Wednesday, June 1, 2022

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG 9


 

TRÒ CHUYỆN VỚI KHOẢNG KHÔNG TRƯỚC MẶT

                                                     Tuyền Linh

TẬP II - Nước Mắt Đàn Ông

Phần 9

13.2.2021 – Hôm qua, chưa kịp kể tiếp cho bạn nghe, giờ kể tiếp đây bạn nhé! Như vậy, tính ra xe cũng đã chạy được một quãng đường khá dài. Mình nghe ông tài xế nói chuyện với anh phụ xe nên mình biết là đã 11giờ trưa rồi. Xe quẹo vào một bãi đậu xe thuộc địa phận Phan Rang. Rất hên, bãi đậu xe có nhiều cây bã đậu thật to cao nên rợp bóng mát. Anh phụ xe mở bửng sau thùng xe cho cha con mình xuống nghỉ xả hơi. Các cháu vẫn còn say ngủ nên không chịu xuống, chỉ một mình mình xuống thôi. Mình suy nghĩ, tuy mình được chị sui gia gởi gắm đi nhờ, biết chắc là ông chủ xe sẽ không lấy tiền xe, nhưng phép lịch sự ở đời nên mình cũng nhờ anh phụ xe hỏi giùm ông chủ, bao nhiêu tiền xe để mình gởi trả. Liền thì anh phụ xe đến trao đổi với ông chủ, rồi quay lại nói với mình:” Anh đưa bao nhiêu cũng được. Xe tới đây chở hàng rồi quay về, không đi nữa”. Mình chới với. Bạn à, mình chới với không phải bị trả tiền xe, mà quýnh quáng không biết tìm xe nào để đi tiếp? Lúc bấy giờ thật là nan giải đối với mình. Mình liền vội đánh thức các cháu dậy, xin một ít nước ở quán cà phê để các cháu rửa mặt cho được tỉnh táo. Mình cũng thu xếp gọn hành trang đem xuống xe. Mình mua vài ổ bánh mì cho các cháu ăn tạm, gởi cô bán bánh mì 2 ba lô quần áo trông giùm. Mình rảo chân quanh bãi xe để hỏi thăm những xe tải nào sẽ chạy về hướng Đơn Dương Đà Lạt. May thay có một xe tải sẽ đi về hướng đó sau chừng 30 phút. Lần nầy rút kinh nghiệm, đồng tiền mình có giới hạn nên mình hỏi trước anh phụ xe về giá xe lên tới Đơn Dương là bao nhiêu? Anh phụ xe liền chạy ù tới chỗ tài xế chủ xe đang ngồi uống cà phê và hỏi. Mình nhìn theo phụ xe, thấy anh ta cười cười, đồng thời đưa tay ra dấu hướng về phía mình, không lấy tiền – Anh nói thật to. Mình mừng thầm và tự hỏi, sao lại nghịch lý như thế nầy? Người bà con thì lấy tiền, người xa lạ thì không lấy. Chẳng biết đâu mà nói…!?

 Một lát sau, bác tài xế chủ xe tiến về phía cha con mình, kéo chiếc ghế nhựa của xe nước mía kế đó để ngồi và hỏi mình bằng một giọng rất tình cảm:” Sao, cha con từ đâu về đây mà lại đi Đơn Dương nữa?” Dạ, từ Đà Nẵng vô, thưa bác! – mình trả lời. Bác ấy thấy chỉ có một mình mình và 6 cháu nhỏ nên bác ấy thắc mắc hỏi qua gia cảnh của mình, mình cũng kể hết. Rồi thì bác gọi 7 ly nước mía cho mình và các cháu, bảo uống. Mình cảm động đến ứa nước mắt.

