Sunday, July 31, 2022

MƯA CHIỀU PHONG THỚI VŨNG LIÊM


 

MƯA CHIỀU

PHONG THỚI VŨNG LIÊM 

Hết mưa sáng, đến mưa chiều
Vũng Liêm ơi hỡi, tiêu điều ruộng nương!
Nước ào… phá nát kênh mương
Gió xoáy gió giật như dường đua tranh
Sợ mưa giành hết lúa xanh
Nên gió cố sức giật phanh hạt vàng
Ông Trời kể cũng phũ phàng
Ba tháng cắc củm tiêu tan một giờ
Chừ thì còn thân rạ trơ
Đời nông dân cũng bơ vơ theo mùa
Thế gian đã lắm hơn thua
Trời xanh nay cũng và hùa thế gian
Rồi ai chỉ lối dẫn đàng
Cho mưa gió thuận, cho làng quê vui
Vũng Liêm tôi lắm ngậm ngùi
Xin Trời chớ để mùa vui hóa buồn
Bớt đi gió bão mưa tuôn
Cho dân tôi được đổi buồn thành vui
Công bình chút nhé ông ui !
Sao ông cứ nhắm ấp tôi mưa hoài…?

TUYỀN LINH


Tuesday, July 26, 2022

ĐÀ LẠT, TÌNH YÊU VỖ GIẤC


 

ĐÀ LẠT, TÌNH YÊU VỖ GIẤC       

Sương xuống thấp đậu lên hàng mi biếc
Gió lang thang hôn má thắm môi mềm
Chim gọi đàn vỗ giấc sớm mai lên
Em mỏng mảnh kiêu sa gieo gót ngọc

Hồn trú ngụ vuốt ve từng sợi tóc
Bàn tay thơ nghe buốt giá tâm can
Ta gọi em, Đà Lạt giữa sương ngàn
Dâng tặng đóa chiêm bao mừng tao ngộ

Hãy bước khẽ hỡi em Thơ và Nhạc
Đóa phong lan thơm ngát một trời hương
Guốc mộc reo rộn rã lối Thiên Đường
Đường chung bước sao để lòng xa vắng

Yêu biết mấy, hỡi Thiên Thần áo trắng
Núi đồi ơi chứng giám trái tim ta 
Giọt sương mai đang đọng lối cỏ hoa
Đừng tan vội cho hồn ta chết lịm

Xin đừng để sớm mai là chiều tím
Hồn thanh xuân thiếp ngủ giấc mơ chiều
Nắng đã về ở trọ mắt môi yêu
Gió phe phẩy mơn man cành lá ngọc

Em hiện thân là mùa Xuân Đà Lạt
Là Hạ nồng nhuộm tím sắc phượng yêu
Là Thu buồn e ấp cúc diễm kiều
Là Đông lạnh sưởi tình mimosa ấm

Con đường nào trở mình nghe đau nhức
Xin em đi nhè nhẹ bước hững hờ
Lời tình nào mát mịn tựa nhung tơ
Xin em rót xuống đời ta vài giọt?

Lâu lắm rồi, hồn ta nơi lũng thấp
Chong ngọn đèn le lói đợi tình lên
Và hôm nay ta đã gặp được em
Hoa bướm lượn dưới vòm trời cổ tích

Đường phố rộn…sao lòng em tĩnh mịch?
Lá nghiêng rơi lã chã ngập ven đường
Ta theo em từng bước nhớ bước thương
Chân hối hả sợ Thiên Đường sụp đổ

Ta quay về mang con tim giác ngộ
Dưới sương mai, nắng gội giấc mơ tình
Trí thẫn thờ nghe văng vẳng lời kinh
Lòng thấm đẫm, ôi tình yêu Đà Lạt !

