Thursday, January 5, 2023

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 20

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 20

17.4.2021 – Mình xin lỗi, hôm qua mình đang kể cho bạn nghe về chuyện ông Nguyễn Mạnh H. em rễ của cô Lan ngang nhiên vô nhà mình mà không phép tắc gì cả, lại còn tỏ thái độ bề trên nên mình giận tím ruột. Vì thế mình tức thì chấm dứt chuyện mà quên cả chào tạm biệt bạn. Bạn bỏ qua cho mình nghe! Mình xử sự cũng ngộ thật, chuyện kể mà cũng lên cơn như chuyện đang xảy ra tại chỗ. Hi…hi…!

 Trở lại vấn đề hôn lễ của mình, hôm ấy sau khi thắp nhang cúng lạy và xin phép ông bà tổ tiên, xin phép cả mẹ các cháu cho mình và cô giáo Cao Thị Lan được bước thêm bước nữa, nên duyên chồng vợ. Ông anh rễ mình, chồng chị Sáu đại diện cho mình mời tất cả bà con lối xóm đang có mặt tại buổi lễ ngồi vào bàn để dùng bữa cơm thân mật. Bữa cơm thân mật khá vui vẻ ấm cúng, kéo dài khoảng một giờ thì tiệc tàn vào lúc 21h00 trong ngày. Mặc dù đã 21h00 giờ đêm, đường xa vắng, nhưng hai vợ chồng chị Sáu vẫn quyết định ngỏ lời với tụi mình để anh chị về lại Khu Kinh Tế Mới Châu Sơn. Mình hiểu đây là vấn đề nhạy cảm nên không có ý giữ anh chị ở lại.

 Sau khi tiệc tàn, bà con lối xóm ai về nhà nấy. mình và cô Lan cùng sáu cháu dọn dẹp bàn ghế chén đĩa gọn gàng vào một góc nhà, rồi tiếp tục ngồi lại trò chuyện với nhau. Mình thì không nói gì nhiều, nhưng cô Lan và các cháu thì hỏi han nhau huyên thiên chuyện. Mình thì cảm thấy vui vui trong cảm nghĩ một hình ảnh gia đình mới vừa được hình thành. Riêng cô Lan và các cháu lúc bấy giờ có được cảm giác gì thì mình vẫn chưa biết. Nhưng dẫu sao, thực tế vẫn cho mình thấy, mình đang lật qua một trang sách mới của cuộc đời và bắt đầu bước những bước lạ lẫm vào con đường mới của sự sống mà ở đó chẳng biết được phước hay họa đang chờ chực cha con mình (?) Vậy theo bạn, phước hay họa đến là do ta hay do một thế lực siêu hình nào ban phát? Theo mình, sự sống con người, chẳng có gì đến là ngẫu nhiên cả. Họa và phước là hai khái niệm luôn song hành, thể hiện triết lý: nhân-duyên-quả nghiệp-luân hồi-cân bằng. Bên cạnh tốt có xấu và bên cạnh xấu có tốt. Suy cho cùng, nếu ta chịu khó kiểm nghiệm lại diễn tiến cuộc sống của bản thân, ta sê thấy những điều xảy ra như thế nầy: đôi khi ta cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ? Nếu điều trên xảy ra thực sự thì không có gì là sai khi ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng khi ta bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, và hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể ta sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như ta nghĩ và đôi khi lại là cơ hội để ta có được điều tốt hơn. Với mình, không có gì xác định được là tốt hay xấu. Chẳng qua ta nhìn vấn đề qua chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi. Như mình đã nói với bạn từ trước, trong cái rủi vẫn có cái may, điều quan trọng nhất là không bao giờ từ bỏ hy vọng, vì nơi nào có sự sống thì nơi đó có hy vọng ( Where there’s life,  there’s hope ). Hãy tin, thế giới nầy vẫn luôn có một nơi tốt đẹp đang chờ ta và cuộc sống muôn mầu vẫn đang ẩn hiện đâu đó quanh ta. Tin như thế đi!

