Saturday, August 13, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 13


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MĂT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 13

29.2.2021 - Bạn thân ơi, bạn đọc những dòng chữ chú thich dưới tựa tập sách mình sắp xuất bản, bạn quá rõ ý sống của mình rồi chứ gì? Tất cả những thứ đang có trên đời nầy đâu phải của mình mà mình đem bán, kể luôn cả tập sách.

 Hôm nay mình lại kể cho bạn nghe tiếp câu chuyện của đời mình nhé, một câu chuyện mà mình nghĩ chỉ một mình mình có, ngoài ra chẳng ai có thể có như mình. Bạn biết không, khi mình dọn nhà về ở thôn Phú Thuận đâu được hơn một tuần, không hiểu sao nhiều người trong thôn lần lượt kéo đến xem mặt. Họ không nói ra nhưng mình biết, nam có nữ có, nhất là nữ. Mình cũng không rõ bản thân mình được đồn thổi về điều gì mà họ lần lượt kéo nhau đến dòm mặt mình nhiều đến thế, tựa như đi xem mắt cô dâu; ngày chủ nhật lại càng đông hơn. Phải chăng, mình là một hiện tượng lạ? Mà hiện tượng gì? Mình cũng chẳng biết nữa. Mình nghĩ mãi không ra.  Qua tối hôm sau, tức là tối ngày 08 tháng 4 năm 1976, mình lân la qua nhà thím Phụng để chuyện trò về việc làm lụng đặng rút kinh nghiệm, tiện thể hỏi dò mấy em con gái nhà thím Phụng về hiện tượng lạ của mình. Mình vừa mới hỏi xong, tất cả đều ồ lên cười. Thím Phụng quay sang trừng mắt hai cô con gái. Thím lên tiếng:” Không có gì đâu cậu Thơ, họ thấy hoàn cảnh của cha con cậu, họ thương, rồi họ tò mò tìm hiểu đó mà!”. Kịp thời, hai cô gái con thím Phụng đồng loạt:” Nhưng mấy cô cũng mết chú nữa đó!”. Sao? mết là gì? – mình quay sang hỏi lại hai em. Là trồng cây si chú chứ gì! - cả hai đáp lời mình. Mình cười xởi lởi và nói:” Chú không dám đâu!”. Mình quay qua thím Phụng và tâm sự để thím và các em hiểu được tâm lý mình trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, rằng mình hoàn toàn không nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện kiếm gạo nuôi con. Thím Phụng tâm đầu:” Tôi hiểu cậu, cậu hãy yên tâm, mọi chuyện rồi sẽ qua, sẽ tốt đẹp thôi!”. Cũng đã khuya, mình chào thím Phụng và hai em để về nhà mà lòng có một chút gì man mác vô ưu.

 Sáng hôm sau là ngày thứ bảy cuối tuần,  mình phải đi trả công cho nhà anh Ý, anh Ý là con rễ ông Tám Hải, ông Hải là chủ tịch xã Lạc Nghiệp lúc bấy giờ. Nói đến ông Tám Hải, ai cũng sợ, nhưng mình cũng chẳng ngại mấy, vì từ xưa nay, mình có làm gì phạm đến chính trị đâu mà sợ? Ngay cả khi còn là lính trước 1975, ngày hai buổi ngồi văn phòng, chẳng bao giờ biết đến súng đạn chiến trường. Chính trị không lưu thông được trong máu mình nhưng nghệ thuật thì có đấy. Một tên nốt khó mấy để hình thành một giai kết mình cũng cố tìm tòi để học, nhưng một lý thuyết đơn giản về chiến sự thì mình lại dốt đặc dốt đơ. Thế đó, trời phú cho gì thì hưởng nấy! Biết sao?

                               ~~oo0oo~~

 Mình vinh dự được Ban Nhân Thôn Phú Thuận mời phụ trách dạy một lớp bình dân học vụ, như lớp bổ túc văn hóa trước năm 1975 đó bạn. Nghe cụm từ Bình Dân Học Vụ thì nặng nề quá, kỳ thực, bà con học ở lớp mình phụ trách họ cũng đã biết chữ hết rồi, mình chỉ hướng dẫn thêm chút đỉnh lỗi chính tả, và vài con toán cơ bản để họ dễ sinh hoạt trong cộng đồng thôi. Được cái là họ khá thông minh nên mình cũng đỡ mệt. Cũng nhờ dạy học nên tình cảm của bà con trong thôn ngày càng quý mến mình hơn. Thậm chí, nhiều bác nhiều thím muốn mình làm rễ, nhưng mình không dám vì mình chưa nghĩ tới. Không giấu gì bạn, mình bấy giờ tất cả đều chỉ lo cho các con thôi. Thiếu mẹ dã là một thiệt thòi quá lớn đối với các cháu rồi. Mình không muốn chúng mất thêm gì nữa hết. Bạn à, không hiểu sao thời điểm lúc bấy giờ, mình rất nhiều mối. Đến nỗi, dường như các con mình cũng biết tình trạng nầy. Bởi lẽ, những lúc mình vắng nhà, nhiều cô gái thường lân la đến nhà mình để làm quen đặng lấy cảm tình với mấy cháu. Mình biết chứ, nhưng mình giả lơ. Bạn đừng nghĩ trái tim mình sắt đá nhé, chẳng qua mình vận dụng nhiều về lý trí để được sống ổn thôi. Mình chỉ có ý duy nhất với môt người con gái trong đám con gái Phú Thuận, đó là T. con gái bác Tám Tham, nhưng mình kiềm chế, không cho tình cảm phát triển. Mình nghĩ đơn giản và thực tế, mình là một thằng con trai chết vợ, đang ôm cả một gánh nặng con cái, mình không có quyền chia gánh nặng đó lên vai một người con gái mới lớn. Không thể. Tiếng “không thể” luôn luôn hiển thị trong tâm trí mình, ngoài ruộng rẫy, giữa bữa cơm và cả trong giấc ngủ. Mình quý bác Tám bao nhiêu thì  mình cũng quý T. bấy nhiêu, mặc dù yêu T. đã có thừa - T. là người giàu lòng nhân ái, rất thương yêu trẻ nít nên các con mình cũng rất quý mến T, rất phù hợp cho một gia đình gà trống nuôi con của mình. Nhưng…không thể. Lúc bấy giờ mình buồn lắm nhưng đành chịu.