TUYỀN LINH
    1980

XIN HÃY CHO NHAU MỘT LỜI - Kim Khánh

Thursday, July 14, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 12


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 12

25.2.2021 - Kể tiếp bạn nghe, bạn biết không, tính ra là mình đã ngủ được 3 đêm tại nhà mới thôn Phú Thuận và 4 ngày lao động nhỏ lớn tại đất nầy lúc bấy giờ. Sáng hôm sau, mình quan sát kỹ cảnh vật chung quanh nhà và công việc đã làm vừa qua, mình vẫn thấy còn một ít thiếu sót, tạm gọi là chưa hoàn chỉnh. Chẳng hạn như nhà vệ sinh chưa có nắp đậy lổ đi đại tiện, chưa có thuốc diệt khuẩn để rắc xuống hầm cầu. Mình đã nghĩ ra cách chế biến thuốc diệt khuẩn, nhưng vì cách nầy phải chờ bếp lửa thật nhiều tro mới có cái để xử dụng. Tạm thời, mình phải lên phố mua một ít vôi bột về rắc tạm. Về vấn đề củi đốt, cũng may anh Uẩn còn để lại một ít nên cũng đủ để dùng tạm qua ngày. Tuy vậy, mình cũng phải tranh thủ ngay hôm sau lên đồi nhỏ sau nhà chặt một ít củi cây tươi về chẻ phơi để kịp khô đặng ngày sau có củi xử dụng. Bạn ơi, khi nào bạn mua nhà mới thì bạn mới thấy, đụng tới đâu cũng thấy thiếu, thấy cần. Hihi…ai nghe mình nói chuyện với bạn chắc họ tưởng mình giàu lắm, oai lắm. Nghe về nhà mới mua, tưởng đâu là nhà lầu xây hay ít nhất cũng nhà xây cấp bốn khang trang thoáng rộng nhiều phòng. Họ đâu biết được nhà mình thuộc loại nhà gỗ xiêu vẹo, chỉ một gian chính giữa vừa thờ vừa đặt giường cho cha con nghỉ đêm. Phía sau vách là chái bếp và là chỗ chất củi đốt. Chỉ chừng đó thôi cũng được rồi. Biết chừng nào là đủ, chừng nào là thiếu? Cái thiếu nhất của mình lúc bấy giờ là thiếu mẹ các cháu. Thế thôi!

                       ~~oo0oo~~

 Mình lên trên phố về, mua được một ít vôi bột, một cục xà phòng đá để rửa chén. Mình cũng ghé qua nhà bác Tám Tham chặt một ít cây chà về bó chổi quét nhà. Sau vườn nhà bác Tám nhiều cây nầy lắm. Theo mình thấy, dùng cây nầy cũng tiện lợi, không phải bỏ tiền ra mua mà cũng khá được việc. Dĩ nhiên loại chổi chà tước bằng cọng dừa thường bán ngoài chợ cứng cáp hơn nhưng phải bỏ tiền ra mua. Vậy theo bạn, cái nào tiện hơn trong hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ? Hihi…!  Gần 3 giờ chiều hôm đó, mình ra sau đồi kiếm một ít củi đem về chẻ phơi cho kịp nắng. Trên đồi mình thấy cây dẻ con nhiều lắm, củi dẻ phơi mau khô, lại đượm lửa, rất tốt.

 Mình lội trên đồi chưa đầy một giờ, vác về được một bó củi dẻ, mình đoạn ra từng khúc một, mỗi khúc chừng 6 tấc rồi chẻ nhỏ trải ra phơi. Cách sau nhà  mình khoảng 20 mét, có một con lạch nhỏ, nước bắt nguồn từ suối thác Thiên Thai gần nhà mình chảy ra rồi đi về đâu mình cũng chưa được rõ. Mình mới tới thôn Phú Thuận có 3 ngày nên cũng chưa tìm hiểu kỹ địa phận quanh đây, nhất là về mặt địa lý. Mình thấy bà con quanh xóm thường ra con lạch lấy nước về dùng trong việc nấu nướng, mình cũng bắt chước làm theo. Mình đổ đầy nước vào một cái thạp lớn, thạp của bác Tám Tham cho mượn khi vừa mới dọn nhà. Bà con quanh nhà mình cũng tử tế lắm, họ thấy nhà mình thiếu thứ gì cũng san sẻ, giúp đỡ. Dân ở thôn Phú Thuận  đa phần sống bằng nghề nông, làm rẫy, làm ruộng, nhất là nhà nào cũng có một vườn hồng ăn trái. Tuy nhiên, họ còn làm nhiều nghề tay trái khác như đi đốt than, bẻ măng, săn thú. Thậm chí, ở gần nhà mình có anh Mươi Phước, ngoài nghề nông, anh cũng thường hay khai thác cát nơi suối Thiên Thai để bán cho thợ xây dựng. Nói chung, họ làm rất nhiều nghề kể luôn cả nghề bưng bê bán nông sản dạo dưới đèo Ngoạn Mục của cánh đàn bà con gái Phú Thuận. Nhờ đa ngành nghề như thế nên kinh tế địa phương có phần thong thả, dễ thở. Nay mai chắc mình cũng được thở lây.