 Say sưa triết lý bâng quơ với bạn mà quên kể tiếp cho bạn nghe về “ Đêm Tân Hôn “ của mình - Đêm Tân Hôn có một không hai giữa thời bao cấp. Cô cháu chúng nó chuyện trò mãi rồi cũng đến lúc mỏi miệng phải ngưng, nhất là mỏi mắt phải ngủ. Gần 12h00 khuya rồi còn gì? Mình thấy hiện tượng đó xảy ra qua những cái ngáp dài của lũ nhỏ. Mình xuề xòa chủ động chấm dứt cuộc nói chuyện của cô cháu chúng nó bằng câu bâng quơ:” Thôi, ai nói chuyện gì thì nói, lão đi ngủ đây”. Tức thì cô cháu đồng loạt đứng lên nhưng vẫn còn lớ quớ không biết phải làm gì? Lớ quớ là đúng, vì thường ngày nhà mình chỉ kê một cái giường thật lớn vào một góc nhà, sát vách sau của nhà cho sáu đứa nhỏ ngủ. Song kề theo đó là bàn thờ mẹ chúng nó được đặt ngay chính giữa vách sau. Ngoài ra thì chẳng có gì cả, chỉ vài cái ghế gỗ thô sơ xiêu vẹo của chủ nhà cũ để lại. Chắc bạn thắc mắc, vậy thì mình ngủ ở đâu? Mình thì đơn giản thôi, mình có một cái giường xếp cá nhân, kiểu giường nhà binh - cứ tối đến thì đặt ngay chính giữa nhà để ngủ, sáng ra xếp lại gọn trơn. Có điều, giường cũng đã cũ, không biết ông Uẩn chủ nhà cũ đã xài cái giường nầy được bao lâu mà nay phần vải bố ngay chỗ đặt lưng thụng xuống khá sâu nên nằm qua đêm hay bị đau lưng. Vì thế, mình ít khi nằm ngửa mà thường nằm nghiêng để dễ trở qua trở lại đặng tránh đau lưng. Do tình trạng giường chỏng chưa kê kịp nên cô cháu nó lớ quớ là vậy. Mình vội cùng các cháu ra khoảng đất trống bên hông nhà khiêng cái giường lớn vào đặt lại chỗ cũ như thường lệ. Các cháu thì rất quen việc nầy nên chẳng mấy chốc đâu lại vào đó. Mình tắt đèn lớn và cho các cháu đi ngủ trước. Riêng mình và cô Lan đem hai cái ghế gỗ ra trước sân ngồi hóng mát và tâm sự. Được cái là nhà mình tuy ở ngoại ô, nhưng nằm ngay mặt tiền thuộc quốc lộ 27 nên thỉnh thoảng có xe qua lại cũng vui. Mình quen với cô giáo Lan tính ra cũng lâu, nhưng ít khi mình trút hết tâm sự cho cô ấy biết. Mình nghĩ, nên để cô ta nhìn hoàn cảnh bên ngoài của mình để cô ta có quyết định đứng đắn hơn khi đi đến sống chung với mình. Cái nhìn trực giác bao giờ cũng quý. Mình nghĩ bằng mắt sẽ chính xác hơn bằng tai. Sẽ chạm đến tâm từ bi hơn. Mình nói cho bạn nghe như vậy không có nghĩa là mình tôn vinh lòng thương hại mà mình mong muốn một tình thương đích thực giữa con người với con người. Có thể là mình nói vấn đề nầy với bạn hơi sớm khi quãng đời của mình và bà xã Lan còn đang ở phía trước. Dù bạn là người sinh sống trong một thế giới khác, nhưng dù sao cũng là người bạn khá thân với mình nên trước sau gì mình cũng nói tất tần tật cho bạn biết những gì mình đang có, sẽ có trong hôn nhân giữa mình và bà xã Cao Thị Lan. Đợi nhé!

  Đêm hôm ấy không có mưa nhưng sương xuống quá nhiều, mình nhìn đồng hồ thấy cũng đã gần 2h00 sáng rồi nên mình vội dìu bà xã Lan vào nhà ngã lưng tạm trên chiếc giường nhà binh tri kỷ của mình, giường tuy không ấm nhưng có đủ hai người lại trở nên ấm. Thế mới lạ!

Ấm thì có ấm đó, nhưng cả hai vẫn không sao ngủ được, tụi mình lại tiếp tục bàn chuyện trên trời dưới đất, mà cụ thể nhất là chuyện ăn ở trong nay mai như thế nào cho tiện. Bà xã Lan thì không thể nào theo mình về ở nhà mình được rồi. Bỏ cơ ngơi trên phố cho ai mà theo mình về dưới quê? Hơn nữa, từ Thôn Phú Thuận nhà mình lên tới Trường Đường Mới cô ta đang dạy học cách nhau 4 km, làm sao cô ta đạp xe nổi? Cách nào cũng bất tiện. Chỉ còn cách duy nhất là cha con mình phải di chuyển lên phố ở. Cách đó thì mình hơi cực một chút mỗi khi phải đi làm nương rẫy, nhưng chắc cũng phải chọn cách đó thôi, không còn cách nào khác.

