Thursday, March 31, 2022

TÔI VỀ


 

TÔI VỀ

Tôi về

từ Bệnh Viện Xuyên Á Vĩnh Long

nơi tôi chiến đấu 6 ngày

với bịnh Tiểu Đường và Giãn Tĩnh Mạch

Trời, Phật, Chúa thương tôi nên chỉ cách

phải về nhà thôi

vì 10 triệu trong túi đã cạn sạch hết rồi

Tôi nhà nghèo nhưng lâm bịnh nhà giàu

đành chịu chuỗi chữa trị trệ ngưng đứt đoạn

 

Tôi về giữa một buổi trưa hanh nắng

Tôi không tìm ra ngôn từ nào

để diễn tả đúng tâm trạng của tôi

phố xá, ngựa xe, dòng người tất bật quá đi thôi

đói no, giàu nghèo nghe mà phát sốt

Giữa thời Covid ai còn ai mất

chẳng ai thèm để ý đến làm gì

 

Tôi nhớ ra rồi

Tôi sẽ về nhà tìm những lời nói vô ngôn

Nơi bạn bè tôi đang chờ đợi tôi

khi tôi cất lời tạm biệt

 

Y sì là thế

một trăm tám mươi bạn chúc lành

với tấm lòng ruột thịt trên cả vô ngôn

Trong cơ thể tôi niềm vui cứ đổ dồn

xóa tan tiểu đường lúc nào

tôi chẳng hay chẳng biết!

TUYỀN LINH

  30.3.2022

 


Tuesday, March 22, 2022

LỤC BÁT THÁNG 3


LỤC BÁT THÁNG 3

Tôi về gom lá cuối xuân                   
Đem phơi nắng hạ xem chừng mơ phai
Tháng 3 nắng gắt đổ dài
Một tôi cổ tích với Sài Gòn mơ

Những nghe mòn mỏi môi chờ
Cả trong giấc ngủ còn ngờ chiêm bao
Tháng 3 đất thấp trời cao
Liêu xiêu hạt nắng tràn vào tâm tư

Tôi ru tôi khúc ngậm ngùi
Hồn theo bóng nắng thân vùi xác thân
Treo tình lên ngọn phù vân
Nhìn em tôi thấy chặp gần chặp xa

Mải mê trong giấc phù hoa
Giật mình với một tháng 3 lạnh hồn
Tôi về nhặt bóng hoàng hôn
Tìm xem trong đó… nỗi buồn còn nguyên?

TUYỀN LINH

Tuesday, March 15, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 4


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

Tập II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 4

02.2.2021 – Xin kể tiếp bạn nghe, mình đưa mắt nhìn về phía bờ bên trong, người vẫn đông như kiến, ca nô chở người di tản hoạt động liên hồi. Mình nhận thấy càng về chiều, càng nhiều các anh em binh sĩ thuộc sư đoàn 2 bộ binh có mặt nơi đây. Hình như họ ra đây với tư thế chạy lánh nạn, ít có người trong số họ mang theo vũ khí. Trời đã ngã chiều, nắng trở nên thoi thóp, mặc dù thế, trên xà lang lại càng nhốn nháo hơn lên. Tiếng than khóc mỗi lúc một nhiều, vì đói, vì khát và vì chết mà không kịp trối trăn. Có người bị chết, nhưng cũng có người tự chết. Chết để không bị thấy cảnh mà ngàn đời sau không còn muốn thấy nữa. Nhưng người muốn đâu bằng trời muốn, cảnh đời vẫn tiếp diễn…tiếp diễn…Tiếp diễn mãi trong một buổi chiều oan nghiệt khôn lường. Bạn biết không, lúc bấy giờ đã là 6h30 chiều, trời đã nhá nhem, thế mà ca nô vẫn chở đầy ắp các anh lính bộ binh sư đoàn 2 cập sát mép xà lang. Khi các anh lính vừa nhô lên xà lang thì lập tức bị một tràng đạn súng M16 hạ gục do một nhóm người mặc quần áo rằn ri trên xà lang bắn. Mình hoảng hồn không hiểu điều gì xảy ra nữa. Đã là thế, nhưng các ca nô khác vẫn cứ tiếp tục cập sát xà lang, rồi bị bắn chết, rồi tiếp tục…rồi chết. Khi tiếng súng im hẳn, bạn không thể tưởng tượng được đâu, nước chỗ mép xà lang không còn là màu xanh của nước biển nữa mà toàn là màu đỏ. Mình không biết được thành phần chủ động bắn là ai, chỉ thấy họ mặc quần áo rằn ri, mình bị khuất tầm nhìn nên không thấy rõ được phù hiệu trên quân phục của họ. Lúc bấy giờ mình cũng không muốn tìm hiểu thêm làm gì nữa. Sợ quá…! Mình liền cởi vội bộ đồ lính quân cụ của mình ra vất xuống biển. Chỉ mặc lại trên người mình duy nhất một cái quần đùi xanh. Vậy thôi. Mình nghĩ như thế sẽ an toàn cho tính mạng của mình hơn.