                    ~~oo0oo~~

 Một hôm đi trên đường nhựa nhìn xuống, thấy lúa đã chín vàng quá rồi, mình qua hỏi thăm anh Mươi Phước cách thức thuê thợ gặt lúa như thế nào? Cả đời, mình có rành việc nầy bao giờ đâu! Mà lúc bấy giờ chắc anh ấy lên rẫy rồi, hình như thím Phụng có nhà, vậy hỏi thím Phụng cũng được, nhà thím Phụng cạnh sát nhà mình, tiện hơn.

 Thím chưa đi làm? – mình hỏi vọng qua. Thím trả lời:” Chưa cậu, còn bận xắt một ít chuối cho heo ăn, chút nữa tôi mới đi”. Mình vội chạy qua nhà thím bắt chuyện ngay, mình hỏi chung chung về việc thuê người gặt, đập lúa thì thím cho biết, ở đây không có chuyện thuê mướn gì cả, chỉ làm dồn công với nhau thôi. Có nghĩa là nhà mình có việc gì phải làm bao nhiêu ngày, thì mượn anh chị em trong xóm đến lao động giúp mình bấy nhiêu ngày, mai mốt nhà họ có việc thì mình đến làm trả công tương xứng số ngày họ đã làm cho mình, vậy thôi. Không đợi mình thắc mắc, thím nói tiếp:” Cậu qua bên nhà con hai Giỏi, con bác Tám Giỏi, nó chuyên phụ trách kêu lao động làm giùm việc nầy”. Vâng, cám ơn thím – mình trả lời. Mình vội chào thím Phụng và chạy liền qua nhà chị hai Giỏi, chị cũng đang xắt chuối, thấy mình, chị ngừng tay. Không đợi chị hỏi, mình vào đề ngay:” Không giấu gì chị, sào lúa em mua của anh Uẩn nay đã chín vàng, nhờ chị giúp kêu giùm một số người làm dồn công, nghe thím Phụng giới thiệu thế?”. Chị Giỏi bỏ dao xắt chuối xuống, suy nghĩ và nói:” Chà, không biết tính sao đây. Cậu là người mới quá, không biết họ có chịu giúp không? Chừng chiều tối, tôi sẽ cho cậu biết. Dĩ nhiên là tôi sẽ cố gắng thuyết phục họ” Dạ, mọi sự nhờ chị - Mình cám ơn chị rồi chào chị ra về.

 Bạn à, chị Giỏi suy nghĩ về chuyện xin làm dồn công của mình cũng đúng thôi, vì mình là dân lạ mới tới, tướng tá lại có vẻ thư sinh, không biết có đủ sức khỏe để trả công lại cho người ta hay không? Hơn nữa, theo như lệ thường ở thôn nầy, người mới tới nhập cư phải làm công cho người ta trước đã, rồi sau đó mới được trả công lại. Tuy nhiên, trường hợp của mình hơi đặc biệt, lúa đã chín đến nơi nên mình hy vọng sẽ được bà con thương, giúp giùm.

Mình đang ngồi dưới bếp phụ con bé chụm lửa nấu nồi cơm chiều, củi mới chặt về, phơi chưa được khô lắm nên con bé đun bếp bị khói tỏa quá chừng, làm mình phải một phen hú vía. Đang cong lưng thổi lửa thì nghe bé gái con chị Giỏi kêu ôi ối, mình ngẩng mặt lên thì cũng vừa lúc nó chạy đến bên, vừa nói vừa thở hổn hển. Nó bảo:” được rồi” Nó nói bỏ đầu bỏ đuôi làm mình chẳng hiểu gì cả. Mình hỏi lại nó rất nhiều lần thì mới hiểu được ra sự việc. Vậy là mình đã được bà con giúp gặt lúa giùm. Ngày mốt, 7 giờ sáng sẽ bắt tay vào việc, số lao động gồm 4 nữ 1 nam, không kể mình. Mình phải chuẩn bị cho họ hai bữa ăn nửa buổi, không cần cầu kỳ, đơn giản thôi, như là khoai lang khoai mì cũng tốt, có cả nước uống nữa. Để chắc ăn, một chút, khi nồi cơm đã chín, mình sẽ qua hỏi lại chị Giỏi lần nữa để chị ấy xác định đặng cho mình yên tâm.