 Vậy đó bạn, đêm Tân Hôn của tụi mình là thế, chỉ có thế. Biết đâu đó giống đêm Tân Hôn ở một hành tinh nào khác cũng nên?

 Sáng sớm ra, mình đưa bà xã Lan về lại nhà trên phố để bà ấy nghỉ ngơi. Trước khi về, tụi mình cũng thống nhất với nhau là mình và các cháu sẽ dọn lên ở chung với bà trên phố nhưng cũng phải thư thả thời gian một chút, vì mình sắp phải thu hoạch lúa.

 Đúng như dự tính, sáng ngày 05 tháng 6 năm 1976, mình tiến hành việc gặt lúa. Mùa nầy mưa gió cũng khá nhiều nên ruộng sình nhiều quá, có nhiều chỗ phải đặt những tám ván mới tựa người vào gặt được, không thì bị lún sâu. Ruộng ở Đơn Dương thuộc dạng ruộng thung lũng khe suối nên sình và phèn khá nhiều, không như những cánh đồng miền Tây, dễ cấy dễ gặt, năng suất lại cao. Ở đâu phải chịu đó thôi, trời cho gì thì hưởng cái đó. Với mình, mình cho tất cả đều bình thường vì mình quan niệm, đời luôn có luật bù trừ mà bạn. Như ở đây, ngoài việc làm lúa, những mùa thu hoạch mì gòn và nhất là mì Ấn Độ, nông dân sản xuất ra được bột củ mì rất nhiều, thị trường ăn hàng cũng mạnh. Rồi rảnh rỗi vào núi bẻ măng le về phơi khô để bán. Nói chung, có nhiều nguồn thu hoạch để bù trừ lại lúa. Vụ lúa nầy, sào ruộng mình thu hoạch được 8 thùng lúa ( loại thùng thiết gánh nước ). Như vậy cũng xem như là tương đối đạt năng suất. Sào ruộng nào cao nhất cũng chỉ thu hoạch được 10 thùng thôi bạn à. Vậy cũng nên mừng cho mình nhé bạn hiền!  Mình không biết những chỗ khác thì sao, nhưng tại địa phương mình ở, cụ thể là thôn Phú Thuận, nông dân thường hay đong đếm lúa bằng thùng thiết, loại thùng gánh nước 20 lít, tương đương bằng 1 giạ lúa.

                         ( còn tiếp )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NẾU CÓ MỘT NGÀY *Thơ Phan Mạnh Thu *Nhạc Nguyễn Văn Thơ *Ca sĩ Giáng Hương

Wednesday, November 16, 2022

BIẾT NGƯỜI CÒN NHỚ HAY QUÊN... pb 2 - Minh Xuân

BIẾT NGƯỜI CÒN NHỚ HAY QUÊN pb 1

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 19


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 19

15.4.2021 – Hôm nay gặp bạn, không biết phải tâm sự với bạn ra sao cho phải lẽ. Bởi chính bản thân mình, lúc bấy giờ mình vẫn thấy không có lối thoát. Chuyện tình cảm mà cứ đem ra cân, đo, đong, đếm như chuyện của mình với cô Lan thì không sớm cũng muộn sẽ đi vào ngõ cụt. Không hiểu sao, biết con đường phía trước lắm gập ghềnh nhưng chân vẫn cứ bước, bước như sợ ngày mai không được bước. Sự thương yêu vô thức, không giới hạn của mình đối với đám con côi cút lúc bấy giờ tạo cho mình một áp lực ghê gớm, buộc phải vượt qua dù phía trước là ngọn núi Everest đang chắn lối. Bạn biết không, trên thế gian nầy chẳng có một cặp vợ chồng nào suốt cả đời không hề đi chung với nhau như vợ chồng mình. Lúc bà còn sinh thời, dù đường sông hay đường biển, dù phương tiện xe hơi hay máy bay, lúc nào mình cũng viện cớ này hay cớ khác để không đi chung với bà xã mình. Lý do thật ngộ nghĩnh nhưng mình luôn nghĩ là thiết thực. Đó là, lỡ giữa đường xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến cả hai vợ chồng chết hết thì sao? Ai sẽ nuôi con sau nầy? Nói như vậy để bạn thấy mình thương con như thế nào. Thật tội nghiệp cho bà vợ mình, mình không dám nói thật những suy nghĩ của mình lúc bấy giờ cho bà biết, sợ bà bị ám ảnh. Cứ mỗi lần có dịp phải đi chung đâu đó, nhất là đi máy bay về Sài Gòn thăm bà ngoại chúng nó, mình tìm đủ mọi cớ để đi riêng. Dĩ nhiên là cớ phải hợp lý để bà không thắc mắc và nghi ngờ. Mình không biết trong các trường hợp “nói láo”, trường hợp nầy có tội hay không? Mình nhiều lần đã đưa lên bàn cân lương tâm để cân, nhưng lần nào đám con mình cũng thắng. Chẳng biết có nên tội nghiệp cho bả không, hay trong tâm, bả lại thấy tội nghiệp mình? Vì đơn giản, bà biết mình rất yêu bả mà!