  Đêm dần xuống, màn đêm bao phủ dày đặc tứ bề, chẳng ai ngờ rằng thời điểm lúc bấy giờ mới là thời điểm kinh hoàng nhất. Không hiểu sao, tất cả những người trên xà lang bắt đẩu xô đẩy giẫm đạp lên nhau như những kẻ điên loạn. Họ la hét, khóc gào, thậm chí có một số người nhảy ầm xuống biển. Mình không hiểu nguyên nhân từ đâu để xảy ra cảnh náo loạn nầy. Rồi mình nghe có tiếng súng phát nổ phía góc bên kia xà lang, chỗ phát ra đóm sáng nhỏ như ánh sáng đèn pin. Tiếp theo là những cuộc xô đẩy giẫm đạp của đám người trên xà lang lại càng dữ dội hơn. Trong những âm thanh hỗn tạp vừa phát ra ở phía góc bên kia, mình nghe có tiếng la cướp…! cướp…! Tiếng cướp được lan ra trong đám đông nhanh như điện. Phản xạ tự vệ tự nhiên của đám người trên xà lang lúc bấy giờ là xô đẩy nhau để thoát ra xa chỗ đang bị cướp, kéo theo một hệ lụy giẫm đạp lên nhau còn tàn bạo hơn cướp - nhiều đàn bà và trẻ em bị chết. Trước cảnh hãi hùng đó, mình gồng mình gắng sức giữ chặt đám vợ và con mình, nhưng cuối cùng cũng đành bất lực buông tay. Ngay cả bản thân mình, mình cũng không có cách gì đứng yên được một chỗ, cứ phải nương theo làn sóng người xê dịch để không bị giẫm đạp. Dù rất gắng sức chống đỡ, nhưng mình vẫn bị sưng bầm toàn thân.  Mình gần như mất trí. Giữa một rừng người luôn chao đảo một cách bản năng như thế, làm sao mình có thể tìm gặp được vợ con đây? Những bước chân xiêu vẹo của mình lúc bấy giờ hoàn toàn vô thức. Tuyệt vọng. Rất nhiều lần mình cố sức nhào về hướng mép xà lang để nhảy xuống biển, nhưng cũng không được. Rừng người là vật cản không cho mình thực hiện ý định. Minh biết trước sau gì vợ con mình cũng chết nên mình không còn hy vọng sẽ gặp lại. Chắc chắn là như vậy. Mình không muốn thấy hình ảnh vợ con mình nằm chết như những xác chết bên cạnh mình đã thấy. Không ngôn ngữ nào có thể lột tả hết được những hình ảnh bi thương lúc bấy giờ. Có một điều lạ, giữa lúc mình rất muốn chết thì mình thấy lờ mờ một hình tượng Phật Đà rất lớn hiện lên phía trên khoảng không của xà lang, lúc rõ lúc mờ. Mình chưa kịp suy nghĩ gì thì mắt mình bỗng tối om và sau đó mình chẳng hay biết gì nữa cả.