                         ~~oo0oo~~

 Hôm ấy là ngày 06 tháng 4 năm 1976, ngày ghi dấu chính thức mình là một nông dân chính hiệu, là ông chủ của một  sào ruộng lúa nước, chủ một sào rẫy khoai mì, chủ một căn nhà gỗ, chính chủ. Thấy oai không bạn? Thêm nữa, mình còn oai hơn vì được đứng chỉ tay năm ngón, nhìn các anh chị em gặt lúa giùm để mình học việc. Thật là thú vị. Nói vui với bạn thôi, mình là người biết thích nghi với “ thượng vàng hạ cám” nên vụ lúa tới, mình hứa với bạn, mình sẽ gặt lúa tốt cho bạn xem. Chưa biết rồi sẽ biết, phải không bạn? Mình luôn nghĩ, chỉ ta làm khó công việc, công việc chẳng bao giờ làm khó được ta.

 Tài sản mình có đầu tiên lúc bấy giờ tại thôn Phú Thuận, xã Lạc Nghiệp, huyên Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là 08 thùng lúa mới vừa gặt xong cuối ngày 06 tháng 4 năm 1976. Ở Phú Thuận, ngộ ghê, mỗi lần gặt lúa người ta hay đong đo bằng cái thùng gánh nước, khoảng 20 kg. Một sào ruộng của mình vừa mới gặt xong chỉ được 08 thùng. Làm ruộng ở đây hơi cực, năng suất lại kém, vì nhiều nguyên do, nguyên do chính là đất có nhiều phèn và chim chuột thường xuyên quấy phá. Bù lại, trồng khoai mì thì rất đạt, rất năng suất. Ở Phú Thuận người ta thường trồng hai loại cây mì, loại mì Gòn để ăn và mì Ấn Độ để sản xuất bột, loại nào củ cũng rất lớn. Kể chuyện với bạn đến đây, mình lại muốn gởi đến bạn một cảm giác khó tả của mình vào thời điểm lúc bấy giờ là: mừng… vì đã sở hữu được một sào khoai mì và một sào lúa nước, cái an yên trong tâm trí mình là đó và cái làm cho các con mình no bụng cũng là đó. Cũng như sắp tới đây, chừng cuối năm 2022 tới, mình xuất bản tập sách DƯ ÂM gồm Văn, Thơ, Nhạc - kèm dưới tựa sách một câu như sau: “

 Chỉ có chừng đó thứ trong đời. Bạn thích đọc? Cứ cầm một tập về đọc, không phải trả tiền nong gì cả. Cám ơn!”

                        ( còn tiêp )

GÕ CỬA


 

GÕ CỬA

 

Xuân về gõ cửa đất trời

Hồn tôi ai gõ mà chơi vơi sầu?

Mắt tình ngó trước ngó sau

Một tôi đứng giữa những lau lách nhìn

Trăm cơn xót… nghìn nỗi phiền…

Ô hay, nước mắt tự nhiên nhỏ dài

Tôi khóc ai? Ai khóc tôi?

Mai sau ai khóc cho ai…? Hay là….!

 

TUYỀN LINH

2020


MƠ EM, HÀ NỘI Lệ Tuyền

Friday, July 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 11


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 11

20.2.2021 - Bạn ơi, vui với mình nhé! Mình xin kể tiếp đây! Như vậy là mình chính thức mua nhà tại thôn Phú Thuận ngày 26 tháng 3 năm 1976, nhằm ngày 26 tháng 2 năm Bính Thìn. Có lẽ bắt đầu ngày hôm sau, mình xuống đó để nhận nhà và dọn dẹp tu sửa chút đỉnh những chỗ cần thiết, rồi xem ngày tốt tiện thể cha con mình dọn xuống ở luôn. Có muốn chần chờ thì cũng không chần chờ được vì mình thấy sào ruộng lúa nước hạt đã ngã vàng. Kể ra mình cũng hên, mua nhà mới mà đã có lộc ngay. Khi mình lên thăm chị Sáu đợt đầu, mình cũng đã tham quan tình hình đất đai ruộng nương ở Đơn Dương, mình có ý nghĩ ngay. Mình cho rằng nếu về làm ăn sinh sống tại Đơn Dương thì rất phù hợp với cha con mình trong thời điểm lúc bấy giờ. Các con mình có thể phụ mình được những việc lặt vặt trong lãnh vực canh tác, như đuổi chim chuột, hái rau, nhổ cỏ…

