Wednesday, September 14, 2022

PHƯỢNG TÍM ĐÀ LẠT



 

PHƯỢNG TÍM ĐÀ LẠT                      

Em về Đà Lạt sáu hai? (*)
Điểm tô nhan sắc buộc cài nhân gian
Em qua khắp phố khắp làng
Khiến bao du khách ngỡ ngàng sắc hoa

Em không là tím hoa cà
Cũng không tím Huế mà là tím…thương
Tôi xin một chút hoang đường ?
Mai xa Đà Lạt còn vương vấn tình 

Sắc hoa màu nhớ lung linh
Đi vào tâm thức như mình với ta
Đà Lạt muôn sắc ngàn hoa
Nhưng em dị biệt nhìn là rất riêng

Chút tình lãng mạn không tên
Cái màu dễ nhớ khó quên mất rồi !
Tím e ấp, tím cả trời
Mai xa Đà Lạt đầy vơi nỗi niềm

Tôi từng qua cả trăm miền
Vẫn lưu luyến mãi vùng thiêng đất nầy
Màu hoa phượng tím còn đây
Cánh hoa nhỏ ấy chứa đầy chiêm bao

TUYỀN LINH

(*) Cây phượng tím do kỹ sư Lương Văn Sáu ( Hội viên Hội hoa hồng Pháp ) đem về Đà Lạt gầy giống năm 1962.

 


NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 15


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 15

06.3.2021 - Bạn thân ơi, không hiểu sao từ khi Bà Xã mình mất, trí nhớ mình lẩm cẩm quá, rất hay quên. Mình kể cho bạn nghe một chuyện cũng khá quan trọng như thế nầy mà nếu hôm đó không thấy mấy người đi lễ Nhà Thờ về thì mình quên mất tiêu rồi, hôm ấy là chủ nhật, là ngày hẹn dùng cơm thân mật với anh bạn. Mình chạy vào nhà gỡ tờ lịch thì đúng là chủ nhật ngày 02 tháng 5 năm 1976. Mình vội nhảy ào xuống con lạch sau nhà tắm sơ cho sạch mồ hôi, rồi mặc quần áo chỉnh tề đạp xe lên phố. Cũng may, mới 11 giờ, vẫn còn kịp, không đến nỗi trễ hẹn.

 Mình còn từ đằng xa đã thấy ông Bạc ra ngoài lề đường lóng ngóng. Chắc là ngóng mình. Mình vừa đạp xe vừa đưa tay lên ra hiệu cho ông Bạc thấy để ổng yên tâm. Ráng gân đạp nên tới nơi mệt quá thở hổn hển, chào không ra hơi.

Đợi có lâu không anh? Mình hỏi

Không lâu, chỉ sợ anh quên. Ông Bạc trả lời

Ông Bạc dắt xe đạp của mình dựng bên hiên nhà và mời mình vào nhà. Mình thấy bàn tiệc đã được bày biện tự bao giờ, các cháu con ông Bạc cũng có mặt đầy đủ. Cùng lúc cô Liễu vợ ông Bạc và cô Lan chị vợ cũng vừa nhà dưới lên chào mình. Tất cả cùng ngồi vào bàn. Riêng ông Bạc vẫn đứng, quay về phía mình nói vài lời rồi thì nâng ly mời mình cùng cả nhà dùng cơm thân mật. Không khí bữa cơm khá ấm cúng và vui.

 Cơm nước xong, cô Lan mời riêng mình lên lầu dùng tráng miệng. Mình hơi ngỡ ngàng một chút, cuối cùng mình cũng vui vẻ đi lên.

                           ~~oo0oo~~

 Mình đạp xe về nhà lúc ấy trời cũng đã sập tối, nhìn xuống nhà bác Tám thấy nhà bác đóng cửa, mình đoán chừng chắc cũng gần 7 giờ. Các cháu nhà mình đang ngổi trước cửa ngóng mình. Mình chưa kịp dựng xe, gỡ vội bịch bánh móc trên tay lái xe đưa cho Giáng Hương, bảo chia nhau ăn. Trước khi về, cô Lan có gởi cho các con mình một ít bánh kem su, mình thấy bánh nầy khá ngon, chắc là chúng thích.