                   ~~oo0oo~~

  Mình vừa xem trên TV cảnh bạo loạn nhân ngày kiểm phiếu tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ lần thứ 46 giữa đương kim TT Donald Trump và cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, chợt mình liên tưởng đến cảnh bạo loạn năm 1975 tại Việt Nam. Mình cũng xin nói rõ với bạn, mình không liên tưởng đến sự kiện chính trị đâu mà chỉ nghĩ đến việc chết chóc không thôi, cũng đã thấy quá khiếp đảm rồi.

  Như lần trước mình đã kể cho bạn nghe rồi đấy, khi mắt mình bỗng nhiên tối om và tức thì ngã xuống bất tỉnh, lúc bấy giờ mình không còn hay biết gì nữa cả. Lúc tỉnh dậy thì thấy trời mập mờ sáng, như thế là mình đã bị ngất xỉu và đã thiếp đi qua một đêm, trạng thái trong người mình rất bần thần. Mình có cảm giác như mình vừa bị rơi vào một hành tinh nào rất xa lạ, không phải trái đất của mình đang sống. Hình ảnh lúc bấy giờ trên mặt xà lang y hệt như một bãi tha ma lộ thiên không được chôn cất. Mình không thể nhớ nổi điều gì đã xảy ra chung quanh mình. Mình vẫn giữ tư thế nằm ngửa mặt lên trời như hồi mới tỉnh dậy để định thần, để nhớ lại…Mình xin lỗi bạn, mình không biết phải dùng ngôn từ gì cho đúng nghĩa để nói lên hình ảnh lúc bấy giờ mình đã mục kích cho bạn hiểu được tường tận. Mình chỉ tạm dùng từ bãi tha ma lộ thiên chứ thật sự cũng không đúng nghĩa bãi tha ma. Trên bãi nầy cũng có người còn sống, không chết, nhưng xem ra họ quằn quại dữ lắm; có thể chết cũng có thẻ sống nếu có thân nhân đỡ đần. Mình cũng muốn giúp họ nhưng ngặt nỗi sức khỏe mình lúc bấy giờ cũng chẳng hơn gì họ mấy. Hơn nữa, đám con và vợ mình cũng đang nằm lẫn lộn trong đám người nửa sống nửa chết trên xà lang, mình cũng đang lần tìm.

Mình vận dụng cả ý chí và sức lực để đứng lên, người mình vẫn còn loạng choạng không được vững, nhưng mình mừng lắm vì nghĩ, chắc chắn là mình còn sống. Mình rán bước từng bước khập khiễng đi về phía trái, chỗ đông người đang nằm, mắt không rời một ai. Mình đang tập trung thị giác vào từng khuôn mặt của mỗi người đang nằm trên xà lang, cả sống lẫn chết. bỗng giật nẩy người vì tiếng gọi sau lưng:” Ba ơi Ba, bé chuột Ba nè!”. Mình quay vội mặt về phía có tiếng gọi thì hỡi ôi, thấy thằng con trai thứ hai của mình là Nguyễn Duy Việt đang khệ nệ xách nách em nó là Nguyễn Thị Giáng Vân bên hông, trông thật đáng thương. Cháu Vân chưa được tỉnh táo, vẫn còn nhắm nghiền mắt, hai cánh tay còn lòng thòng lủng lẳng như người mới chết. Lúc bấy giờ mình lo quá! Mình vội hỏi thằng anh nó:” Con gặp được nó ở đâu vậy?”. Nó vừa nói vừa đưa tay chỉ:” Con thấy nó nằm đằng kia!”. Mình vội ẳm bé Vân để nằm tạm ở một chỗ tương đối trống trên mặt xà lang, rồi dặn thằng anh nó:” Con ngồi xuống đây trông coi em, không được đi đâu nữa nghe! Ba đi tìm Má mày và mấy đứa”. Nó dạ và riu ríu nghe theo. Mình cảm thấy hình như có một sức mạnh vô hình nào đó đang nhập vào người mình để trợ giúp mình, mình đứng lên mạnh mẽ và tỉnh táo đi từ từ, quan sát thậy kỹ đám người còn đang nằm la liệt trên xà lang. Bỗng mình dừng chân trước một đống xác, rất nhiều… đa phần là trẻ em nằm chồng chất lên nhau. Linh cảm báo cho mình biết, có một điều gì đó buộc mình phải ngồi xuống. Mình lật từng xác rời ra, và thật bất ngờ, mình phát hiện ra bé Châu – con gái út mình – đang nằm sấp dưới ba cái xác trẻ em khác. Bé chỉ lộ ra được cái đầu, còn thân mình bị che lấp bởi ba cái xác kia. Mình vội bế bé lên, ôm chặt vào lòng. Lúc bấy giờ mình tưởng bé đã chết, nhưng một hồi tĩnh tâm, mình nghe bé còn thở, mình mừng quá ẵm bé đi một hơi về chỗ gặp anh nó hồi nảy. Đã mừng, lại càng mừng thêm, khi về đến chỗ anh nó, mình đã thấy chị kế nó là Nguyễn Thị Giáng Kiều ngồi đó từ bao giờ. Hỏi ra mới biết, vô tình chúng nó gặp nhau. Như vậy là mình đã gặp được bốn cháu rồi ( Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Thị Giáng Kiều, Nguyễn Thị Giáng Vân, Nguyễn Thị Giáng Châu ). Mình thật may mắn, cả một bãi người nằm la liệt như thế trên chiếc xà lang, mà mình đã gặp được 4 cháu là cả một điều kỳ diệu, nếu không nói là phép mầu. Mình cũng cần nói thêm để bạn biết, khi mình gặp các cháu, mình thấy quần áo của chúng xơ xác, rách bươm. Như thế đủ biết các cháu bị giẫm đạp như thế nào trong đêm hoảng loạn ấy.