 Trước khi mình xuống nhận nhà mới mua, mình ghé qua bác Tám Tham để xem bác ấy có gì chỉ bảo. Mình cũng cố tranh thủ thời gian để anh Uẩn không phải chờ lâu,vì nghe anh nói sáng ra, sau khi giao nhà cho mình xong, anh ấy sẽ khăn gói đón xe về lại quê nhà Bình Định. Bởi thế, mình uống vội ly nước trà nóng bác Tám vừa rót cho mình, mình liền xin phép bác rồi nhanh chân đi xuống gặp anh Uẩn. Hình như anh Uẩn cũng đang trong tư thế chờ mình thì phải? Thấy anh ấy ăn mặc sạch sẽ, quần tây và áo bỏ thùng, thoạt trông, ai biết anh là nông dân chuyên đi bẻ đót làm ruộng. Ôi, thời thế! Gặp thời thế, thế thời phải thê! Mình có khác gì đâu!

                      ~~oo0oo~~

 Hôm nay chị Sáu và anh Thạnh cùng đi với mình và các cháu xuống nhà mình mới mua ở Phú Thuận, trước là xem cho biết nhà, sau là dọn dẹp sắp xếp giùm mình cho ngăn nắp giường chỏng tủ bàn. Nhờ có ông anh rễ nên những bàn ghế giường chỏng mươn nơi nhà bác Tám được chuyển đi một cách gọn lẹ. Cũng hên. Mình coi ngày 30 tháng 3 năm 1976 là ngày tốt, từ 7h đến 9h là giờ hoàng đạo nên mình tranh thủ dọn nhà. Mình dọn nhà sớm vì lo, sào ruộng lúa nước đang chờ mình để kết bạn mới. hihi…! Mọi người đang loay hoay dọn dẹp đâu chừng được 30 phút thì cũng vừa lúc bác Tám tới. Bác cất tiếng lớn chào mọi người, rồi thì bác tiến đến chỗ mình đặt bàn thờ bà xã, nhìn tấm hình chân dung mình vẽ đang đặt trên bàn thờ, bác tỏ vẻ cảm động. Bàn thờ mình vừa mới đặt tức thì khi mới xuống dọn dẹp nhà nên chưa kịp mua bó nhang, mình hơi sơ xuất việc nầy. Mình thầm xin lỗi bà xã. Nhìn qua góc bên vách phải hông nhà, thấy có chiếc ghế dựa bằng gỗ cũ kỹ, mình đem tới mời bác Tám ngồi tạm. “ Được rồi, Thơ cứ làm việc gì thì làm đi, để bác”- Bác Tám nói. À, trước giờ mình cũng quên giải thích với bạn, là ngay từ buổi đầu, mình và bác Tám quen nhau, bác thường gọi tên của mình trong lúc xưng hô trò chuyện. Bác không bao giờ dùng từ “cháu” hay “con” khi chuyện trò với mình. Mình thấy đây cũng là điều lạ mà chỉ có bác Tám mới áp dụng cách xưng hô nầy đối với một người đáng tuổi con cháu bác. Lúc đầu, mình thấy lo vì mình có cảm giác hơi bị xa cách, nhưng dần dần, theo những biểu lộ trên cử chỉ, ánh mắt nhìn trìu mến của bác đối với các đứa con mình, mình không còn cảm giác đó nữa. Mình tin tình cảm của bác đối với cha con mình là một tình cảm chân thật. Rất thật! Cho đến tận bây giờ, mình cũng chưa biết đích danh tên họ thật của bác nữa. Mình nghĩ đơn giản, bác chắc là người thứ tám trong gia đình bác, còn chữ Tham là chức vị bác làm tới chức tham sứ hay tham…gì đó lúc xưa. Mình nghĩ như vậy vì có một điều chắc chắn mình khẳng định là bác không phải là một nông dân thuần túy. Qua cung cách của bác khi chuyện trò với mình, minh biết là người có học thức cao rộng. Dứt khoát mình nghĩ không sai.