                           ~~oo0oo~~

 Mình và các cháu lên xe của bác tài xế tốt bụng lúc ấy khoảng 1 giờ trưa trong ngày. Coi bộ tinh thần các cháu tỉnh táo và vui vẻ hơn lên. Rất hên là xe nầy có sẵn một sàn bằng gỗ gồm 3 tấm ván ngo, mỗi tấm có cỡ bề ngang  3 tấc, được gác ngang hai bên hông thùng xe, ngay vị trí cửa sổ gần ca bin xe. Nhờ vậy cha con mình nằm, ngồi trên sàn ván tha hồ nhìn ngắm xuống đường nhựa. Cửa  sổ được thông gió rất mát mẻ. Xe đang lên đèo ngoạn mục, con đèo nầy tháng trước mình đã đi qua một lần khi lên nhà chị Sáu, bây giờ đi lại vẫn thấy đẹp. Qua hết con đèo nầy là đến thôn Phú Thuận, là đất hứa của cha con mình trong tương lai. Còn vài trăm mét nữa là hết đoạn đường đèo, chú tài xế kè sát xe vào sân đất trống của mấy quán nước ven đèo, khi xe ngừng hẳn, anh phụ xe mở bửng sau xe cho cha con mình xuống. Anh nói:” bác tài bảo xuống ăn chút gì rồi đi tiếp”. Mình nghe vậy, hơi lo. Mình nói:” cám ơn anh, tôi và mấy cháu không đói, nhờ anh nói giùm lại với bác tài nhé!”. Vừa lúc bác chủ xe tới, dường như bác hiểu tâm lý mình, bác cười xuề xòa và nói:” Không sao đâu, cứ xuống cho các cháu ăn đi, bác đãi các bé mà!”. Bác tài vỗ vai mình và kẹp tay mình vào quán.

Mình hơi ngạc nhiên, tận cuối đường đèo mà mọc lên một dãy hàng quán trông thật ngộ. Các nhà quán được lợp bằng tôn, vách và cột làm toàn bằng gỗ ngo, đơn sơ nhưng trông rất chắc chắn. Bà chủ quán ra mời khách khá niềm nở. Mình, các cháu, cùng bác tài xế và anh phụ xe ngồi vào một chiếc bàn dài, cũng bằng gỗ ngo, mặt bàn được trải khăn bàn nhựa màu mè in nhiều hoa lá. Hai bên bàn là hai cái ghế dài không có thành dựa lưng. Đơn sơ là thế, nhưng đồ ăn thì khá ngon, ngon theo khẩu vị của mình. Lúc nãy, mình có hỏi thăm cậu con trai nhỏ bưng bê thì được biết, toàn thể những người buôn bán ở dãy hàng quán nầy đều là dân của thôn Phú Thuận. Không hiểu sao, khi nghe cậu nhỏ bưng bê nói thế, mình cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Ăn xong, mọi người lên xe đi tiếp…

 Xe chạy một đổi chừng hơn cây số, mình nghe anh phụ xe hỏi với giọng thật lớn:” Xuống đâu? Xuống chỗ đập Đa Nhim – mình trả lời.” Tức thì xe thắng gấp, làm mình và các cháu một phen hú vía. Hinh như xe đã chạy lố qua chỗ mình nói, bác tài cho xe de lui chầm chậm một lát rồi ngừng hẳn.  Lần nầy bác tài mở cửa, xuống xe và vòng ra sau xe đón từng cháu của mình xuống. Bác vò đầu từng đứa, rồi quay qua bắt tay vỗ vai mình với nụ cười thân thiện. Bác nói:” Chúc cha con gặp may mắn”. Mình cám ơn bác trong nước mắt.