                        ( còn tiêp )


Monday, March 14, 2022

NHỮNG CON CHỮ THÁNG TƯ


 

NHỮNG

CON CHỮ THÁNG TƯ                                    

Hình như những con chữ

Đang nhảy múa cùng tôi

Trong cái đầu thờ thẩn

Khiến tâm trí thẩn thờ

 

Mớ bòng bong Covid

Hiện hữu giữa sắc không

Giữa khoảng trời yên tĩnh

Của thế giới đại đồng

 

Tôi đi hướng mặt trời

Mặt trời mọc phương tây

Sáng tinh mơ ngủ dậy

Đã thấy ánh trăng gầy

 

Con chữ hoài nhảy múa

Cái đầu hoài lắc lư

Tôi cố ghì hoài niệm

Giữa những ngày tháng tư

TUYỀN  LINH

     2022

Wednesday, March 9, 2022

ANH ĐÀO ĐÀ LẠT


 

ANH ĐÀO ĐÀ LẠT

Chẳng còn gì bàn cãi thêm
Bởi em đẹp nhất cái tên Anh Đào
Nhan sắc em - của trời cho
Em về hò hẹn…hẹn hò thi nhân?

Rực hồng Đà Lạt vào xuân
Lung linh cánh mỏng nét trầm cao nguyên
Ta như lạc bước cảnh tiên
Hồn đang treo giữa hai miền thực…hư…

Qua làn tơ mỏng đong đưa
Khách trần vương vấn nét đài trang em
Xiêm y hồng phớt buông rèm
Chứa đầy thi tứ ướt mềm hồn ta

Hóa thân ngọn gió nhẹ qua
Ta nghe trong nắng lời hoa trao tình
Hình như trời đất hiển linh
Trong không gian ấy hương tình nhẹ bay

Sầu ta quá khứ vơi đầy
Bỗng dưng nhẹ hửng ngất ngây anh đào
Phố phường Đà Lạt xôn xao
Chan hòa nhân thế ngọt ngào sắc xuân

Nhìn em chân ý trào dâng
Bút sa tâm não bao lần ngẩn ngơ
Vẫn không tròn vẹn câu thơ
Trong nhan sắc ấy, thơ nào xứng tâm!

Em về che lấp phù vân
Lung linh sắc thắm nụ mầm nõn tơ
Níu thời gian để mộng mơ
Ước chi viết được câu thơ vĩnh hằng !