 Ngồi chơi cũng khá lâu, bác Tám kiếu từ cả nhà ra về. Ra tới đường, bác còn quay mặt lại dặn dò:” Nếu cần gì thêm nữa thì cứ tự nhiên nói với bác nghe, đừng ngại”. Khi bác Tám đi thật xa, anh Thạnh quay lại nói với mình:” Coi bộ bác ấy thương cha con cậu nhiều lắm đó, cố gắng cư xử thật khéo cho bác ấy vui”. Mình hiểu lời dặn của ông anh rễ bằng cái gật đầu và tiếng dạ…rồi tiếp tục công việc dọn dẹp nhà cửa. Mình vòng ra sau nhà, thấy còn nhiều việc phải làm, nhất là phải đào một hầm sâu để làm hố vệ sinh tạm thời. Lúc bấy giờ mặt trời đã nhô cao, bụng lại đói nên chắc phải qua trưa mới bắt tay vào việc được.

 Ăn cơm xong, mình nghỉ một lát cho xuống cơm rồi qua mượn cuốc xẻng bên nhà hàng xóm kế cận về làm hầm vệ sinh. Không hiểu sao khi còn ở đây, anh Uẩn lại không làm việc nầy? Chắc tại anh nghĩ chỉ có một mình anh nên đi tạm phía sau bìa rừng cũng được. Với mình, cà đàn con nhỏ nheo nhóc không thể nghĩ như anh Uẩn được, nhất là những lúc đêm hôm khi cần. Nghe đâu trước 75, bìa rừng sau lưng nhà mình có cọp mon men đến, nên chi ở gần đó, cách nhà mình chừng 500 mét, cạnh sát đường quốc lộ, hướng về ngã xuống thành phố Phan Rang Tháp Chàm, có một om miếu được dựng lên tự bao giờ, gọi là Miếu Ông Cọp. Miếu được xây kiên cố bằng vật liệu xi măng tương đối chắc chắn.  Thậm chí mới năm ngoái đây, vào tháng 2 năm 2020, mình về Tòa án Đơn Dương nạp đơn khởi kiện về vụ tranh chấp tài sản, mình thấy Miếu Ông Cọp được sơn phết lại rất sáng sủa. Chứng tỏ mọi lòng tin của dân địa phương không thay đổi, mà biết đâu hiện tình cũng không thay đổi? Bằng chứng thỉnh thoảng, heo rừng vẫn về quấy phá các rẫy bắp cùa dân Phú Thuận đó thôi!

 Mình đào xong hố đất sâu chừng 1m50, mình nghỉ uống nước một chút rồi tiếp tục làm.. Lần nầy mình không đào nữa, nhưng nghĩ cách thiết kế mặt hầm cầu và các vách che chắn xung quanh. Mình cưa những cây gỗ rừng tươi, đường kính độ chừng 8 phân, gồm có 4 cây, mỗi cây dài 1 mét. Rồi thì mình đặt xuống nền đất thành hình vuông, cách nhau mỗi cây 3 tấc. Đoạn mình cưa ván ngo mặt 3 tấc đóng lên các cây gỗ đã định sẵn. Thế là mình đã ghép được một tấm gỗ ván đặt lên miệng hầm cầu. Dĩ nhiên là mình phải canh để cưa chừa lỗ khi đi đại tiện. Công đoạn cuối của mình lúc bấy giờ là che vách nhà cầu và chôn 4 trụ gỗ để đóng lợp mái nhà cầu. Mình làm xong tất cả các khâu vừa đủ 4 tiếng đồng hồ, là đúng 5 giờ chiều trong ngày. Kể ra mình cũng giỏi đó chứ bạn?

