Friday, July 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 11


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 11

20.2.2021 - Bạn ơi, vui với mình nhé! Mình xin kể tiếp đây! Như vậy là mình chính thức mua nhà tại thôn Phú Thuận ngày 26 tháng 3 năm 1976, nhằm ngày 26 tháng 2 năm Bính Thìn. Có lẽ bắt đầu ngày hôm sau, mình xuống đó để nhận nhà và dọn dẹp tu sửa chút đỉnh những chỗ cần thiết, rồi xem ngày tốt tiện thể cha con mình dọn xuống ở luôn. Có muốn chần chờ thì cũng không chần chờ được vì mình thấy sào ruộng lúa nước hạt đã ngã vàng. Kể ra mình cũng hên, mua nhà mới mà đã có lộc ngay. Khi mình lên thăm chị Sáu đợt đầu, mình cũng đã tham quan tình hình đất đai ruộng nương ở Đơn Dương, mình có ý nghĩ ngay. Mình cho rằng nếu về làm ăn sinh sống tại Đơn Dương thì rất phù hợp với cha con mình trong thời điểm lúc bấy giờ. Các con mình có thể phụ mình được những việc lặt vặt trong lãnh vực canh tác, như đuổi chim chuột, hái rau, nhổ cỏ…

 Trước khi mình xuống nhận nhà mới mua, mình ghé qua bác Tám Tham để xem bác ấy có gì chỉ bảo. Mình cũng cố tranh thủ thời gian để anh Uẩn không phải chờ lâu,vì nghe anh nói sáng ra, sau khi giao nhà cho mình xong, anh ấy sẽ khăn gói đón xe về lại quê nhà Bình Định. Bởi thế, mình uống vội ly nước trà nóng bác Tám vừa rót cho mình, mình liền xin phép bác rồi nhanh chân đi xuống gặp anh Uẩn. Hình như anh Uẩn cũng đang trong tư thế chờ mình thì phải? Thấy anh ấy ăn mặc sạch sẽ, quần tây và áo bỏ thùng, thoạt trông, ai biết anh là nông dân chuyên đi bẻ đót làm ruộng. Ôi, thời thế! Gặp thời thế, thế thời phải thê! Mình có khác gì đâu!

                      ~~oo0oo~~

 Hôm nay chị Sáu và anh Thạnh cùng đi với mình và các cháu xuống nhà mình mới mua ở Phú Thuận, trước là xem cho biết nhà, sau là dọn dẹp sắp xếp giùm mình cho ngăn nắp giường chỏng tủ bàn. Nhờ có ông anh rễ nên những bàn ghế giường chỏng mươn nơi nhà bác Tám được chuyển đi một cách gọn lẹ. Cũng hên. Mình coi ngày 30 tháng 3 năm 1976 là ngày tốt, từ 7h đến 9h là giờ hoàng đạo nên mình tranh thủ dọn nhà. Mình dọn nhà sớm vì lo, sào ruộng lúa nước đang chờ mình để kết bạn mới. hihi…! Mọi người đang loay hoay dọn dẹp đâu chừng được 30 phút thì cũng vừa lúc bác Tám tới. Bác cất tiếng lớn chào mọi người, rồi thì bác tiến đến chỗ mình đặt bàn thờ bà xã, nhìn tấm hình chân dung mình vẽ đang đặt trên bàn thờ, bác tỏ vẻ cảm động. Bàn thờ mình vừa mới đặt tức thì khi mới xuống dọn dẹp nhà nên chưa kịp mua bó nhang, mình hơi sơ xuất việc nầy. Mình thầm xin lỗi bà xã. Nhìn qua góc bên vách phải hông nhà, thấy có chiếc ghế dựa bằng gỗ cũ kỹ, mình đem tới mời bác Tám ngồi tạm. “ Được rồi, Thơ cứ làm việc gì thì làm đi, để bác”- Bác Tám nói. À, trước giờ mình cũng quên giải thích với bạn, là ngay từ buổi đầu, mình và bác Tám quen nhau, bác thường gọi tên của mình trong lúc xưng hô trò chuyện. Bác không bao giờ dùng từ “cháu” hay “con” khi chuyện trò với mình. Mình thấy đây cũng là điều lạ mà chỉ có bác Tám mới áp dụng cách xưng hô nầy đối với một người đáng tuổi con cháu bác. Lúc đầu, mình thấy lo vì mình có cảm giác hơi bị xa cách, nhưng dần dần, theo những biểu lộ trên cử chỉ, ánh mắt nhìn trìu mến của bác đối với các đứa con mình, mình không còn cảm giác đó nữa. Mình tin tình cảm của bác đối với cha con mình là một tình cảm chân thật. Rất thật! Cho đến tận bây giờ, mình cũng chưa biết đích danh tên họ thật của bác nữa. Mình nghĩ đơn giản, bác chắc là người thứ tám trong gia đình bác, còn chữ Tham là chức vị bác làm tới chức tham sứ hay tham…gì đó lúc xưa. Mình nghĩ như vậy vì có một điều chắc chắn mình khẳng định là bác không phải là một nông dân thuần túy. Qua cung cách của bác khi chuyện trò với mình, minh biết là người có học thức cao rộng. Dứt khoát mình nghĩ không sai.