 Sở dĩ mình về nhà hơi trễ vì phải ngồi chuyện trò với cô Lan khá lâu, thời gian lâu bất thường ngoài dự tính của mình. Không phải mình say chuyện mà câu chuyện làm mình say. Qua đó, mình nhận thấy được một điều, con người có tài giỏi đến mấy cũng không thể điều khiển được số phận. Cô Lan sinh năm 1936, hơn mình bốn tuổi, con nhà giàu, học trường Pháp, Lycee Yersin Đà Lạt, người gốc Huế, giòng họ CAO. Sau nhiều tiếng đồng hồ nói chuyện cùng nhau, hay nói một cách sát nghĩa hơn là trút tâm sự cho nhau nghe những bĩ cực thái lai, rồi thái lai bĩ cực, mình thấy cô ta và mình có một hòa hợp nào đó chưa được khám phá chăng? Vâng, chắc là vậy. Mình hiểu một cách chủ quan về tình cảm của cô ấy đối với mình khá sâu dù chỉ mới gặp nhau hai lần. Mình không lấy thời gian ra làm thước đo, bởi thời gian suy cho cùng cũng chỉ là vật chất. Cái mình đang cần là tinh thần, một thứ tinh thần hơi khác biệt một chút, một thứ tinh thần cho một “gà trống nuôi con”.

                       ~~oo0oo~~

 Sau buổi cơm thân mật nhà ông Bạc trưa hôm qua, chiều về các cháu dọn cơm tối cho mình ăn nhưng mình không ăn vì không thấy đói. Đêm đến mình cũng không ngủ được, cứ suy nghĩ hoài về một cảnh đời trong viễn cảnh, có thể mình phải đóng vai chính không chừng. Dường như mình thấy sợ. Sợ những cảnh mới xen vào cảnh cha con mình hiện có, tuy trống vắng nhưng không cô đơn, cái trạng thái cô đơn trống vắng mà mình nhận thấy khi cha con mình trong buồng tàu chạy loạn không có mẹ chúng nó đêm hôm ấy. Bây giờ thì hết cô đơn rồi, bàn thờ mẹ chúng ngay chính giữa nhà đã cho cha con mình ấm áp hơn lên. Bức chân dung mình vẽ mẹ chúng đang hiển thị trên bàn thờ như là hiển thị một cái gì vĩnh cửu.

 Cao Thị Lan, tại sao lại là Cao Thị Lan? Cái tên như có một ma lực nào đó đang áp đảo mình. Nó mang những trạng thái nghịch lý xâm lấn lý trí mình, thuần phục lý trí mình để biến mình thành người lý tính?

 Mình giật mình tỉnh dậy sau một cơn mê mệt, nhìn đồng hồ đã là 9 giờ sáng rồi. Mình vội vàng cầm mấy củ mì các con đã nấu để sẵn trên bàn bỏ vào túi áo khoát đi rẫy. Mình đi một hơi xuống rẫy mì để nhổ tiếp đặng về xắt phơi khô cho kịp nắng, dự trữ ghế cơm. Mình nhìn qua rẫy mì kế bên, mình thấy chị Hai cũng đang loay hoay nhổ mì, mình đánh tiếng hỏi lớn:” Nhổ mình ghế cơm hả chị?” Không cậu, nhổ về chà bột - chị Hai trả lời. Thì ra rẫy mì của chị là mì Ấn Độ, còn mì mình là mì Gòn. Hèn chi cọng lá của chị màu trắng xanh, còn cọng lá của mình màu đỏ. Ngộ thật!

 Đang cặm cụi định nhổ thêm vài bụi nữa rồi về, bỗng bà Lục bất thình lình xuất hiện sau lưng mình. Bà ngỏ ý muốn mua xác rẫy mì của mình. Mình lắc đầu tỏ ý không bán, chị Hai nghe thấy, nói vọng qua:” Bán đi cậu, cậu để ăn không hết đâu, để lâu không tốt, sẽ bị ẩm mốc”. Mình nghe chị Hai nói cũng có lý, mỗi lần muốn ăn thì lên chợ mua một ít, vừa đủ ăn một tuần lễ, rồi cứ thế mua tiếp. Hơn nữa, nhà mình không có lao động, xắt phơi khô cả một sào mì là cả một vấn đề nan giải, không phải dễ đâu!