16.4.2021 – Đáng ra mình không nên gặp bạn liên tiếp những ngày như thế nầy vì tình hình Covid-19 rất căng thẳng, nhưng mình không muốn bạn nghe đứt mạch những tin sốt dẻo về cuộc đời mình trong những ngày xưa ấy. Hơn thế nữa, cho đến bây giờ, mình cũng chưa biết mình đúng hay sai trong việc hôn nhân giữa mình và cô Lan. Mình muốn gặp bạn như muốn tìm một nhân chứng trong phiên tòa lương tâm đích thực của đời mình, mà trong đó bạn vừa là nhân chứng, vừa là thẩm phán và vừa cả chánh án để phân xử. Phía mình, mình không thuê luật sư bào chữa nào cả. Luật sư bào chữa cho mình chính là những đứa con ngây ngô thơ dại lúc bấy giờ, lời nói của chúng trước Tòa chính là lời vô ngôn. Chắc là bạn thấu rõ nhất?

 Rồi thì bạn biết không, ngày 02 tháng 6 năm 1976, tức mùng 5 tháng 5 năm Bính Thìn, mình quyết định làm đám cưới với cô Cao Thị Lan. Mình tự xem ngày, mình không nhờ thầy bà nào cả. Ngày tốt xấu, nên hay không nên đều có trong sách vở của ông bà xưa để lại, cứ thế mình đem ra phân tích và lý giải làm sao cho hợp với bản mệnh của mình là được. Mình cũng tin dị đoan lắm chứ, bởi dị đoan theo mình là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Mình không bài trừ dị đoan, bởi mình không cho dị đoan là một tôn  giáo hay dị giáo, vì mình thỉnh thoảng đã bắt gặp những hiện tượng “dị đoan” trong đời sống thường nhật của mình, và mình tin  “dị đoan” đang hiện hữu trong đời sống. Không thể nào không tin được.

 Mình xin nhắc lại cho bạn rõ để không phân vân và lo cho mình, ngày 02 tháng 6 năm 1976, tức ngày mùng 5 tháng 5 năm, ngày Ất Dậu, tháng Giap Ngọ, năm Bính Thìn, tiết Tiểu Mãn, là ngày Minh Đường Hoàng Đạo. Nói chung là ngày rất tốt, đúng là ngày để tổ chức cưới hỏi. Chuyện hôn nhân của mình và cô Lan mà nói đến danh từ “ Đám Cưới” thì nghe sao to lớn quá, nhất là vào thời điểm lúc bấy giờ,, thời điểm phải chạy ăn từng bữa. Mình nói như vậy xin bạn đừng hiểu lệch ý mình. Mình không trách cứ ai cả, không ai gây ra cả. Mệnh nước thay đổi, theo mình là một chu kỳ luân hồi, chỉ đơn giản thế thôi. Bởi vậy, thích nghi với hoàn cảnh là bản năng trời phú cho con người bạn à, mà cụ thể là mình và các con mình, vẫn vui khỏe như mọi ngày. Và nếu sau đám cưới, nhà mình hình thành được một gia đình đầm ấm thì là vượt trên cả mong ước.