 Ngồi chơi cũng khá lâu, bác Tám kiếu từ cả nhà ra về. Ra tới đường, bác còn quay mặt lại dặn dò:” Nếu cần gì thêm nữa thì cứ tự nhiên nói với bác nghe, đừng ngại”. Khi bác Tám đi thật xa, anh Thạnh quay lại nói với mình:” Coi bộ bác ấy thương cha con cậu nhiều lắm đó, cố gắng cư xử thật khéo cho bác ấy vui”. Mình hiểu lời dặn của ông anh rễ bằng cái gật đầu và tiếng dạ…rồi tiếp tục công việc dọn dẹp nhà cửa. Mình vòng ra sau nhà, thấy còn nhiều việc phải làm, nhất là phải đào một hầm sâu để làm hố vệ sinh tạm thời. Lúc bấy giờ mặt trời đã nhô cao, bụng lại đói nên chắc phải qua trưa mới bắt tay vào việc được.

 Ăn cơm xong, mình nghỉ một lát cho xuống cơm rồi qua mượn cuốc xẻng bên nhà hàng xóm kế cận về làm hầm vệ sinh. Không hiểu sao khi còn ở đây, anh Uẩn lại không làm việc nầy? Chắc tại anh nghĩ chỉ có một mình anh nên đi tạm phía sau bìa rừng cũng được. Với mình, cà đàn con nhỏ nheo nhóc không thể nghĩ như anh Uẩn được, nhất là những lúc đêm hôm khi cần. Nghe đâu trước 75, bìa rừng sau lưng nhà mình có cọp mon men đến, nên chi ở gần đó, cách nhà mình chừng 500 mét, cạnh sát đường quốc lộ, hướng về ngã xuống thành phố Phan Rang Tháp Chàm, có một om miếu được dựng lên tự bao giờ, gọi là Miếu Ông Cọp. Miếu được xây kiên cố bằng vật liệu xi măng tương đối chắc chắn.  Thậm chí mới năm ngoái đây, vào tháng 2 năm 2020, mình về Tòa án Đơn Dương nạp đơn khởi kiện về vụ tranh chấp tài sản, mình thấy Miếu Ông Cọp được sơn phết lại rất sáng sủa. Chứng tỏ mọi lòng tin của dân địa phương không thay đổi, mà biết đâu hiện tình cũng không thay đổi? Bằng chứng thỉnh thoảng, heo rừng vẫn về quấy phá các rẫy bắp cùa dân Phú Thuận đó thôi!

