Thứ hai, 25/01/2016 05:19
Với nửa đội hình là những cầu thủ được đào tạo bài bản về kỹ thuật, U23 Việt Nam đã có một thế trận khá ấn tượng trước U23 UAE ở trận đấu cuối cùng VCK U23 châu Á 2016.
Với những cầu thủ đậm chất kỹ thuật như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường, các đội tuyển của Việt Nam có thể chơi tấn công chủ động trước các đối thủ lớn
Dù để thua ngược với tỷ số 2-3 song màn trình diễn đáng khen ấy thực sự đã mở ra một quan điểm rõ ràng về tương lai đội tuyển. Đó là lấy những cầu thủ có kỹ thuật trở thành nhân tố 

GIÁ TRỊ TỪ NHỮNG CÁI CHẠM BÓNG ĐẦU TIÊN

Khái niệm về kỹ thuật bóng đá thật sự là rất rộng và đa nghĩa. Số đông người cho rằng kỹ thuật bóng đá là những động tác khéo léo, biến ảo mà các cầu thủ sử dụng để vượt qua đối thủ. Lại có quan điểm cho rằng kỹ thuật bóng đá đơn giản là cách để cầu thủ chuyền bóng, ngăn cản, dứt điểm hay với thủ môn là cách để bắt gọn trái bóng trước sự uy hiếp của đối phương… Song điều quan trọng nhất trong kỹ thuật mà đúng như cựu tiền vệ Barcelona – Xavi Hernandez hay danh thủ Dennis Bergkamp từng chia sẻ, đó là Chạm bóng (First touch).

“Điều cơ bản nhất đối với tôi chính là pha chạm bóng đầu tiên”, Bergkamp chia sẻ trên tờ The Guardian 3 năm về trước. “Chạm bóng thật sự là vô cùng quan trọng. Nếu bạn đặt ra câu hỏi rằng vì sao Mesut Oezil lại luôn có rất nhiều khoảng trống trên sân thì đơn giản anh ta biết cách tạo ra khoảng trống ấy bằng quan sát và pha chạm bóng đầu tiên của mình”.

Thực tế chạm bóng không đơn giản chỉ là khống chế được trái bóng. Nó giá trị ở chỗ cầu thủ đó đã lập tức hình dung ra trong đầu mình những điều tiếp theo mà anh ta sẽ thực hiện ngay trong thời điểm chạm vào trái bóng. Đó là lý do vì sao Dennis Bergkamp chỉ bằng một pha chạm bóng bằng chân trái rồi thực hiện động tác xoay người trái chiều là đủ khả năng loại bỏ hậu vệ Nikos Dabizas trước khi dứt điểm tung lưới Newcastle (trận Arsenal thắng Newcastle 2-0 ngày 2/3/2002). 

Trở lại với Việt Nam, không phải đến thời điểm này chúng ta mới quan tâm đến công tác đào tạo trẻ. Những “lò” truyền thống như Sông Lam Nghệ An, Cảng Sài Gòn hay Thể Công đã tạo ra hết lứa cầu thủ này đến thế hệ tài năng khác cho bóng đá nước nhà. 

Nhưng phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của Học viện HA.GL – Arsenal JMG, với chủ trương đào tạo kỹ thuật bài bản mà quan trọng là cách tư duy ngay từ khi chạm bóng cho các cầu thủ trẻ thật sự đã mang tính cách mạng trong chiến lược đào tạo mầm non của bóng đá Việt Nam. Đó là phát triển cho kỹ thuật bên cạnh việc tăng cường, rèn luyện thể lực cho các tài năng nhí.

Thành công của HA.GL - Arsenal JMG mà đỉnh cao là thế hệ U19 Việt Nam năm 2013 và 2014 xuất phát từ những cầu thủ có kỹ thuật như vậy. Và cách đây vài ngày, Tuấn Anh một lần nữa minh chứng rõ nét cho điều đó. Từ đường chuyền của Công Phượng, anh lắc mình để vượt qua đối phương trước khi thực hiện cú La Croqueta (xử lý hai nhịp bằng hai chân) để vượt qua hậu vệ UAE trước khi đặt lòng tinh tế bằng chân phải mang về bàn thắng cho U23 Việt Nam. Đó là đỉnh cao của kỹ thuật, của kỹ năng “First Touch”. 

PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI TRÊN NỀN TẢNG KỸ THUẬT

Trở lại với U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á, thầy trò HLV Miura đã không thể giành được điểm số nào trước khi dừng lại chuyến phiêu lưu trên đất Qatar. Tuy nhiên màn trình diễn cùng những con số thống kê đã chỉ ra hai điều thú vị.