 Rạng sáng ngày 02 tháng 6 năm 1976, mình và các con dậy sớm quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Trên bàn thờ mẹ chúng chưng đầy đủ hoa quả. Để gói gọn mọi lễ nghi rườm rà, mình đã bàn bạc với ông anh rễ và bà chị thứ sáu, chỉ nấu một mâm cơm tươm tất cúng ông bà và mẹ các cháu, rồi sau đó dọn thành bàn tiệc mời bà con lối xóm tham dự, tiện thể tuyên bố chuyện ăn đời ở kiếp của mình và cô giáo Lan luôn một thể. Mình cũng đã bàn bạc với cô Lan, ngày ấy cứ bình tâm thong thả mà xuống, không cần phải xuống sớm quá, vì giờ hoàng đạo của ngày Ất Dậu từ 17h00 đến 19h00. Tụi mình đồng tâm làm lễ cưới đúng thời gian nầy trong ngày. Cũng nhờ thím Phụng, chị hai Giỏi và chị Sáu của mình từ khu kinh tế mới Châu Sơn ra trước đó một ngày nên mọi việc chợ búa và nấu nướng không gặp gì trở ngại cả. Và cũng còn một điều may hơn nữa mà mình thấy cũng cần nói với bạn, đó là đám cưới hôm đó mình không phải vất vả chạy ngược chạy xuôi để mượn tiền, hên cái là mới bán được chút tiền khá khá từ những món hàng bà ngoại các cháu vừa mới gởi về. Nói về tiền bạc, mình hay gặp hên vào giờ chót lắm, nên riết mình tin “dị đoan” là có thật, có đóng “ vai “ trong đời sống của mình. Rất nhiều  lần, phải nói là rất nhiều lần, mình túng quay túng quẫn không biết phải xoay xở ra sao, thì sau đó, nhiều lắm là 2 ngày, mình lại gặp may; hoặc là tiền bạn bè nước ngoài gởi về cho, hoặc tiền của khách hàng gởi về nhờ viết nhạc, hoặc tiền trúng số…Xin bạn đừng vội cười mình nhé! Mình chỉ mua vé số bằng đồng tiền lao động của mình. Mình luôn cân đối tiền thu chi, trong đó có chi cho vé số. Mình mua vé số không nhiều, mỗi ngày 1, 2 vé trong số tiền mình kiếm được bằng sức lao động của mình. Có nhiều người nghĩ mình mê vé số, nhưng kỳ thực không phải vậy. Mình còn nhớ, vào một lúc nào đó mình đã nói với bạn rồi, sáng mở mắt ra mà không có một công việc gì đó để làm và không có một điều gì để hy vọng thì con người mình giống như cây củi mục chờ rũ tàn. Vậy đó bạn, mình mua vé số để có được chút hy vọng, dù chỉ hy vọng trong 24 giờ. Dẫu sao, được vui trong 24 giờ đã có? Còn hơn không có giờ nào trong ngày để vui?

 Huyên thuyên với bạn về việc mua vé số mà quên kể tiếp cho bạn nghe những diễn tiến trong đám tiệc hôm đó. Bà con lối xóm mà mình đã mời hôm ấy tới dự đông đủ. Nói chung, phía bên họ nhà trai thì xem như có mặt, không thiếu ai. Riêng phía bên nhà gái thì duy nhất chỉ có cô giáo Cao Thị Lan thôi. Sở dĩ có tình trạng nầy vì bên chị em nhà cô Lan không đồng tình với cô Lan quen biết với mình. Cốt lõi của vấn đề là họ phân biệt giai cấp, cho rằng mình là kẻ tha phương cầu thực, khố rách áo ôm. Lấy nhau chỉ tổ cha con mình ăn bám vào gia đình nhà họ, mà đơn cử là cô Lan. Họ nặng về vật chất hơn là tinh thần nên họ chẳng cần nghĩ gì đến tính nhân văn của cuộc sống. Chỉ tiếc là chị em họ xuất thân từ một gia đình trí thức, đa phần học trường Pháp cả, nhưng họ sống không độ lượng, vị tha, khoan dung. Không có tinh thần ngợi ca phẩm chất giữa người với người. Họ thiếu đi khát vọng công lý nên họ không giúp con người có được cái nhìn tốt hơn trong cuộc sống.

 Trong gia đình phía ấy, mình nghĩ chỉ có anh con rễ Nguyễn Văn Bạc, tức là em rễ cô Lan là tương đối dễ giao tiếp hơn cả, cũng không gì lạ, vì anh ấy là bạn với mình qua sự giới thiệu của bác Tám Tham. Nhưng không hiểu sao anh ấy cũng không đi tham dự lễ ra mắt của mình và cô Lan? Có thể là do ảnh hưởng áp lực của gia đình. Thôi, cũng không sao cả! Điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm của cô giáo Lan đối với mình, phải không bạn? Điều này là mình hiểu rõ nhất, cả chủ quan lẫn khách quan.