                         ~~oo0oo~~

 Nói bạn nghe, mình về ở nhà mới Phú Thuận từ ngày 30.3.1976 cho đến ngày 02.5.1976, như vậy là hơn một tháng mà mình chưa thể sắm được đầy đủ những dụng cụ cơ bản để làm rẫy ruộng thường nhật cần thiết. Một phần vì phải lo mua những thứ cấp bách hơn như rổ rá, nồi niêu son chảo, gạo mắm, bột ngọt, tiêu hành tỏi…Vừa rồi lúa và cả khoai mì sắp tới thu hoạch, mình cũng phải bán để tích lũy tiền lo trả nợ. Bác Tám Tham đã hứng nợ cho mình hơn cả tháng rồi, mình cũng phải lo trả cho xong. May mà chú mười Kỳ cũng thương mình nên dễ dãi, không thì không biết phải ăn nói sao với bác Tám Tham?

 Hôm rồi, lúc vào chợ để bán những đôi dép Lào cho các sạp hàng dép, bất ngờ mình gặp thím Lachaise trong chợ. Thím ấy mời mình trưa ngày 09.5.1976 tới nhà thím ăn bữa cơm chia tay trước khi hai ông bà và cô C. chuyển về Pháp. Thú thật, mình hơi bàng hoàng khi nghe cô C. rời Việt Nam. Không nhiều thì ít, mình cũng đã có những kỷ niệm rất riêng với cô C. Mình không diễn tả được từ “riêng” trong trường hợp nầy, bởi nó chỉ có như vậy, chỉ cho một mình mình và cô C. thôi. Trăm phần trăm là không ai có được vậy. Nó rất im ỉm mà lại thấm đẫm cho cả hai. Nghe bữa cơm, mình lại nhớ đến bữa cơm ăn với cô C. trong căn nhà nhỏ riêng tư của cô ấy. nằm trong khuôn viên vườn cây ăn trái của ông bà Lachaise. Mình thấy thường ngày thì cô C. luôn ăn cơm chung với cha mẹ và người làm. Không bao giờ thấy cô nấu ăn riêng một mình. Chỉ hôm đó là lần đầu tiên cô ấy ăn với mình tại nhà riêng của cô ấy, và cũng là lần đầu tiên  mình ăn riêng với cô ấy trong cả tháng trời nhiều lần tới chơi nhà ông bà Lachaise. Vâng, rất riêng. Nếu bạn hỏi, trong trường hợp nào mà hai người được cụng đầu nhau như vậy thì mình cũng đành chịu, không nhớ nổi. Mình rất nhiều lần cố moi óc để nhớ lại, nhưng không sao nhớ nổi. Nhưng mình lại nhớ những động thái suốt buổi chiều ăn cơm riêng và đêm hai người cùng ngủ trong căn nhà riêng đó rất rõ, rõ từng cử chỉ, từng động tác… Thế mới lạ chứ! Dĩ nhiên là tụi mình rất trong sáng, trong sáng hơn cả giọt sương sớm long lanh dưới ánh mặt trời lúc bình minh. Thật đó ! Chẳng ai hiểu nổi. Ngay cả bây giờ mình ngồi đây nói chuyện với bạn, mình cũng không hiểu tại sao lại kỳ lạ vậy. Suốt 45 năm vẫn chưa hiểu ra.

 Này nhé, cô dọn cơm ra, mình thấy vậy, biết là nấu cơm mời mình ăn, mình tới ngồi đối diện. Rồi cô bới chén cơm để trước mặt mình, không mời gì cả, mình hiểu ý, bưng lên ăn. Cứ thế lặp đi lặp lại những công đoạn ấy 4 lần, vì mình ăn một bữa 4 chén. Xong, mình đứng lên ra bàn khách uống nước, cô ấy thu dọn chén đũa, bỏ ngoài sàn nước là xong một bữa cơm. Tối ngủ, mình ngủ giường vải bố, cô ấy ngủ giường gỗ cạnh sát nhau; mạnh ai nấy thức, mạnh ai nấy ngủ, mạnh ai nấy trở mình, không ai nói với ai một lời. Sáng ra, ăn sáng cùng nhau, nhìn nhau len lén rồi mình gật chào ra về. Cô nhìn mình như muốn níu lại, rồi mình về. Thế đó! Y như một đoạn phim câm, nhưng không phải câm, bởi thực tế, mình và cô ấy đâu có bị câm? Mình có cảm giác, mà mình chắc cô ta cũng có cùng cảm giác như mình là….rất muốn nhau, muốn cho nhau tất cả mọi thứ nhưng bị ức chế bởi một bức tường số phận ngăn cách – ngày mai ngày kia buộc phải xa nhau mãi mãi…mãi mãi…

                             ( còn tiếp )

Khi sóng xa bờ 1