TUYỀN LINH


LÝ BÈO MÂY - Bạch Lan

Monday, March 7, 2022

ÁO TÍM


 

 

ÁO TÍM

Về: Trân Châu

Aó tím em mang tự thuở nào
Kinh kỳ ngập nắng rộn xôn xao
Aó em lã lướt trong gió thoảng
Hứng lại giùm ta chút máu trào

Ta đến nơi đây nén dặm đường
Mập mờ áo tím lướt trong sương
Mắt em xanh quá là xanh quá!
Ta biết rồi ta sẽ đoạn trường

Dáng liễu đong đưa tắm ánh hồng
Mây buông lõa xõa cợt thu phong
Trân Châu chừng tưởng là sương nhạt
Em nỡ không mang chiếc áo hồng !

Lê gót tìm hoa thỏa ước mong
Những tưởng em mang chiếc áo hồng
Ngờ đâu em đắp lên màu tím
Tím cả lòng ta mấy độ trông

Mây xám chiều nay đổ xuống rồi
Rớm sầu nguyệt lệ ánh sao rơi
Đường về lối nhỏ hoa tim tím
Cánh bướm bay qua tủi phận đời

TUYỀN LINH
Đà Nẵng 1960

 

CHIẾC LÁ Karaoke có lời

Tuesday, March 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 3


TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 3

01.2.2021 - Bạn ơi, hôm nay mình xin kể tiếp cho bạn nghe những bước gian khó trong cuộc đời mà mình đã trải qua nhé. Như bạn đã nghe mình kể lần trước rồi đó, phi cơ từ Pleiku bay về Đà Nẵng dù trục trặc đôi chút nhưng cuối cùng cũng hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng an toàn. Mình đưa tay nhìn đồng hồ, lúc bấy giờ là 1h20 chiều ngày 16 tháng 2 năm 1975, một ngày với nhiều mệt mỏi lo âu. Nghĩ đến sự cố đang xảy ra ở phi trường Buôn Mê Thuột vừa rồi, đầu óc mình căng cứng. Càng căng hơn khi trên đường từ phi trường về nhà, mình chứng kiến cảnh người dân từ Huế và Quảng Trị di tản lánh nạn nằm la liệt trước trường trung học Đông Giang Quận 3 Đà Nẵng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến trường toàn miền Nam sôi động đang hiện rõ trước mắt mình.

  Xe ngừng trước cổng nhà, mình xuống xe và chạy vội vào nhà thay bộ đồ lính bằng quần áo dân sự. Mình nhanh chân đi đến cổng trường Đông Giang để hỏi thăm bà con đồng bào lánh nạn từ Huế và Quảng Trị vào. Nhìn bộ dạng lếch thếch cùng vẻ mặt bơ phờ của các đồng bào tị nạn mà mình không cầm được nước mắt. Chắc họ bữa đói bữa no là điều không thể tránh khỏi. Những son quánh chiếu chăn cũng những trạc gạo cứu đói của dân địa phương sẽ kéo dài được bao lâu trong hoàn cảnh cơ nhỡ nầy? Ai mà biết được!

  Từ nhà mình đến Trường Trung Học Đông Giang Quận 3 chỉ cách nhau có mấy bước, nhìn cảnh đời lúc bấy giờ nghe quá nhức nhối đi thôi. Chợt nghĩ đến hoàn cảnh của mình, một bà vợ với 6 đứa con dại thì sẽ chạy lánh nạn ở đâu khi khói lửa cận kề? Chiến tranh. Ôi, chiến tranh…! Qua ngày 03 tháng 3 năm 1975, lại nghe tin Buôn Mê Thuột mất, mình như ngồi trên đống lửa.

  Đà Nẵng thời điểm lúc bấy giờ mọi sinh hoạt mới nhìn tưởng chừng như bình thường, thế nhưng trong sâu kín, không ai bảo ai, đều đã chuẩn bị một tư thế đề phòng riêng tư theo mỗi cách khác nhau. Như nhà mình chẳng hạn, mình lấy các tủ gỗ đựng quần áo bỏ hết quần áo ra ngoài, lật cho nằm xuống nền nhà, rồi chất bao cát đầy kín vào trong. Cứ thế, tủ nầy và tủ kia lập thành 4 vách kiên cố nằm ngay giữa nền nhà. phần trên nóc cũng thế. Nói tóm lại, mình làm thành một căn hầm dã chiến ngay trong nhà để chống đỡ bom rơi đạn lạc khi có biến. Mình linh cảm loạn lạc đã gần kề lắm rồi. Do đó, cũng ngay thời điểm ấy, mình quyết định ở nhà liều, không trở về đơn vị đóng quân tại Pleiku nữa mặc dù đã mãn hạn phép. Bạn nghĩ coi, với 6 đứa con dại nheo nhóc như mình, đứa lớn nhất sinh năm 1964, đứa út sinh năm 1973, lòng dạ nào mình bỏ rơi mẹ con chúng giữa lúc dầu sôi lửa bỏng chứ. Không có mình, gia đình như rắn không đầu, làm sao mình yên tâm mà đi được?