 Mình đào xong hố đất sâu chừng 1m50, mình nghỉ uống nước một chút rồi tiếp tục làm.. Lần nầy mình không đào nữa, nhưng nghĩ cách thiết kế mặt hầm cầu và các vách che chắn xung quanh. Mình cưa những cây gỗ rừng tươi, đường kính độ chừng 8 phân, gồm có 4 cây, mỗi cây dài 1 mét. Rồi thì mình đặt xuống nền đất thành hình vuông, cách nhau mỗi cây 3 tấc. Đoạn mình cưa ván ngo mặt 3 tấc đóng lên các cây gỗ đã định sẵn. Thế là mình đã ghép được một tấm gỗ ván đặt lên miệng hầm cầu. Dĩ nhiên là mình phải canh để cưa chừa lỗ khi đi đại tiện. Công đoạn cuối của mình lúc bấy giờ là che vách nhà cầu và chôn 4 trụ gỗ để đóng lợp mái nhà cầu. Mình làm xong tất cả các khâu vừa đủ 4 tiếng đồng hồ, là đúng 5 giờ chiều trong ngày. Kể ra mình cũng giỏi đó chứ bạn?

 Mình vào nhà tắm rửa và phụ với con gái lớn nấu nồi cơm chiều. Mình còn đâu nửa hộp bột trứng gà  mà mình đã đem theo từ Đà Nẵng vào, mình đổ ra một ít pha với nước, quậy sệt sệt rồi chiên như chiên trứng gà tươi. Ăn cũng khá ngon. Nói bạn đừng cười, bữa cơm đạm bạc lắm, nhất là nồi cơm. Tính ra nồi cơm chỉ chừng 40 phần trăm gạo, ghế với 60 phần trăm mì lát khô, tức củ mì cắt lát phơi khô, bạn biết loại thực phẩm nầy không? Bạn thông cảm, xứ đây khó phát triển cây lúa lắm, có trồng được thì năng suất cũng rất thấp, vì đa phần là đồi núi. Thường thì ruộng lúa chỉ làm được ở dưới lũng sâu nên sình lên tới ngực, ít nhất cũng tới bụng. Bởi vậy ruộng thường nhiều phèn, rất kém năng suất. Không như ở đồng bằng sông Cửu Long, ruộng cò bay thẳng cánh.

                      ~~oo0oo~~

 Đêm qua mình ngủ hơi ít, suy nghĩ hoài về một cảnh mới, một nhà mới,  một công việc làm mới, và dĩ nhiên là một cuộc sống mới. Tất cả cứ chao qua múa lại trong đầu mình, nửa như thách thức, nửa như vuốt ve an ủi. Nó như một nghịch lý đặc quánh trong đầu mình giữa đêm khuya. Trước đây hồi còn đi học, mình chưa bao giờ nghĩ đến điều nầy, điều của một anh chàng thuần  chất nghệ sĩ, chờ lớn lên theo nghiệp cầm bút cùng hát ca, thênh thang một trời lãng du. Ai ngờ, định mệnh trớ trêu, mới 36 tuổi trời, đôi chân lại phải bươi kiếm mồi để nuôi đàn gà con chiu chít. Chấp nhận định mệnh như một thử thách, không vui cũng không buồn, y như một thỏa hiệp với thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Vậy nên mình về thôn Phú Thuận, xã Lạc Nghiệp, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng như một nghiễm nhiên phải lúc, phải đến. Dù vào hoàn cảnh nào, mình cũng không đổ lỗi cho ai cả. Việc đến phải đến. Thế thôi! Nó như một chu kỳ luân hồi không hơn không kém. Có khác chăng giữa người nầy và người nọ là Ta chùn chân trước hoàn cảnh hay hoàn cảnh phải nhường bước cho Ta? Như bạn thấy đó, mọi việc của mình rồi cũng qua suôn sẻ, có gì đâu? Nếu bạn nghĩ ra được những gì tốt đẹp ở phía trước, cứ tiến hành làm. Không một ai có thể ngăn cản bạn được trừ bản thân bạn. Hãy đi, rồi sẽ đến. Không dám đi, làm sao đến được, phải không bạn?

                          ( còn tiếp ) 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

No comments:

Post a Comment