 Mình biết áp lực gia đình bên đó là rất lớn, trước đó một tháng, có ông Nguyễn Mạnh H. là em rễ của cô Lan, chồng của cô em kế cô Lan là Cao Thị L. Ông nầy trước 1975 làm công chức bên Ty Thông Tin, nghe đâu cũng là ông kẹ một thời, khiến dân lành thời buổi đó phải nể sợ. Ông ta từ Sài Gòn ra Đơn Dương, nhờ cậu học trò cô Lan dẫn lối xuống nhà mình. Lúc bấy giờ mình đang ở rẫy khoai vừa về, gặp hai người đang đi quanh nhà, mặt cúi xuống nhìn từng góc nhà xó bếp, có vẻ như quan sát. Mình gật đầu chào nhưng hai người không buồn chào lại. Mình hơi giận, định lên tiếng mời hai người ra khỏi nhà, nhưng  kịp nghĩ lại nên thôi.

                           ( còn tiếp )

                                                                                            

DẤU QUÊ HƯƠNG




DẤU QUÊ HƯƠNG

Đẹp làm sao con đường 907
Mới ngày nao bùn đất níu bàn chân
Nay tráng nhựa phẳng lì như mặt nước
Lòng hân hoan…yêu biết mấy Vĩnh Long!

Đất nước ta mỗi ngày mỗi đổi mới
Từ nông thôn đến thành thị quê mình
Xin em hãy ghé về thăm một chuyến
Sẽ thấy lòng phơi phới vững niềm tin

Anh sẽ đưa em đi thăm Trung Ngãi
Thăm mô hình cá lóc bể bạt giăng
Thăm đàn bò no tròn lông óng mượt
Trên cánh đồng Trung Chánh chạy lăng xăng

Lòng vẫn muốn đưa em thăm nhiều chỗ
Như Qưới An, Qưới Thiện, Trung Thành Tây
Thăm Hiếu Thuận, Hiếu Nhơn, Hiếu Nghĩa…
Bởi nơi đâu cũng đổi mới no đầy

Cầu Phong Thới xuôi đường về cồn cát
Bến phà xưa luôn đầy ắp tiếng cười
Người qua lại đông như ngày mở hội
Ôi,Vũng Liêm đổi mới thật là vui !

Nơi anh ở có con kênh nước dẫn
Vào ruộng đồng năm ba vụ thuận mùa
Ấp Phong Thới kể từ ngày đổi mới
Dân dư ăn dư để chẳng còn thua…

Tết tới đây, em về thăm quê nhé !
Tận mắt nhìn vóc dáng của Quê Hương
Hương rơm rạ xông lên từ tiềm thức
Em sẽ nghe lời ru Mẹ cuối đường

TUYỀN LINH

Sunday, October 30, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 18


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 18

02.4.2021 - Bạn ơi, kể ra mình cũng tệ, lâu rồi chưa ghé thăm bác Tám Tham. Hôm ấy nhân ngày chủ nhật 23/5/1976 mình ghé bác để tin cho bác biết những tín hiệu lạc quan về đời sống của cha con mình trong những ngày qua, nhất là chuyện vừa đi lãnh thùng hàng từ Sài Gòn về. Người ta thường bảo, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Vâng, rõ ràng là như vậy. Nói để bạn biết, khi đặt chân xuống đất Sài Gòn, bất cứ việc gì cũng phải học khôn cả. Từ chuyện xếp hàng để chờ ghi tên lãnh phiếu, đến việc tiếp xúc nhân viên phát hàng, cả việc nghe ngóng để biết những khôn dại trong khâu xử thế với nhân viên phát hàng. Nói chung, cái gì cũng phải học cả. Bởi lẽ, chỗ nào có “miếng ăn” là chỗ đó luôn đẻ ra muôn ngàn thứ lừa lọc khó lường. Như bạn đã thấy rồi đó, ngay cả khi con người  chết đi thì sau đó xã hội sẽ đẻ ra ngay một đám khóc mướn, khóc thảm còn hơn cha mẹ họ chết kìa. Như thế thì trên đời nầy, ngay trong hành tinh mình đang sống đây, luôn phải đề phòng những bất trắc có thể xảy ra cho bất cứ ai đang sống lương thiện. Nói như thế không có nghĩa là xúi bạn nên sống quỷ quái mà bạn phải thấy được những quỷ quái của những kẻ bất lương để tránh né. Chuyện thật thật giả giả là chuyện thường tình trong cái xã hội mình đang sống. Mình không dám nói đạo đức suy đồi, nhưng những cảnh tình hiện thực mình thấy là có. Những hình ảnh đóng kịch của mình với chiếc giỏ xách rách rưới khi vào nhà nghỉ trọ, có một chút cảm giác làm mình xấu hổ như mình chính là người láo lếu. Nhưng biết sao bây giờ? Gặp thời thế, thế thời phải thế. Mong bạn thông cảm !