                     ~~oo0oo~~

 Cha con mình vô đến nhà chị Sáu đúng 4 giờ chiều ngày 16 tháng 3 năm 1976. Chị Sáu đang loay hoay nhồi bột để chuẩn bị cho nồi bánh canh ngày mai. Nghe chị Sáu nói anh Thạnh vắng nhà một tuần vì phải vào rừng chặt cây để đốt ủ hầm than. Cuộc sống của anh chị thường nhật là thế, có phần vất vả nhưng được cái là ổn định kinh tế, không sợ đói. Mình cất gọn 2 ba lô quần áo vào một góc nhà, rồi ra ngồi xem chị Sáu nhồi bột. Sau một hồi vừa làm vừa chuyện trò với mình, chị Sáu cho mình biết, bột chị Sáu đang nhồi không phải bột gạo mà là bột củ mì, tức là bột củ sắn đó bạn. Ngoài xứ Đà Nẵng mình, con bánh canh thường làm bằng bột gạo, nhưng đặc biệt ở đây thì không, làm toàn bằng bột củ sắn. Ngộ ghê! Nhưng ăn cũng khá ngon miệng bạn à. Mình đã ăn thử rồi. Có điều, ăn một tô bánh canh bột củ mì thì thời gian no gấp hai lần bánh canh bột gạo. Hihi…như vậy cũng lợi cho những người nghèo đang thiếu gạo? Mình đùa với bạn chút thôi, chứ mỗi loại đều có giá trị bổ dưỡng riêng bạn à.

 Đồng hồ trên vách ván đã chỉ đúng 6 giờ chiều, chị Sáu đổ vội mớ con bánh canh còn lại trong mâm nhôm vào một nồi lớn. Chị đặt nồi lên lò than củi và để đó. Chị quay sang dọn cơm cho mình và các cháu ăn. Chị làm luôn tay như một cái máy vậy. Mình thầm phục chị. Chị Sáu có năm người con, 3 gái, 2 trai. Sau 75, mỗi đứa di một nơi để làm ăn sinh sống. Chúng đều đã lập gia đình cả, nghe đâu cuộc sống cũng ổn. Nhà chỉ còn hai vợ chồng thui thủi, có lẽ vậy nên chị luôn tạo ra sự tất bật để lấp đi cảnh trống vắng chăng? Thấy cha con mình đến ở nhờ, chị mừng vui lắm. Nói vậy thôi, chứ mình chỉ muốn ở nhờ một thời gian ngắn thôi; rồi lần hồi mình sẽ kiếm mua nhà riêng để ở, như vậy sẽ tiện hơn, phải không bạn? Số tiền mà mình bán nhà tại Đà Nẵng, vẫn còn giữ nguyên đây, có dám đụng tới đâu.

                 ~~oo0oo~~

Đêm qua mình ngủ một giấc thật ngon, thật sâu. Mình nghĩ chắc ảnh hưởng tâm lý đó thôi. Sau những ngày tháng không  được làm tiều phu trên núi Sơn Trà, mình cảm thấy dư tay dư chân quá. Chiều hôm qua, khi bước vào nhà chị Sáu, mình nghĩ như đang bước đến một cột mốc mới. Mà đúng vậy, bắt đầu từ lúc bấy giờ, mình sẽ là một người khác hoàn toàn. Không còn là anh chàng sinh viên giám thị hầm mỏ nữa, cũng không là chú lính trung sĩ I  quân cụ thuở nào, lại là không còn chàng thanh niên đi hát du ca vùng Quy Nhơn Pleiku thuở nọ. Tất cả đã lùi về quá khứ và cùng nhau dòm lén mình trong những bước đi sắp tới, những bước đi tìm mồi của một gà trống nuôi con.

 Cũng gần 8 giờ sáng rồi, mình dặn dò Giáng Hương ở nhà trông em cho cẩn thận, rồi thì mình bước ra đường và rẽ về hướng tay mặt, hướng xuống thôn Phú Thuận. Mình đi từ từ từng bước ngắn, mục đích để suy nghĩ về việc sẽ tìm mua nhà tại thôn Phú Thuận, nhưng mua như thế nào? Hiện số tiền mình bán nhà ít ỏi quá, liệu có đủ không? Thật ra thì nhà cũ của mình tại Đà Nẵng cũng khá khang trang, nhà lợp bằng tôn xi măng, tường xây kiên cố, phương tiện điện nước đầy đủ; nhưng ngặt nỗi, thời điểm lúc bấy giờ tại xóm mình, nhà bỏ hoang nhiều quá. Hơn nữa, mình cũng cần bán thật nhanh để đi nên không được giá cho lắm. Bạn cũng biết đấy, ở lâu càng lụn bại, lấy tiền đâu ra để sống?

                     ( còn tiếp )

No comments:

Post a Comment