                        ~~oo0oo~~

 Như mình đã nói với bạn, làm ruộng tại chỗ mình cư trú thường không có năng suất, thậm chí có khi bị mất trắng. Những lần như vậy, mình và bà con trong thôn thường vào Sài Gòn để mua thêm gạo. Ai thì không biết, nhưng riêng mình mỗi lần vào, mình thường lên Chợ Lớn mua loại gạo rẻ tiền nhất. Gạo mình mua thuộc gạo lúa gì mình không rành, nó có màu nâu đỏ, nhưng hình như họ chứa lâu ngày trong kho nên có mùi ẩm mốc, nhưng chưa đến nỗi mốc hẳn, cũng còn có thể ăn được nhưng phải chịu khó vo nhiều nước thật kỹ. Dĩ nhiên mình quyết định mua ngay vì giá cả dễ thở, mình nghĩ có, còn hơn không! Mỗi lần đi như vậy mất hết 4 ngày: ngày đi - ở lại đêm – ngày ra chợ mua - ở lại đêm – ngày về. Mình gởi các cháu cho thím Phụng trông coi giùm, kể luôn cả việc cơm nước, như vậy mỗi lần đi mình mới yên tâm. Mỗi lần đi như thế, mình thường kết hợp mua một số tôm khô, cũng là loại nhỏ, rè tiền nhất. Số tôm khô mua về, mình vừa để ăn, vừa để bán. Cũng bán được lắm bạn à. Khi bà con biết, họ tới mua cũng nhiều. Bạn thấy mình có giỏi không? Còn nữa, mình còn giỏi nhiều thứ nữa, lần hồi rồi bạn sẽ biết thôi. Mình cảm thấy vui khi về sống ở đây.

                       ~~oo0oo~~

 Mình vừa đi rẫy về thì nhận được tin vui, con gái lớn mình đưa cho mình xem thư của bà ngoại chúng gởi về. Thoạt đầu, nhìn ngoài bì thư, mình ngỡ ngàng vì thấy tên người gởi lạ quá, nhưng khi đọc hết nội dung thư, mình mới hay tự sự. Như vậy là lúc bấy giờ bà ngoại đang định cư bên Mỹ, nhưng nước Mỹ lại chưa bang giao với Việt Nam nên bà ngoại gởi thư cho người bà con bên Pháp và nhờ người bà con chuyển tiếp qua Việt Nam cho mình. Lòng vòng là thế. Bà ngoại lo lắm, hỏi nhiều về tình hình sinh sống của mình và các cháu. Mình cũng kể hết trong thư cho bà ngoại nghe những biến cố khi chạy di tản, cả những gì xảy ra trên phố và trên xà lang, nhưng mình không dám kể sâu hơn về những ông lính mặc đồ răn ri cướp bóc, vì sợ ngoại bị ám ảnh, ngoại cũng già rồi, tội ngoại. Trong thư ngoại gởi, ngoại cũng cho biết,  khi chết bà xã mình cũng về báo mộng, bà hiện nguyên hình, đứng nhìn chằm chằm bà ngoại, không nói một lời nào. Lúc ấy ngoại biết con gái đã chết.

 Hai ngày sau khi nhận thư, cha con mình nhận tiếp được một thùng quà cũng từ Pháp gởi về, trong đó mì gói là nhiều nhất. Lúc đầu mình ngạc nhiên, sao bà ngoại lại gởi vậy? Nhưng nghĩ kỹ, mình mới biết, chắc tại bà ngoại nghe đồn thổi là sau khi chạy loạn về, người dân sẽ bị thiếu gạo và đói lắm. Công bình mà nói, thì có thiếu thật đó, nhưng đâu đến nỗi phải ăn mỳ gói để trừ cơm hằng ngày. Hôm sau mình viết thư trả lời bà ngoại và nói thật hết về tình cảnh của mình và các cháu cho bà yên tâm.

 Sau ngày nhận được thùng quà, sáng hôm sau bà con trong xóm kéo đến chia vui cùng mình, nhất là đám thanh niên nam nữ. Ngoài mì gói, cũng có một số ít dép Lào và áo thun, các bạn thấy vậy thích quá hỏi mua, mình không biết phải bán giá bao nhiêu, mình hẹn với các bạn ngày mai sẽ tham khảo giá trên chợ rồi sẽ bán cho các bạn.

 Mình vừa trên chợ mới về, lòng vui vui, mình không nghĩ dép Lào và áo thun lại là hàng hiếm lúc bấy giờ. Mấy sạp hàng quần áo trên chợ cho giá khá cao khi xem mẫu hàng. Hình như thời điểm lúc bấy giờ họ quý hàng ngoại gởi về thì phải? Mình cũng mừng.

                         ( còn tiếp )

No comments:

Post a Comment