  Trước đó, mình cũng đã phòng xa, mua sẵn vé máy bay Air Việt Nam cho cả gia đình đi về nhà bà ngoại các cháu ở Sai Gòn để lánh nạn, nhưng khi đến ngày đi, vào phi trường thì hỡi ôi, toàn các ông lính biệt động quân, lính dù, lính thủy quân lục chiến  nhảy lên máy bay chiếm chỗ hết. Chứng kiến cảnh hỗn loạn đó, mình thấy là không xong rồi, vô phương, nên quay về nhà làm tạm hầm trú ẩn dã chiến là vậy. Mình cũng đã giải thích với vợ mình lý do tại sao lúc bấy giờ mình lại chọn giải pháp trụ lại ẩn nấp tại nhà, không đi di tản. Mình thấy các con mình còn nhỏ quá, không thể nào mình có thể bảo vệ được chúng nếu cứ cuốn theo dòng người di tản như thác lũ kia. Ngàn sự rủi, một sự lành.

                       ~~oo0oo~~

  Sáng ngày 27 thảng 3 năm 1975, thành phố Đà Nẵng lộ rõ cảnh loạn lạc, nhà nào nhà nấy đều đóng khóa cửa kín, ngoài đường phố người chạy ùn ùn tìm đường lánh nạn thoát thân. Dòng người di tản mỗi lúc một đông, nhất là lối ra bãi biển Tiên Sa, người đông như kiến. Trong khung cảnh hỗn độn hôm đó trên đường phố, sờ sờ ban ngày mà vẫn xảy ra chuyện cướp bóc giết người, hãm hiếp dã man. Thậm chí, ngay cả những căn nhà đã khóa trong khóa ngoài kỹ càng vẫn bị các ông lính hám của dí họng súng M16 bắn nát ổ khóa để vào. Không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó? Rõ là một ngày không có chính quyền. Ghê rợn đến cùng cực…! Mình quay vào nhà, định khóa kín cửa để không còn chứng kiến cảnh tối mặt tối mày ghê tởm đó, ai dè đùng một cái, một xe DOD loại quân xa cải tiến đỗ xệch trước nhà mình với nhiều tiếng kêu hô lớn. Mình nhận ra trên xe có mặt bà chị ruột của mình là chị Năm và cô cháu gọi mình bằng cậu. Mọi người hối hả bảo gia đình mình lên xe. Mình hiểu ngay ý của chị mình, nhưng mình không chịu đi, vì mình đã kiên định rõ lập trường của mình rồi trong việc đi di tản hay trụ lại nhà. Lúc đó, bà vợ mình nghe thấy mình đang dằn co với bà chị, bà phùng mang trợn mắt phản bác mình dữ dội. Miệng bà nói, tay bà xua các con của mình lên xe và tức thì xe chuyển bánh, mình vội chạy theo và đu lên xe. Thế là sự đã rồi. Trong sâu kín, mình hiểu được động lực nào khiến bà quyết tâm đi như vậy. Mình hiểu. Nhưng mình lại nghĩ khác, sống chết có số, nếu chết thì cùng nhau chết một chỗ sẽ là hạnh phúc hơn chết dọc đường. Càng đau lòng hơn nữa khi chẳng may, trong một gia đình có kẻ sống người chết, mà lại chết vất vưởng không có được một nấm mồ.