                    ~~oo0oo~~

 Chào bác, hôm nay bác dậy sớm thế!

Thơ đó hả? Dạ con từ Sài Gòn mới về.

Bác Tám Tham đang ngồi uống nước trà trong phòng khách, Bác chỉ tay vào ghế mời mình ngồi.

Mình không đợi bác cất thêm lời, mình kể một hơi về chuyện đi Sài Gòn lãnh thùng hàng cho bác nghe. Bác khen mình còn trẻ mà cẩn thận và chu đáo là đức tính tốt. Có một điều đặc biệt, suốt hơn 50 phút chuyện trò với bác, bác không hề hỏi mình nhận được những gì bà ngoại các cháu gởi về cho. Tính bác tự trọng nên không thích tò mò những điều có phần nhạy cảm. Mình thấy bác có những đức tính gần giống như cha mình. Cha mình suốt một đời lặn lội vì con, tất cả vì con, cho con. Chẳng may, mẹ mình mất sớm, khi ấy mình mới 5 tuổi, lại gặp thời loạn lạc chiến tranh năm 40 – 45, muôn dân đều đói khổ. Với cảnh gà trống nuôi con, cha mình một tay gồng gánh thật là tội nghiệp. Nhờ bẩm sinh cha mình là người khéo tay nên cha mình làm đủ nghề để kiếm sống nuôi con. Rồi mọi gian nan cũng qua, cha con mình vẫn sống hạnh phúc. Cha mình mất năm ông 63 tuổi. Có một điều mình tiếc là nếu như thời buổi mình đang sống đây thì chắc chắn cha mình không chết. Hình như lúc ấy ông chỉ bị chứng bịnh sệ ruột, thế mà cũng phải bó tay. Nếu như trình độ y khoa phát triển như bây giờ thì bịnh nầy chữa trị dễ ợt. Mình xem như cha mình bị chết oan. Tiếc nhớ quá…!

Cũng đã gần 9h00 rồi, mình xin phép bác Tám để về hầu lo bề bộn công việc ở nhà nữa.

                       ~~oo0oo~~

 

 Mình đi Sài Gòn tính ra cũng đã gần cả tuần rồi, việc gì thì còn kéo lê được nhưng việc nhà nông mà chậm vài ngày thì thất bại một vụ. Mình biết thế nhưng thân một mình, biết sao bây giờ? Sào ruộng lúa nước thì tạm yên tâm, chỉ tạm thôi chứ cũng lo cỏ dại và chuột bọ, nhưng mấy ngày nay trời khô hạn nắng gắt, mình lo nhất là sào khoai lang tím mới xuống giống. Nghĩ thế nên mình ba chân bốn cẳng chạy vội xuống rẫy khoai lang xem sao? Ô, rất may là chưa sao. Tối qua nghe thím Phụng nói, trong những ngày mình đi Sài Gòn, ở đây cũng có mưa lai rai. Chắc nhờ vậy nên mình thấy đọt lang vẫn nảy lá non tốt. Hú hồn, mừng ghê…! Chưa kịp ăn trái bắp luột mang theo, mình liền gánh nước tưới sương qua các vồng lang cho đỡ hốc. Mình phải mất hết cả buổi sáng mới tưới đẫm hết sào lang. Rất mệt, nhưng vui. Cả 7 cái miệng chỉ trông chờ vào sào lang và sào lúa nước thì có mệt cũng phải vui. Thôi thì mình cứ hiểu theo cái nghĩa đen thui của câu thành ngữ:” Có thực mới vực được đạo” bạn nhé! Như thế cho yên cái cảnh gà trống nuôi con?

 Trưa hôm đó mới là một buổi trưa mình ăn cơm ngon miệng nhất dù là cơm ghế lát mì khô. Hay nói một cách văn chương nông dân kiểu tụi mình lúc bấy giờ là cơm “ mì cõng gạo “. Thật vậy, hình ảnh lát mì khô cõng vài hột cơm trong nồi, mình không bao giờ quên. Nhưng không sao, điều quan trọng đối với mình là sống sao cho đúng với nghĩa sống. Con người sinh ra không phải để ăn, cái chính là để sống. Nghĩ đến việc nầy, ngay tức thì nhiều vấn đề chao đảo trong đầu mình. Sống vì cái gì? Ý thức, hạnh phúc, đạo đức, thiện và ác, ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Mình hơi bâng khuâng lúc bấy giờ, nhưng rồi cũng định thần lại được nhờ nghĩ đến 6 đứa nhỏ.