 Mình vào nhà tắm rửa và phụ với con gái lớn nấu nồi cơm chiều. Mình còn đâu nửa hộp bột trứng gà  mà mình đã đem theo từ Đà Nẵng vào, mình đổ ra một ít pha với nước, quậy sệt sệt rồi chiên như chiên trứng gà tươi. Ăn cũng khá ngon. Nói bạn đừng cười, bữa cơm đạm bạc lắm, nhất là nồi cơm. Tính ra nồi cơm chỉ chừng 40 phần trăm gạo, ghế với 60 phần trăm mì lát khô, tức củ mì cắt lát phơi khô, bạn biết loại thực phẩm nầy không? Bạn thông cảm, xứ đây khó phát triển cây lúa lắm, có trồng được thì năng suất cũng rất thấp, vì đa phần là đồi núi. Thường thì ruộng lúa chỉ làm được ở dưới lũng sâu nên sình lên tới ngực, ít nhất cũng tới bụng. Bởi vậy ruộng thường nhiều phèn, rất kém năng suất. Không như ở đồng bằng sông Cửu Long, ruộng cò bay thẳng cánh.

                      ~~oo0oo~~

 Đêm qua mình ngủ hơi ít, suy nghĩ hoài về một cảnh mới, một nhà mới,  một công việc làm mới, và dĩ nhiên là một cuộc sống mới. Tất cả cứ chao qua múa lại trong đầu mình, nửa như thách thức, nửa như vuốt ve an ủi. Nó như một nghịch lý đặc quánh trong đầu mình giữa đêm khuya. Trước đây hồi còn đi học, mình chưa bao giờ nghĩ đến điều nầy, điều của một anh chàng thuần  chất nghệ sĩ, chờ lớn lên theo nghiệp cầm bút cùng hát ca, thênh thang một trời lãng du. Ai ngờ, định mệnh trớ trêu, mới 36 tuổi trời, đôi chân lại phải bươi kiếm mồi để nuôi đàn gà con chiu chít. Chấp nhận định mệnh như một thử thách, không vui cũng không buồn, y như một thỏa hiệp với thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Vậy nên mình về thôn Phú Thuận, xã Lạc Nghiệp, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng như một nghiễm nhiên phải lúc, phải đến. Dù vào hoàn cảnh nào, mình cũng không đổ lỗi cho ai cả. Việc đến phải đến. Thế thôi! Nó như một chu kỳ luân hồi không hơn không kém. Có khác chăng giữa người nầy và người nọ là Ta chùn chân trước hoàn cảnh hay hoàn cảnh phải nhường bước cho Ta? Như bạn thấy đó, mọi việc của mình rồi cũng qua suôn sẻ, có gì đâu? Nếu bạn nghĩ ra được những gì tốt đẹp ở phía trước, cứ tiến hành làm. Không một ai có thể ngăn cản bạn được trừ bản thân bạn. Hãy đi, rồi sẽ đến. Không dám đi, làm sao đến được, phải không bạn?

                          ( còn tiếp ) 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Giọt Lệ Tình Xa - Thơ: Tuyền Linh - Nhạc: Nguyễn Văn Thơ

HÀ NỘI THÁNG 7 NGÂU VỀ


 

 

HÀ NỘI

THÁNG 7 NGÂU VỀ

Liêu xiêu quán cóc vỉa hè
Tôi ngồi nghe vọng chú ve gọi mùa
Trời như chia cắt sớm, trưa
Tôi nhìn từng giọt ngâu vừa bay bay

Mắt tình bỗng lại vui lây
Em qua phố thị nhịp đầy nhịp lơi
Áo tà lụa trắng phất phơ
Tôi nhìn tôi tưởng tôi vừa hai mươi

Cớ chi em nở nụ cười
Cho tôi nghiêng ngã cuộc đời phong sương
Xe qua xe lại đầy đường
Mà tôi chừng tưởng bướm hương chập chờn

Tôi qua bao chặng dốc đời
Gió sương bão táp rã rời thân đơn
Ấy mà một hạt tình thôi
Mọc lên cành nhánh hương đời trong tôi

Lòng buồn bỗng hóa ra vui
Yêu ơi Hà Nội, yêu luôn giọt mùa
Mưa ngâu tháng bảy em qua
Hồn tôi ngủ thiếp trong tà áo em

Cà phê từng giọt say mềm
Trong mơ nghe có tiếng em thì thầm
Lâm râm…ngâu mãi lâm râm…
Liêu xiêu quán cóc chôn chân tôi rồi !

TUYỀN LINH