                             ~~oo0oo~~

  Khi xe chở đám người của mình còn cách bãi biển Tiên Sa chừng 200 mét, mình đã thấy cả một rừng người hiện ra trước mắt, kín hết bãi biển. Mình lo sợ và nghĩ thầm trong đầu: chẳng dễ dàng gì để làm một việc gì đó trong lúc nầy. Nhưng đã bỏ nhà bỏ cửa ra đến đây, như đã cỡi lên lưng cọp rồi. Đành chịu! Mình đưa tay nhìn đồng hồ, thấy đã 5h15 chiều rồi. Mặt trời nghiêng dần về hướng Tây, nước biển như sẫm lại. Mình nhìn ra khơi xa, chưa thấy một hiện tượng gì hy vọng cả, chỉ là những con mòng biển bay lượn vu vơ. Chắc là một đêm phải thức trắng trên bãi biển để nghe sóng gào và đạn pháo hú. Chỉ tội cho những trẻ nhỏ vô tư như cây cỏ phải sớm mang nặng kiếp người. Hoàng hôn dần dần lịm tắt chẳng cần đợi một ai, dù chiến tranh hay hòa bình thì vòng quay của đất trời vẫn thế. Mình trải tạm tấm nhựa nylon lên mặt cát để các cháu ngồi ăn tạm ổ bánh mì khô cho đỡ lòng. Cả ngày hôm đó không có hàng quán nào bán thức ăn nên mình cũng chẳng mua được gì cho các cháu cả. Tội nghiệp quá…! May mà đêm đó là ngày rằm, tức ngày 15 tháng 2 năm Ất Mão, nên ông trời cho chút ánh trăng. Ánh trăng vừa đủ sáng để cha con vợ chồng nhìn rõ mặt nhau trong một đêm vô định. Mặt thì rõ mặt nhưng lời chẳng thành lời. Cả gia đình không ai nói với ai, cứ im hơi lặng tiếng như muốn nhường không gian và thời gian cho tiếng pháo kích hú gào. Càng về khuya, càng nhiều đợt pháo kích hơn. Rất may là không có một quả đạn pháo nào rơi lạc vào chỗ đám dân đang ngồi dày đặc trên bãi biển để chờ tàu đưa đi. Đạn pháo chỉ bay ngang qua đầu thôi. Rất may…!

