Wednesday, January 6, 2016

Lượm lặt điều hay


U23 Việt Nam: Sẽ không có bóng đá đẹp dưới thời Miura

13:15, Thứ ba 05/01/2016 
 

Dù có rất nhiều cầu thủ của HAGL trên tuyển thế nhưng với tư duy bóng đá của mình, người hâm mộ khó lòng mong đợi một lối đá đẹp mắt và cống hiến dưới bàn tay của HLV Miura.
Trong trận giao hữu thua U23 Yemen 1-2 tối 4/1, ông Miura sử dụng hầu như tất cả cầu thủ HAGL. Dù vậy, trong cái nền chung nhạt nhòa và bế tắc, họ không để lại nhiều dấu ấn.
Đó là một trận đấu, đúng hơn là một buổi tập đặc biệt mà rất ít người Việt được xem. Nhưng số khán giả hiếm hoi đến tận sân tập cổ vũ thầy trò Miura đều có chung cảm giác: họ không được nhìn thấy đội nhà chơi bóng.
Chiến thuật của HLV Miura không có gì khác biệt so với những gì ông từng thể hiện ở 2 trận giao hữu thua JFL Selection trên sân Hàng Đẫy vài tuần trước. Những nét tích cực mà Công Phượng, Văn Toàn tạo ra trong trận hòa Cerezo Osaka gần như biến mất.

Tuấn Anh vẫn chưa có thể lực tốt nhất khi trở lại sau chấn thương.
Phượng và Toàn được đá chính trong đội hình gặp U23 Yemen, nhưng sợi dây liên kết giữa họ quá rời rạc, bởi một lẽ đơn giản là không có bóng mà chơi. U23 Việt Nam phòng thủ chặt, nhưng phản công thì không nhanh và cũng không chính xác. Cách chơi của tuyến dưới đơn giản chỉ là đeo bám, truy cản, chọn thời điểm ập vào phá bóng và tiếp tục dàn trận chống đỡ cho đợt tiếp theo.
Đông Triều cũng có mặt trong đội hình xuất phát, và vẫn đảm nhiệm vị trí tiền vệ trụ vốn xa lạ với anh nhưng lại “vừa mắt” ông thầy người Nhật. Kết quả như thế nào chắc tất cả đều đoán được, sau những gì cầu thủ gốc Quảng Nam chứng tỏ ở các trận đấu thất vọng đã qua.
Cặp tiền vệ được chờ đợi nhất là Xuân Trường - Tuấn Anh đều đã được vào sân từ ghế dự bị, nhưng lại không có phút nào đứng cùng nhau. Xuân Trường thay Duy Mạnh, và ở hiệp 2, đến lượt Tuấn Anh thay Xuân Trường.
Hơn 40 phút của Xuân Trường và 20 phút của Tuấn Anh ở trên sân không nói lên chút gì cả về cái “chất” kiểm soát bóng cũng như điều tiết nhịp độ theo kiểu HAGL. Nó chỉ cho thấy một điều chắc chắn: ông Miura không hề có ý định cùng lúc sử dụng bộ đôi này.
Nguyên nhân thì quá rõ ràng, cả hai đều không đáp ứng được tiêu chí đá tiền vệ là phải quyết liệt, va chạm, thậm chí chịu bầm dập để… “gánh team”. Đông Triều có vẻ được ưu ái hơn 2 đồng đội, nhưng cầu thủ này lại thiếu phẩm chất lớn nhất là sự khéo léo và quan sát tinh tế cho những tình huống phản công.
Có một cầu thủ HAGL nữa được ông Miura miễn cưỡng tung vào, vì đây là buổi tập cần rà soát càng nhiều vị trí càng tốt - Đức Lương. Tuy nhiên, màn trình diễn của anh cũng không để lại ấn tượng nào cho HLV Miura.

Với lối đá này, Công Phượng khá 'đói' bóng để có thể tạo ra đột biến
Sau đây 2 ngày (7/1), U23 Việt Nam tiếp tục giao hữu với một đối tượng khác, mạnh hơn U23 Yemen nhiều, đó là U23 Nhật Bản. Ông Miura càng có lý để gia tăng chất thép và củng cố cách chơi tử thủ.
Ngày 14/1, thầy trò Miura sẽ bước vào giải đấu chính với các đối thủ lần lượt là U23 Jordan, Australia và UAE. Trong số đó, đội được đánh giá “mềm” nhất là Jordan cũng vừa dễ dàng hạ gục U23 Yemen 3 bàn không gỡ.
Điều đó cũng có nghĩa là những ai vẫn còn mong manh hy vọng U23 Việt Nam chơi khởi sắc hơn, đẹp đẽ hơn, mang hơi hướng HAGL hơn có thể tắt TV sớm và chỉ nên đọc kết quả như so xổ số.
Nhiều người hâm mộ có cách tính riêng của họ. Nếu đối thủ mạnh hơn ta, thà rằng quên tỷ số đi mà chơi theo cách của mình, cố gắng cầm được nhiều bóng, phản công nhiều nhất khi có thời cơ cũng là phương án hạn chế sức mạnh đối phương.
Cách tính ấy không phải không có xác suất thành công, thậm chí xác xuất thành công còn lớn hơn kiểu chơi bóng của U23 Việt Nam đang áp dụng. Nhưng, điều quan trọng là ông Miura dường như không bao giờ nghĩ thế.
Theo Zingnews




No comments:

Post a Comment