Thứ nhất, U23 Việt Nam khó lòng có thể trông chờ vào cách đá phòng ngự chặt và chờ đợi cơ hội phản công chớp nhoáng như trước kia. Thừa nhận trước những đối thủ được đánh giá là mạnh hơn, U23 Việt Nam không có cách nào khác là phải chơi số đông trước cầu môn nhằm ngăn cản đối phương ghi bàn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, chúng ta sẽ phải hy sinh mặt trận tấn công, ít nhất là ở số người trên tiền tuyến. 

Công Phượng được xem là niềm hy vọng vàng của U23 Việt Nam tại giải đấu lần này. Nhưng ở trận đấu đầu tiên với U23 Jordan, khi đội bóng gồng mình phòng ngự thì tân binh của Mito Hollyhock cũng vì thế mà thi đấu không được như ý. 

Mọi con số thống kê khi đó đều bất lợi cho U23 Việt Nam, từ kiểm soát bóng, cơ hội nguy hiểm, số lần dứt điểm… trong khi con số có lẽ là không mong muốn là số lần cứu thua lại lớn hơn đối phương. Điều đó có nghĩathầy trò Miura thua thiệt trên cả khả năng tấn công lẫn phòng ngự.

Thứ hai, U23 Việt Nam rõ ràng đã chơi tốt hơn khi chủ trương tấn công. Ở trận đấu với U23 Australia, người hâm mộ đã nhận ra những tín hiệu tích cực khi Công Phượng, Văn Toàn và Đức Huy phối hợp nhuần nhuyễn bên phần sân đối thủ. Số lần dứt điểm tăng lên (8 lần so với 6 lần ở trận gặp Jordan). Tỷ lệ cầm bóng tạo ra nguy hiểm cũng nhỉnh hơn trước. Và nếu như có thể tận dụng tốt hơn cơ hội cũng như không để thủng lưới từ quá sớm, U23 Việt Nam chưa chắc đã phải nhận thất bại trước U23 Australia. 

Sự xuất hiện của các cầu thủ kỹ thuật càng giúp khả năng tấn công của U23 Việt Nam thêm ấn tượng. Với một nửa đội hình là những cầu thủ được đào tạo bài bản về kỹ năng như Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Thanh hay Công Phượng, U23 Việt Nam đã có một thế trận rất tốt trước U23 UAE – đội sau đó kết thúc với vị trí nhất bảng D. Không chỉ 2 lần vượt lên dẫn trước, U23 Việt Nam còn gây ấn tượng khi trong hiệp 1, chúng ta lấn lướt đối thủ về mọi thông số tấn công. 

Và một lần nữa phải nhắc lại cú La Croqueta mà Tuấn Anh thực hiện trước khi ghi bàn. Nếu như không có kỹ thuật xử lý bóng, sẽ chẳng có chuyện U23 Việt Nam có được bàn thắng bất ngờ như vậy. Vai trò của những cầu thủ có kỹ thuật trong đội hình quan trọng là như thế. 

Nhìn một cách toàn thể về bóng đá thế giới, thực tế số đông nền bóng đá hiện tại cũng hướng về việc đào tạo kỹ thuật cho các cầu thủ bên cạnh tăng cường thể lực theo từng độ tuổi. Đó không phải những động tác màu mè thừa thãi mà là cách để các cầu thủ có thể tạo ra sự hiệu quả trong cách phối hợp cũng như ngay ở pha chạm bóng đầu tiên bằng kỹ thuật cá nhân được đào tạo bài bản và có lộ trình. 

Ở Việt Nam lúc này, sau thành công của HA.GL, nhiều lò đào tạo cũng đang có xu hướng phát triển nhiều hơn về mặt kỹ năng. Ví như ở B.Bình Dương, GĐKT Đặng Trần Chỉnh luôn yêu cầu các học trò chơi bóng một chạm tối đa có thể.

Đó sẽ là xu hướng trong tương lai gần mà bóng đá Việt Nam có thể hướng tới. Nhất là khi chúng ta hiện đang sở hữu những cầu thủ có tố chất kỹ thuật với độ tuổi mới chỉ mười chín, đôi mươi. 

Nguồn: internet



1 comment:

  1. Hãy cùng Casino889 khám phá ca do bong da với đường truyền sắc nét, không gián đoạn cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn đang chờ đón bạn.

    ReplyDelete