                       ~~oo0oo~~

  Tờ mờ sáng ngày 28.3.1975, từ ngoài khơi xa, khá xa, đã thấy xuất hiện một chiếc xà lang lớn, nhiều tiếng reo mừng của bà con di tản, cùng những bước chân ùn ùn chạy ra sát mép biển - chờ đợi…Mình thấy đám người vây kín mép biển về hướng  phía xà lang đông nghẹt nên mình chưa dám đưa các cháu nhỏ nhà mình chen vào. Mình cố gắng giữ một khoảng cách tương đối an toàn để bảo vệ các cháu. Trời chưa sáng hẳn, vẫn còn lờ mờ sương, đạn pháo thỉnh thoảng vẫn cứ bay vèo qua đầu kéo theo những bụi lửa như hình sao chổi, trông thật kinh hoàng. Đám đồng bào chạy loạn vẫn đang lô nhô phía mép biển chờ dịp được nối bước chân để tìm con đường sống. SỐNG hay CHẾT? Ai mà biết được, nhưng đi thì vẫn cứ đi cái đã. Mình đứng bất động, vô hồn. Tự dưng mình muốn quay về lại nhà, nhưng không được rồi. Bỏ vợ con cho ai mà về?  Bỗng những tiếng vỗ tay la ó thật lớn làm mình hoàn hồn tỉnh lại. Mình nhìn thấy đám người chen nhau lội nước lên chiếc ca nô nhỏ và được đưa ra khơi để lên xà lang. Rồi vài ba chiếc ca nô nữa sau đó tiếp diễn…tiếp diễn…     Người ta la hét chen lấn nhau để nhào về phía trước. Mình bị động hoàn toàn, có muốn đứng yên cũng không được. Cứ lớp người sau đẩy lớp người trước, tiếp nối nhau tựa như những đợt sóng xô bờ. Cuối cùng, gia đình mình cũng lên được ca nô. Từ ca nô leo lên xà lang cũng cả một vấn đề, nhưng nhờ sức mạnh vô hình từ đâu đó nên mọi chuyện cũng xong. Ơn Trời Phật, có trầy xước chút đỉnh, nhưng không sao. Mình đứng trên xà lang nhìn về bãi xuất phát, thấy người mỗi lúc mỗi đông kín. Ca nô thì cứ vẫn tiếp tục chuyển người từ bờ đến xà lang không ngừng nghỉ. Lúc gia đình mình vừa leo lên được trên xà lang, dù trên xà lang đã đông người nhưng cũng còn thấy dễ thở. Riết một lát, trên xà lang không còn chỗ chen chân, chật kín như nêm. Nói thật với bạn, lúc bấy giờ trên xà lang chỉ còn chỗ để vừa đủ hai bàn chân, không còn chỗ để cụ cựa nữa. Có thể bạn không tin, nhưng đó là sự thật. Cũng từ tình trạng đó, người nầy đứng mất thăng bằng nên ngã đụng người kia, người kia lại té đè lên người nọ, cứ thế cảnh hỗn độn liên tiếp xảy ra trên xà lang dưới cái nắng giữa trưa như thiêu đốt. Rồi đói, rồi khát, nhất là khát. Bạn nghĩ coi, tính từ chiều hôm trước ( 27/3/75 ) đến trưa hôm sau ( 28/3/75 ), chắc chắn là không ai có được một chút gì trong bụng, tội nhất là các trẻ nhỏ và những người già. Giữa trưa như thế, với cơn khát hành hạ, mình cố gắng chen ra mé rìa xà lang, dùng nón sắt múc một ít nước biển để uống; mới hớp một ngụm, liền nhổ ra ngay, nó mặn và tanh, không tài nào uống được. Có một số người cũng làm như mình, nhưng họ cũng không uống nổi. Sau đó, mình nghĩ ra cách khác, uống thử nước tiểu xem sao, cũng tạm được. Nước tiểu có mùi khai, nhưng nồng độ mặn không đậm như nước biển, nhất là không có mùi tanh nên dễ chịu hơn. Rồi người nầy thấy, người kia thấy, rồi bắt chước nhau, cả xà lang nhốn nháo làm theo. Không còn cách nào khác. Phải chịu thôi. Thậm chí, còn xin nhau để uống, nhất là những gia đình có con trẻ đông, như nhà mình chẳng hạn. Ấy thế mà cũng có một số em bé và người cao tuổi bị ngất xỉu ngay trên xà lang.  Có lẽ họ chịu không nổi cái nắng quá gắt trưa hôm đó. Thật là một thảm cảnh.

                      ( còn tiếp )

 


ĐÀ LẠT LẬP XUÂN


 

ĐÀ LẠT LẬP XUÂN

Tháng chạp, tôi dạo phố phường
Ngắm trời mây nước, đón hương xuân về

Anh đào nhoẽn nụ hồng khoe
Rợp trời Đà Lạt như e ấp tình
Mimosa cũng trở mình
Nhẹ đưa hương sắc cười tình trời mây
Dã quỳ lãng vãng còn đây
Trạng nguyên lưu luyến mừng ngày lập xuân
Tuy xa mà lại thành gần
Các em Hồ Điệp, Mẫu Đơn, Cát Tường
Cũng về hội tụ vui xuân
Chuyện trò cùng với giọt sương giọt tình
Tiện chân xuống dốc Hòa Bình
Một rừng hương sắc lung linh góc trời
Thủy Tiên, Cẩm Chướng, Lay ơn
Ly ly, Chuỗi Ngọc, Ty gôn chào mừng
Hồng Tỷ Muội lại mỉm cười
Với tôi như thể tìm nơi giao tình
Phải chăng tôi đi một mình
Nên hoa cảm thức tiếng tình yêu qua?
Lòng đang còn xót còn xa
Khiến tôi ngơ ngẩn nhìn hoa bồi hồi
Dậy trong tiềm thức xa xôi
Hỡi ơi bèo dạt hoa trôi trăng tà !

Dẫu câu lục bát đậm đà
Cũng không nói hết tình hoa, tình người !

TUYỀN LINH