 Sau khi ăn cơm trưa xong, mình mở thùng hàng ra để kiểm lại mọi thứ, xem những món nào có thể đem lên chợ chào hàng chiều nay và tiện thể xem giá cả mua bán ra sao. Mình định nằm nghỉ một chút cho đỡ mệt vì cả buổi sáng phải gánh nước tưới các vồng lang đau vai quá, nhưng không hiểu sao trong lòng cứ nôn nao khó tả. Rồi mình dặn dò các cháu những việc nhà cần thiết, nhất là việc phơi lúa sao cho chu đáo. Mình mặc quần áo chỉnh tề và đem theo một túi xách những mặt hàng mẫu của bà ngoại các cháu gởi về để lên chợ dạo giá.

 Chợ Lạc Nghiệp chiều nay đông quá, đã 3h00 chiều rồi mà vẫn còn đông. Thường thì các hàng hóa rau tươi tập trung lên chợ vào buổi sáng, sao hôm nay các nông sản ở các thôn lại tập kết vào buổi chiểu? Cũng lạ thật!

 Mình vào chợ và đi thẳng vào các cửa hàng quen để hỏi giá bán. Các cửa hàng nầy mình cũng đã vài lần trao đổi với họ rồi nên mình tin họ. Sau khi dọ giá xong, thấy vừa ý, mình bán hết những hàng mẫu trong túi xách và gởi tạm túi xách trong một cửa hàng quen. Mình thấy thời gian cũng còn sớm, mình tạc qua nhà anh Bạc gần đó để thăm hai vợ chồng, tiện thể thăm cô Lan luôn. Không biết những trạng thái nôn nao khi còn ở nhà có phải là chuyện thăm viếng nầy không, mà nếu phải thì tại sao là vậy? Gần đây, có lắm chuyện, mình cũng không hiểu được mình. Như chuyện không thiết tha lắm cho con đi học mặc dù không nhiều thì ít, cũng có đôi lần mình lầm tưởng mình là kẻ sĩ. Đầu óc mình luôn xáo trộn bởi những điều nghịch lý. Mình bị xô đẩy, níu kéo, giằng co liên hồi giống tựa hình thù một con lật đật. Hôm ấy mình đến thăm cô Lan cũng đang mang trạng thái đó. Cái trạng thái nắm lấy thì lo, bỏ đi thì tiếc. Nhưng có một điều mà cần phải nói trắng ra với bạn tại đây, đó là tâm hồn mình vẫn đang trống rỗng. Vâng, trống rỗng! Có chăng là những ngổn ngang đặc quánh của lý trí, mà tệ hơn là lý trí bản năng. Thứ lý trí mà những người ham viết lách như mình rất ghét, nếu không muốn nói là tởm. Lúc bấy giờ mình châm chế cho mình bằng những ý nghĩ “ sự đời đưa đẩy “ như một lời thứ lỗi thô bỉ nhất chưa từng nghe. Mà mình vẫn nhận lời thứ lỗi ấy. Thế mới lạ chứ! Rồi cứ tuần tự theo lời thứ lỗi ấy, mình tìm gặp cô Cao Thị Lan sau khi chuyện trò xong với vợ chồng anh Bạc. Thú thật với bạn, mình nói đến thăm vợ chồng anh Bạc rồi tiện thể thăm cô Lan, nhưng thực ra trong ý nghĩ đen tối hiện hữu, cô Lan mới là cái đích chính mình tìm đến. Mình cũng không biết mình đã đánh lừa mình từ khi nào. Có một điều tệ hại là lúc bấy giờ, mình không biết mình bị đánh lừa nên mình nhập cuộc một cách rất hứng khởi. Hứng khởi đến nỗi mình không quên một lời đường mật nào đã in sẵn trong sách vở của những chàng sở khanh đáng ghét đáng khinh. Mình đến trò chuyện với cô Lan lần này là lần thứ 6 kể từ khi quen biết với anh Bạc, cho nên mình rành rọt cuộc sống và nắm vững tâm lý cô ấy. Bởi vậy, lần nầy mình tấn công vào đường tình cảm cô ấy như một thủ thuật binh pháp Tôn Tử, biết ta biết người trăm trận trăm thắng. Nhưng bạn ơi, thắng mà buồn, vì mình đâu có thắng được mình. Chẳng qua, mình thắng cô Lan để những đứa con mình có được một tổ ấm đúng nghĩa. Thế thôi!

               ( còn tiếp )